ClockThứ Năm, 13/05/2021 10:36

Lùm Phun - nơi ghi dấu lịch sử trong hai cuộc kháng chiến

TTH - Một ngày giữa tháng Tư, đoàn cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử tỉnh có dịp về xã Phú Xuân, huyện Phú Vang để cùng các lão thành cách mạng, các cựu chiến binh nơi đây nghiên cứu, khảo sát địa điểm di tích lịch sử cách mạng Lùm Phun – một lùm cây bụi rậm giữa trảng cát dài thuộc thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, nơi ghi dấu nhiều chiến công và là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và huyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Phục dựng chợ kháng chiến Dương HòaNhững kỷ vật tái hiện lịch sử

Đại diện chính quyền xã Phú Xuân, các bậc lão thành, cựu chiến binh và cán bộ bảo tàng Lịch sử TT Huế khảo sát địa điểm lịch sử Lùm Phun (4/2021)

Từ dấu ấn qua hai cuộc kháng chiến

Trong kháng chiến, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng căn cứ địa, đây được xem là phương thức, biện pháp để thực hiện thành công đường lối kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Căn cứ kháng chiến còn là nơi để quân và dân ta dựa vào đó thực hiện chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, tạo thành những thế trận vững chắc về chính trị, quân sự..., đồng thời là hậu cứ xuất phát, tiến công tiêu diệt kẻ thù.

Qua tài liệu lịch sử và lời kể của các nhân chứng lão thành cách mạng ở xã Phú Xuân, với thế trận chiến tranh Nhân dân, xây dựng được vùng căn cứ lõm, phát huy đặc điểm địa hình sông ngòi, đầm phá liên hoàn trên địa bàn xã sẽ có lợi thế điều quân linh hoạt, cơ động để chia cắt, bao vây tiêu diệt địch, mà dấu tích còn lưu lại là địa điểm Lùm Phun ở thôn Lộc Sơn. Lùm Phun có diện tích rộng khoảng 2,5 ha, nằm ở địa hình hiểm trở, cây cối um tùm, rậm rạp, có khe suối, bùn lầy, là điểm giao thông liên hoàn với thôn Lê Xá Đông (xã Phú Lương), thôn Đồng Di (xã Phú Hồ) để tiến sâu vào thành phố Huế, về khu III Hương Thủy, trở thành “hậu cứ” an toàn, là nơi cất giấu kho tàng, quân trang, quân dụng; chỗ đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện; là nơi nuôi dưỡng thương binh, nơi ém quân để mở các chiến dịch lớn tiến công vào thành phố Huế.

Với vị thế chiến lược thuận lợi ấy, từ năm 1946, bộ đội chủ lực của tỉnh chọn Lùm Phun làm chỗ đứng chân. Sau 1 năm, đơn vị này chuyển đi và giao lại làm kho lương thực nuôi quân, do 3 xã Phú Thượng, Phú An, Phú Mỹ và Khu III Hương Thủy quản lý.

Sau khi mặt trận Huế vỡ (tháng 2/1947), binh lính Pháp tổ chức phản kích mạnh vào các lực lượng của ta; chúng mở rộng, nống ra các vùng nông thôn đồng bằng, mở các cuộc hành quân càn quét; tiến công lấn chiếm và đốt phá vùng căn cứ để thực hiện âm mưu chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”.

Thực hiện chủ trương Hội nghị Tỉnh ủy tại Nam Dương, tháng 3/1947, Thường vụ Huyện ủy Phú Vang triệu tập Hội nghị Đảng viên tại thôn Quảng Xuyên (xã Phú Xuân) và đề ra chủ trương: “Đảng viên không được chạy trốn, địch đến ta đánh, địch đi ta lại về với dân”. Từ đó, các cơ quan Thị ủy, Thị đội Thuận Hóa chuyển về đóng quân và chỉ đạo phong trào tại Lùm Phun và Trằm Sen. Dựa vào địa hình, địa vật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông hào liên hoàn từ thôn Lê Xá Đông (xã Phú Lương) vào, từ trảng cát Quảng Xuyên lên, nhằm tổ chức bao vây, chặn đánh địch, thu nhiều chiến công trong thời kỳ chống Pháp.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lùm Phun vẫn là trọng điểm diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Quân và dân ta vẫn tiếp tục dựa vào địa hình, địa vật, đặc biệt là hệ thống lùm bụi, rú, trằm… ở Lùm Phun, ngày đêm giữ vững thông tin, liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm và tạo hành lang thuận lợi cho cán bộ, bộ đội ta về trú ấn và chỉ đạo phong trào cách mạng.

Từ vị trí Lùm Phun, quân ta kết hợp các loại hỏa lực, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được phân công, kết quả ta tiêu diệt được một đại đội, bắt sống nhiều tên, thu nhiều vũ khí. Những thắng lợi này, chứng tỏ lực lượng vũ trang của quân ta, càng chiến đấu, càng trưởng thành; tạo được tuyến hành lang an toàn từ Lùm Phun để tiến sâu vào thành phố Huế.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa điểm Lùm Phun vẫn là hướng xuất quân tiêu diệt địch và là “hậu cứ” an toàn, là nơi cất giấu kho tàng, quân trang, quân dụng; chỗ đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện; là nơi nuôi dưỡng thương binh, nơi ém quân để mở các chiến dịch lớn tiến công vào thành phố Huế. Mặc dù địch thường xuyên tổ chức tấn công, bao vây, ngăn chặn… nhưng với tinh thần yêu nước, vượt qua gian khổ, hy sinh, mất mát…, căn cứ Lùm Phun vẫn được quân và dân ta giữ vững, đảm bảo giao thông, liên lạc; là cầu nối với các xã vùng sâu, khu III Hương Thủy và vùng ven thành phố Huế cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (26/3/1975).

Đến mong muốn được công nhận di tích lịch sử

Với những gì đã diễn ra qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, căn cứ Lùm Phun thật sự xứng đáng về giá trị lịch sử để ngành văn hóa tỉnh nhà lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Lịch sử cách mạng cấp tỉnh, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông cho thế hệ trẻ; là nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh; kết nối, mở rộng tuyến điểm hành hương thăm lại chiến trường xưa của các lão thành cách mạng, cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên mảnh đất này.

Ngoài ra, nơi đây còn là địa điểm du lịch, dã ngoại lý tưởng; nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên vô cùng ý nghĩa.

ĐÌNH DŨNG – VĨNH TOẠI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay”, dày gần 300 trang, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên, Nxb Thuận Hóa ấn hành.

Chuyện về giao thông Huế từ trong lịch sử

TIN MỚI

Return to top