ClockThứ Năm, 23/06/2016 10:30

Lúa mới “leo” đồi

TTH - Ngoài giống lúa truyền thống, xã Thượng Long (huyện Nam Đông) đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới, cho năng suất cao, “vượt” khô hạn để sản xuất vụ hè thu…

Dân A Chiếu làm lúa

Ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long bảo rằng, dân miền núi biết làm lúa từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi những hộ kinh tế mới mang lúa nước lên với đồng bào. Nhưng, làm vụ đông xuân chỉ cầm chừng, còn vụ hè thu không năm nào sản xuất được do thiếu nước, khô hạn. Năm 2011, Trạm khuyến nông-lâm-ngư huyện đưa giống lúa mới PC6 lên với đồng bào thôn A Chiếu, triển khai với diện tích 1 ha với 24 hộ dân tham gia thử nghiệm trồng.

Giống PC6 trên cánh đồng Nam Đông vụ đông xuân 2015

Hồi đó, khi đưa giống mới lên, mặc dù năm đầu tiên được hỗ trợ 100% chi phí giống, phân bón nhưng “cái bụng đồng bào” còn băn khoăn lắm. Ông Khánh nhớ lại: “Bà con “không dám tin” vụ trái mà làm được cây lúa. Từ trước đến nay cánh đồng hơn 1 ha ở thôn A Chiêu, đến mùa hạn, do hệ thống thủy lợi còn thô sơ nên không sản xuất được. Vụ đầu tiên cán bộ xung phong làm trước, rồi đi từng nhà vận đồng bà con thôn bản bắt tay làm. Vụ hè thu đạt năng suất 50 tạ/ha- năng suất lúa “mơ ước” trên vùng đất đó”.

Bắt đầu năm thứ 2,3 trở đi, Trạm Khuyến nông-lâm-ngư huyện hỗ trợ 50% chi phí phân bón, giống. Khi bà con đã nắm bắt kỹ thuật, chủ động sản xuất được nguồn giống, năng suất lúa đông xuân những vụ sau đó đạt gần 53 tạ/ha.

Ông Đoàn Văn Pách (thôn A Chiếu) chia sẻ: “Với diện tích 1.500m2 lúa, nếu làm vụ đông xuân, vụ hè thu bỏ hoang đất thì rất tiếc. Bà con nghĩ mãi vẫn chưa có giống gì thay thế. Thế là cán bộ đưa giống PC6 về, giống ngắn ngày, chịu hạn tốt, ché bông khá dày. Sản xuất lúa được hai vụ, bà con không chỉ đủ lương thực tại chỗ, có nguồn giống chủ động mà còn giúp đỡ được các hộ dân khác để tăng diện tích giống lúa mới”.

Ngoài đưa giống PC6 “leo” đồi, xã Thượng Long còn đưa thêm các giống lúa mới xác nhận vào cơ cấu giống địa phương như Xi23, Xi21 với diện tích 59 ha toàn xã, mở ra triển vọng trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của đồng bào trên một đơn vị diện tích. Các giống lúa truyền thống vẫn duy trì trồng, nhằm bảo vệ được nhiều loài gien quý.

Mở rộng diện tích

Ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: “Diện tích lúa ở địa phương không nhiều, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài đưa các giống lúa mới, chịu hạn, ngắn ngày để sản xuất thêm vụ hè thu, hàng năm, địa phương đều trích kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi trên địa bàn xã”.

Giống lúa mới giúp đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào

Thượng Long có 5 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất 59 ha lúa cùng nhiều hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Các công trình thủy lợi như đập La Đa, Gà Hôn, AMun, Bà Hồ, Ta Rai đều được xây dựng năm 2000 từ nguồn ngân sách của huyện và các dự án đầu tư. Hằng năm, xã Thượng Long đều huy động người dân bỏ công sức, địa phương hỗ trợ xi măng, vật liệu để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu.

“Hiện nay, còn khoảng 500m kênh mương ở thôn A Chiếu, thôn 3 cần đầu tư xây dựng. Nếu đầu tư xây dựng được tuyến kênh này sẽ dẫn được nước đến nhiều đồng ruộng bên cạnh, phục vụ sản xuất không chỉ vụ đông xuân mà còn cả vụ hè thu”, ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, nói.

Không riêng Thượng Long, nhờ giống lúa PC6 mà nhiều cánh đồng ở xã Hương Hòa (huyện Nam Đông), “vượt” khô hạn duy trì sản xuất vụ hè thu. Lâu nay, bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với vùng đất 15 ha của 38 hộ dân ở thôn 11, xã Hương Hòa vẫn “loay hoay” do nhận thức của bà con và tính chất đất của vùng này. Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết: “Đất ở thôn 11 “nặng” tính sét nên dễ ngập úng vào mùa mưa mà thiếu nước vào mùa khô. Vụ hè thu rơi vào thời điểm bà con chăm sóc cây cao su nên ít chú trọng vào vùng đất này. Vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện đã đưa vào giống PC6 chịu hạn để sản xuất 15 ha ở thôn 11. Dự kiến, năng suất lúa ước đạt 42 tạ/ha (so với năng suất bình quân của huyện 49 tạ/ha).

Theo ông Thành, thời gian tới, nếu đầu tư được hệ thống thủy lợi sẽ đưa vào sản xuất thêm các giống lúa mới, chịu hạn, ngắn ngày trên các vùng đất lâu nay không chuyển đổi được cây trồng khác vào vụ hè thu. Ở những chân ruộng không phù hợp có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.  

“Toàn huyện Nam Đông có khoảng 22 ha đất vụ hè thu không sản xuất được lúa, tập trung ở các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Thượng Quảng, Hương Phú; hiện nay, đã chuyển đổi 8 ha sang trồng ngô. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi, đưa vào canh tác các giống cây trồng mới là phương án đang được địa phương tính đến”, ông Trần Công Thành khẳng định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
Return to top