ClockThứ Hai, 06/12/2021 14:39

“Lối rẽ” của Trương Hữu Tài

TTH - Khi quyết định lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương sau bao năm bôn ba xứ người, chàng thanh niên Trương Hữu Tài chọn cho mình lối rẽ khá bất ngờ mà nói như nhiều người dân xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) khi ấy, là “quá liều”.

Thanh trà Thủy Bằng và Dương Hòa được mùa, được giáPhát triển tiềm năng cây thanh tràSức sống mới Dương Hòa

Trương Hữu Tài thành công với mô hình hoa tết

Nói “liều” không phải vì đầu tư vốn lớn do Tài không đi theo hướng hoặc trồng rừng, hoặc trồng thanh trà như đa số mọi người ở Dương Hòa lâu nay, mà chuyển hướng sang trồng hoa cúc chậu phục vụ tết. Và đến hiện tại, Tài là hộ trồng hoa tết duy nhất của xã Dương Hòa.

Sau gần chục năm làm thuê ở Đà Lạt, khi trở về, vốn liếng tích lũy chẳng bao nhiêu, trong khi trồng keo tràm, thanh trà lại không có đất, năm 2015, suy đi tính lại; Tài bàn với vợ chỉ có trồng hoa tết là hợp lý hơn cả bởi những năm làm thuê tại các trang trại hoa ở Đà Lạt, Tài tích lũy cho mình kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Không có đất nên một vài năm đầu, Tài xin trồng hoa “ké” ở vườn thanh trà của bà con trong vùng. Nhưng do trồng dưới tán thanh trà, bị rợp bóng, hoa phát triển không đều, chất lượng không cao nên những vụ hoa tết năm ấy dù không lỗ nhưng cũng không đem về thu nhập bao nhiêu.

Được sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của anh em đoàn viên xã Dương Hòa, năm 2019, Tài làm đơn xin thuê mặt bằng để trồng hoa chậu. Trước sự chí thú làm ăn của thanh niên sinh năm 1990, chính quyền xã Dương Hòa đã chấp thuận và cho Tài thuê mặt bằng với mức phí hỗ trợ là chủ yếu.

Có được mặt bằng với diện tích khoảng 3.000m2 ở thôn Thanh Vân, Tài và vợ dùng vốn liếng, lời lãi từ vụ hoa trước để đầu tư hệ thống tưới tiêu, hàng rào, hoa giống, nguyên vật liệu đúc chậu… để tạo nên một diện tích trồng hoa tết quy mô, bài bản hơn.

Khi có được một địa điểm trồng hoa ổn định, Tài và vợ dành một nửa thời gian trong năm để làm te, trồng rừng thuê…, thời gian còn lại tập trung chăm sóc hơn 1.000 chậu cúc, chủ yếu là cúc pha lê để phục vụ Tết Nguyên đán. Lúc này, bên cạnh những lời động viên, cũng có nhiều lo lắng khi không biết, liệu hoa của Tài có cạnh tranh nổi với hoa ở Thủy Thanh, Thủy Vân… hay không. Bởi đó là những nơi trồng hoa tết có thương hiệu mấy chục năm nay.

“Sau nhiều năm làm thuê cho các trang trại hoa ở Đà Lạt, bản thân tôi cũng tích lũy ít nhiều kiến thức, kinh nghiệm trồng hoa cũng như kết nối được những nơi có nguồn giống tốt nên tôi tự tin là đáp ứng phần lớn nhu cầu về kích cỡ, màu sắc, độ đồng đều của hoa mình trồng khi đến tay người tiêu dùng”, Tài chia sẻ.

Và đúng như lời của Trương Hữu Tài. Sau thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường, những chậu cúc của Tài được nhiều người đón nhận. Đây cũng chính là cơ sở để năm nay, Tài tự tin giữ nguyên số lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán như năm trước. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều hộ trồng hoa tết ở Thủy Thanh, Thủy Phương, Thủy Châu… khi phải giảm 40 – 60% số lượng do lo ngại COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra.

“Sau khi trừ mọi chi phí, 1.200 chậu hoa mỗi năm giúp vợ chồng tôi thu về 60 – 70 triệu đồng tiền lãi. Nếu thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh, thu nhập có thể cao hơn bởi 2 vợ chồng có thể nâng số lượng hoa tết lên gần 2.000 chậu”, Tài nói.

Sau những thuận lợi bước đầu, hiện Tài đang dự tính trồng thêm hoa hồng, hoa ly để vừa phong phú chủng loại, tăng thêm thu nhập do có thể bán lai rai quanh năm và cũng là phương án dự phòng một khi thị trường hoa cúc bão hòa.

“Ngoài chí thú làm ăn, ở Tài có một điều đáng quý là sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa cho những ai có nhu cầu, cũng như mong muốn có thêm nhiều điểm trồng hoa tết ở xã nhà để tiến tới tạo thêm điểm nhấn riêng cho Dương Hòa ngoài keo tràm và thanh trà, đồng thời, hỗ trợ trong kết nối tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm, nhất là với những thanh niên có mong muốn lập nghiệp”, ông Huỳnh Tấn Phấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền
Return to top