ClockThứ Năm, 21/03/2019 13:15

Lừa đảo xin việc làm: Vẫn nhiều người mắc bẫy

TTH - Kiếm được một việc làm ổn định, phù hợp với trình độ, năng lực là niềm mơ ước và nguyện vọng chính đáng của rất nhiều người. Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng để chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn lừa xin việc. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Lừa xin việc làm để chiếm đoạt tài sảnCảnh giác với thủ đoạn lừa đảo xin việc làmLừa xin việc làm của nhiều người chiếm đoạt nửa tỷ đồngLừa xin việcNhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy lừa xin việc

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Hoàng Thị Nhiên (thứ hai bên trái)

Ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với Hoàng Thị Nhiên, sinh năm 1980, trú tại A7/14 chung cư Vicoland, phường Xuân Phú, TP. Huế, nguyên là giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Huế với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra ban đầu: Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 02/2018, biết nhiều người đang có nhu cầu xin việc làm tại các cơ quan Nhà nước nên đối tượng đã thông tin rằng mình có rất nhiều mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo các cấp, các ngành, có thể xin được việc làm cho nhiều người vào một số cơ quan. Vì tin tưởng Nhiên là người có trình độ (thạc sĩ), đang là giảng viên một trường cao đẳng có uy tín, cộng thêm khả năng “nổ” rất hay nên nhiều người đã “sập bẫy”, nhiều lần giao cho đối tượng một số tiền rất lớn. Tính đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Hoàng Thị Nhiên đã lừa đảo, chiếm đoạt của 6 nạn nhân với tổng số tiền 722.960.000 đồng.

Chị N.H.T, nạn nhân của vụ lừa đảo nghẹn ngào: Nhà tôi không phải giàu có gì nhưng vì thương cháu, thấy nó ra trường đã lâu, mãi chưa xin được việc làm nên khi nghe “đồn” cô Nhiên có nhiều mối quan hệ, có thể xin được việc làm cho cháu nên chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa cho cô Nhiên tổng cộng 120 triệu đồng (đưa 3 lần) để chi phí và mong muốn nhờ cô giúp đỡ xin được việc làm. Những lần đầu gặp gỡ, cô Nhiên đã nói và hứa hẹn rất hay. Nhưng đến khi tôi đưa đủ số tiền theo yêu cầu thì cô lảng tránh, rồi trốn biệt. Việc làm không xin được, đòi lại tiền cũng không chịu trả.

Tại cơ quan Công an, bị can Hoàng Thị Nhiên khai nhận: Do bản thân tiêu xài “quá tay”, vượt trên mức thu nhập dẫn đến nợ nần nên nảy sinh ý định lừa đảo; tuy bản thân không hề có khả năng xin việc làm và thực tế chưa từng xin được việc làm cho ai…

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh - điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án thông tin: Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra về vụ án này, đang tiếp tục tiếp nhận đơn tố cáo của những người bị hại, có liên quan đến vụ án nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Được biết, thời gian gần đây, các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi gian dối nhận tiền để xin việc làm xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo thống kê, trong thời gian từ năm 2017 đến nay, riêng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý 4 vụ án lừa đảo xin việc làm (đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 2 vụ). Qua đó, đã khởi tố, bắt giữ 4 bị can. Tổng số tiền trong những vụ lừa đảo này gần 4 tỷ đồng; số nạn nhân lên đến vài chục người.

Ngoài những vụ án đã được khởi tố, kết thúc điều tra, hiện nay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng Công an các đơn vị địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý nhiều vụ liên quan đến hành vi lừa đảo xin việc làm khác.

Có việc làm phù hợp trình độ, năng lực là nhu cầu hết sức chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi tìm kiếm việc làm, cần đề cao cảnh giác, thận trọng trước những lời ‘ngon ngọt”, dụ dỗ của những người tự nhận mình có khả năng xin được việc làm kẻo rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, Thượng tá Đoàn Minh Hải, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khuyến cáo.

Bài, ảnh: Hà Tâm

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

TIN MỚI

Return to top