ClockThứ Bảy, 16/06/2018 06:56

'Luật An ninh mạng không ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp'

Luật An ninh mạng là nhằm đảm bảo an toàn cho các doanh nghiêp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet - tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Thanh Hồng cùng khẳng định.

Thông qua Luật An ninh mạng là cần thiếtÔng Nguyễn Thanh Hồng: Bỏ quy định đặt máy chủ tại Việt NamLuật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019Luật An ninh mạng nghiêm cấm những hành vi nào?Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: V.D

Cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV do tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì được tổ chức chiều 15/6.

Phần lớn các câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua cách đây ít ngày.

* Tại kỳ họp này có hai dự án luật về đặc khu kinh tế và an ninh mạng đều gây phản ứng trong dư luận, nhưng một luật thì được thông qua, luật kia lại để đến kỳ họp sau. Đề nghị giải thích về vấn đề này, đặc biệt là về ứng xử của Quốc hội?

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Bản chất hai dự án luật là khác nhau. Luật An ninh mạng sau khi được lắng nghe ý kiến, tiếp thu đầy đủ ý kiến, thì cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét và có kết quả biểu quyết thông qua cao.

Vấn đề ở đây là truyền thông đến nhân dân, có ý kiến cho rằng thông qua luật này thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng thực chất là luật này sẽ giúp bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn.

Google, Facebook chưa có phản ứng chính thức

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng giải thích thêm: Trong quá trình thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình dự án Luật An ninh mạng, chúng tôi đã hết sức lắng nghe ý kiến nhân dân, ý kiến của đại diện các quốc gia như Mỹ, EU…

Trong quá trình này, chúng tôi đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định, nhằm đảm bảo an ninh mạng, đây không chỉ là vấn đề của VN mà còn là vấn đề thách thức toàn cầu.

Đối với sự lo lắng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet hay không, tôi khẳng định là không có ảnh hưởng xấu.

Luật này nhằm đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Google, Facebook chưa có phản ứng chính thức nào.

Chúng tôi cũng thấy rằng sau khi Quốc hội thông qua luật này, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận có phản ứng tích cực, tạo đồng thuận cao trước nội dung dự án luật này.

Nội dung buộc lưu trữ dữ liệu người dùng VN tại VN thì trên thế giới cũng có nhiều quốc gia có quy định tương tự. Các phân tích của Chính phủ khẳng định luật này không gây cản trở nền kinh tế số.

* Luật An ninh mạng có nhắm đến các đối tượng bất đồng chính kiến trong nước hay không?

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Luật này đã quy định rõ các hành vi bị cấm, còn những gì không cấm thì mọi người có quyền làm. Nếu có hành vi chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì đương nhiên sẽ bị xử lý.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh: CTV

Quốc hội chờ Chính phủ trình Luật Biểu tình

* Dự án Luật Biểu tình từng được đưa vào chương trình, nhưng tại sao sau nhiều năm vẫn chưa được Quốc hội xem xét, ban hành?

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm đến việc xây dựng Luật Biểu tình, do đó năm 2016 chúng tôi đã đề nghị Chính phủ tích cực xây dựng dự thảo luật để trình Quốc hội.

Khi nào Chính phủ xây dựng xong dự án luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thì Quốc hội sẽ xem xét dự án luật này.

* Nghị quyết của Quốc hội cho thấy Quốc hội đã thống nhất lùi dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến nhân dân, xin hỏi là việc lấy ý kiến có tiến hành bài bản như lấy ý kiến về Hiến pháp, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự trước đây không?

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Vừa qua dự án luật được Quốc hội thảo luận tại hội trường, đại biểu có những ý kiến khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự án luật thì cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến tham gia.

Các cơ quan có trách nhiệm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến, tổ chức đi tìm hiểu các đặc khu nước ngoài có sẵn để học tập…

Tuy nhiên, vì còn ý kiến khác nhau về dự thảo luật, Quốc hội đã quyết định cho lùi lại để tiếp tục nghiên cứu tiếp, trên cơ sở đó có nhiều cuộc thảo luận nữa. Qua thảo luận thì có điều khoản thấy chưa phù hợp, ví dụ như thời hạn cho thuê đất, giao đất 99 năm có thể sẽ điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai; về thuế, chính sách thuế… tới đây sẽ rà soát cho phù hợp.

Lấy ý kiến như Hiến pháp thì tôi nghĩ chưa đến mức phải làm như vậy, trước mắt tiếp thu đầy đủ các ý kiến này đã tốt rồi.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

TIN MỚI

Return to top