ClockThứ Bảy, 20/02/2016 09:31

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều điều liên quan đến bầu cử HĐND các cấp

TTH - Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Luật này đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Các quy định này có liên quan thiết thực đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Quả, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp.

Hiệp thương giới thiệu đại biểu HĐND thị xã Hương Thủy, Hương TràBầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021: Tăng đại biểu chuyên trách, đại biểu thuộc 4 lĩnh vực chuyên sâuPhú Vang giới thiệu 62 đại biểu ứng cử HĐNDTP Huế, Phong Điền, Nam Đông giới thiệu đại biểu ứng cử HĐND

Thưa ông, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được đánh giá có bước đổi mới căn bản về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Vậy, ông có thể cho biết những nội dung đổi mới cơ bản nhất của luật này?

Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa các nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, các trường hợp phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Việc phân định thẩm quyền phải bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương... Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật. Về phân cấp, căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho UBND cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Thứ hai, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính: Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương).

Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. 

Thứ tư, quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính. Ngoài ra, luật quy định những nội dung mới về điều kiện bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đang được các ngành, các cấp, các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện. Vậy ông có lưu ý gì về các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm bảo đảm cho công tác bầu cử lần này?

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, luật bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn một số vấn đề, như: Quy định tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp (chuyển từ Luật Bầu cử đại biểu HĐND hiện nay sang quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, bảo đảm hoạt động thường xuyên giữa 2 kỳ họp HĐND; quy định rõ Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần; quy định đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Theo đó, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở cấp xã, quy định Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên các Ban của HĐND xã hoạt động kiêm nhiệm. HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập Tổ đại biểu HĐND; HĐND cấp xã không thành lập Tổ đại biểu HĐND.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hải Huế - Nguyễn Đào (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top