ClockThứ Bảy, 23/02/2013 13:20

“Lưới trời” với những kẻ trốn truy nã

TTH - Do không hiểu biết pháp luật nên nhiều đối tượng mặc dầu đang thụ lý mức án được cho là “nhẹ” vẫn cố tình trốn chạy và thay tên đổi họ để sống tại một vùng đất mới. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Thừa Thiên Huế đã bắt 2 đối tượng truy nã, trong đó có một đối tượng lẩn trốn 20 năm - sự việc tưởng chừng như đã quên vào dĩ vãng. 

Sa lưới sau 20 năm lẩn trốn

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Thừa Thiên Huế đã bắt và di lý đối tượng truy nã Ngô Quang Th (SN 1966) từ Bà Rịa- Vũng Tàu về Huế và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Tính đến hôm bị bắt, Th đã bỏ trốn gần 20 năm.

Trước đây, khi còn là thanh niên, do nóng giận, Th từng đánh người và phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, Tòa án nhân dân TP Huế tuyên phạt Th 6 tháng tù giam. Chấp hành hình phạt được 3 tháng thì gia đình Th có người thân bệnh nặng. Xét thấy, trong thời gian cải tạo, Th sớm nhận ra lỗi lầm, bản thân đối tượng là người lương thiện nên được cơ quan điều tra tạo điều kiện cho tại ngoại. Được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, nhẽ ra Th phải càng cố gắng để trở thành người tốt, ngược lại Th bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh, sinh sống bằng nghề điêu khắc.

Sau một năm bôn ba làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, Th cho rằng, ở thành phố đông người, trước sau gì cũng gặp người quen, rồi lộ chuyện… Vì vậy, năm 1989, Th chuyển về sinh sống tại xã Ngãi Giao (Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu), rồi lập gia đình. Tại đây, gia đình Th sống nhờ vào nghề điêu khắc và có thu nhập khá. Đang bị truy nã nên mỗi lần nghe tin bố mẹ già ốm đau nặng, Th không dám về thăm vì sợ bị công an bắt.

Trong suy nghĩ của Th, nếu hộ khẩu ở TP Huế thì không hay nên có lần bí mật trở về Huế để xác nhận và cắt hộ khẩu vào nhập tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào ở đất khách quê người, Th chăm chỉ làm ăn nên được người dân địa phương và nhiều cán bộ tín nhiệm. Năm 2007, Th được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố tổ 5, khu vực 3 (Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu). Theo người dân ở vùng này, Th làm việc rất nhiệt tình, năng động. Thời gian qua, Th được tặng rất nhiều giấy khen của các cấp. Điều đáng nói, dù Th có quyết định truy nã trên toàn quốc nhưng không hiểu vì sao, gần 20 năm sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn không một ai hay biết. Lúc này, Th nghĩ rằng, cuộc sống đã yên ổn.

Nhưng không ngờ, một ngày trung tuần tháng 1-2013, khi Th đang ở nhà thì các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Thừa Thiên Huế ập vào bắt giữ. Tại đây, Th đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình trước đây.

Theo lời kể của các trinh sát, trên đường di lý ra Huế, Th mới tỏ ra ăn năn hối hận: “Lâu nay tui nghĩ mọi việc đã yên ổn. Ai ngờ sau 20 năm lẩn trốn, hôm nay lại bị bắt. Bản án chỉ có 6 tháng nhưng phải đi tù 2 lần, rất đau…! Nếu biết trước hôm nay bị bắt, ngày trước tui cố ở 3 tháng nữa thì đã xong chuyện”.

Bị bắt khi đang dạy vẽ

Sắp bước qua tuổi 70 lại mắc nhiều bệnh, vì vậy sau khi bắt được đối tượng Nguyễn Văn Gi. (SN 1944, trú xã Phú Thượng, Phú Vang) ở TP Hồ Chí Minh, công an đã di lý đối tượng ra Huế bằng máy bay. Từ đây, người họa sĩ già này rất cảm động, đã bật khóc kể lại quãng thời gian 9 năm sống trong sợ hãi. Nguyễn Văn Gi. trước đây từng là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sau giải phóng, ông nghỉ dạy và mở các lớp dạy vẽ tại nhà. Thời điểm đó, hoàn cảnh nghèo khó, vợ Gi. mở quán nhậu bình dân.

Rồi, do cám dỗ của đồng tiền, vợ Gi. đã biến quán nhậu thành nơi mua bán dâm. Nhưng lúc này, vợ Gi. bị bệnh nặng nên Gi. đã đứng ra gánh vác mọi chuyện. Sau khi bị phát hiện và bắt giữ, Toàn án nhân dân TP Huế tuyên phạt Nguyễn Văn Gi. 5 năm tù giam về tội “Chứa chấp mại dâm”. Gi. quyết định bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh.

Vào TP Hồ Chí Minh, Gi. thuê nhà, mở các lớp luyện vẽ cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, luyện ôn thi cho học sinh thi vào khoa kiến trúc ở các trường đại học. Ở nới đất mới, cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn khi Gi. luôn đối mặt với bệnh tật. Nhiều đêm không ngủ được, Gi. nghĩ đến chuyện đầu thú.

Suốt thời gian qua, dù Gi. cố tìm mọi cách để trốn chạy pháp luật thì vẫn không qua mặt được những bước chân của người lính truy nã. Mới đây, khi Gi. vừa dạy học xong thì hai trinh sát của Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an Thừa Thiên Huế bất ngờ xuất hiện. Gi. lúng túng vì sự xuất hiện của người lạ, lại nói giọng Huế, định tìm cách tẩu thoát nhưng không còn đường… Còn các trinh sát biết được Gi. bệnh tật, tuổi già yếu nên tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng, sau đó động viên, giải thích cho Gi. được hiểu những chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Dù bị bắt sau gần 9 năm bỏ trốn, nhưng Gi. vẫn thấy thanh thản…

Chúng tôi xin mượn tạm câu nói của một cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm để kết thúc bài viết này: Cuộc chạy trốn kéo dài 10 năm, 20 năm... khiến những đối tượng mang lệnh truy nã tưởng như tội lỗi của mình đã chìm vào quên lãng. Nhưng với lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm thì tất cả vẫn phải được khắc ghi trong nhiệm vụ hằng ngày và dù khó khăn, vất vả đến mấy, mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa những kẻ phạm tội về quy án...

Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top