ClockThứ Sáu, 24/01/2014 05:45

Lời xưa, người xưa qua chuông chùa làng

TTH - Ngoài tác dụng gõ để thông báo giờ giấc thi hành Phật sự và tập trung chúng tăng trong chùa thì chuông còn là một loại pháp khí có khả năng hàng phục ma lực. Phần lớn chùa làng xứ Huế hoặc do cộng đồng dân cư tại làng xã lập nên nhằm mưu cầu tín ngưỡng hoặc do quan lại, người có tiền của tín sùng đạo Phật quyên thành gây dựng. Do vậy chùa làng trở thành nơi gắn kết cộng đồng, tín ngưỡng đạo Phật xen lẫn tín ngưỡng dân gian.

 

Về lý do lập chuông, theo như bài ký khắc trên chuông chùa làng Kim Long (phường Kim Long, thành phố Huế) thể hiện: “Tự bất khả vô chung, chung bất khả vô ký, sở viết nghiêm thiện kỳ hưng, thất thiện kỳ phục, dĩ chí ngô hương vận hội chi trùng long hỹ” nghĩa là: Chùa không thể không có chuông, chuông không thể không có bài ký, ấy là những cái đã có phải khéo dấy lên, những cái đã mất phải khéo khôi phục lại, cũng là để ghi lại sự hưng thịnh trở lại của làng”. Chính vì lý do đó mà trên những chiếc chuông chùa thường khắc bài minh, bài ký hàm ý châm ngôn và nội dung bàn về đạo xử thế, nếu nhắc đến người thì nói về gia thế, cuộc đời, những việc đã trải qua và công đức còn để lại, hoặc khắc trên đó là tên những người quyên cúng tiền đúc chuông và kèm theo thời gian chuông được lập. Ở Huế hiện còn nhiều chuông cổ nhưng phải kể đến là chuông chùa làng Dạ Lê Thượng ở Linh Sơn cổ tự (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy). Chùa vốn được dựng dưới thời Tây Sơn nhưng đến năm Gia Long thứ năm (1807) chuông mới được đúc. Trên thân chuông khắc tên những người có công đóng góp tiền đúc chuông.

 

Chuông chùa Linh Sơn (làng Dạ Lê Thượng, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy)

 

Ngoài ra, rải rác trong những bài ký trên thân chuông, có những bài minh ngợi ca thắng cảnh, ngợi ca đạo Phật, khuyên răn tình hòa thuận của dân làng, dưới đây là bài minh trên chuông chùa Linh An:

 

Thiên đô danh thắng /Bảo sát huy hoàng/ Hồng chung nhất chấn / Thanh văn thập phương / Thanh văn thập phương / Thụy ủy kỳ thân / Hạ mục kỳ hương / Duy dữ hiếu niệm / Truyền bỉ bách tường / Nghi nhĩ tử tôn / Dịch thế phồn xương

 

Nghĩa là

 

Danh thắng chốn kinh đô /Chùa chiền huy hoàng / Hồng chung gióng lên /Tiếng vang xa mười phương / Trên làm thỏa lòng người thân thuộc / Dưới làm hòa thuận dân làng / Chỉ với hiếu niệm /Truyền được bách tường/ Con cháu nhớ lấy / Muôn đời phồn vinh

 

(Bài minh trên chuông chùa Linh An, làng Lai Thành, xã Hương Vân, thị xã Hương Trà, chuông có niên đại Thiệu Trị thứ 5 (1845).

 

Một phần văn khắc trên chuông chùa Linh Sơn

 

 Trên bài minh còn xen lẫn tình cảm kính cẩn của người cúng chuông, ngụ ý tu thân, khuyến thiện:

 

Khí nhân đạo thiết/ Giáo dĩ thanh hình / Trần tâm cảnh dị / Thiện quả viên thành / Đàn yên chưng uất / Lan nhã tranh vanh / Linh chung tịnh giới / Khánh hiệp sa thành / Ngô hầu thử tâm / Thiên cổ thùy thanh

 

Nghĩa là

 

Vật thảy nhờ đạo đặt / Giáo ý nhờ tiếng chuông / Lòng trần kính cẩn /Khói hương ngào ngạt / Quả tốt viên thành / Chùa chiền chênh vênh / Chuông thiêng cõi tịnh / Ân phước thấm nhuần / Tâm ấy của quân hầu / Muôn đời còn lưu lại

 

(bài minh trên chuông chùa Quảng Khánh, làng Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền)

 

Hầu hết những chiếc chuông chùa cùng với các bài ký, bài minh trên chuông đều có tác giả, niên đại cụ thể. Đối với chùa làng, chuông chùa thường do dân làng đứng ra lập hoặc do những người có tiền của, chức sắc quyến mộ đạo Phật, hoặc do thừa ý của thân nhân mà lập nên, như chùa làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền do ông Trương Văn Uyển, nguyên tuần vũ Bắc Ninh, kiêm ấn hộ lí tổng đốc quan phòng Minh Thái đúc năm Tự Đức thứ nhất (1847). Những bài minh, bài ký trên thân chuông đều do thân sĩ, người được trọng vọng, có tiếng tăm, có chữ trong làng xã phụng soạn. Như bài minh trên chuông chùa làng Kim Long do ông Mai Công Ngôn, người giáp Vạn Xuân, làng Kim Long, nay là phường Kim Long, tham gia quân vụ dưới thời vua Gia Long, làm phó lãnh binh dưới thời Minh Mạng, thăng lên chức tổng đốc Hà Ninh dưới thời Thiệu Trị. Hay như chuông chùa làng Hạ Lang, xã Quảng Phú cũng có đề tên người soạn: “Hàn lâm đãi chế An Dương bá Lê Trọng Nông kính soạn, Bí thư thự chánh tự Hà Dục bá Phạm Tiệp kính viết”.

 

Qua tìm hiểu một số chuông chùa làng và nội dung trên các bài ký cho thấy, ở góc độ làng xã, chùa làng không những là nơi thờ cúng Phật mà còn là nơi thể hiện tín ngưỡng dân gian, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm. Tiếng chuông chùa trở thành âm thanh quen thuộc trong tâm thức dân làng, là tiếng gọi cảnh tỉnh, thanh lọc tâm hồn. Mái chùa trở thành một phần hình ảnh quê hương trong tâm khảm con người.

Nguyễn Thị Xuân Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Return to top