ClockThứ Sáu, 10/11/2017 06:26

Luôn bên dân

TTH - Giúp dân đến nơi an toàn trong lũ, nhưng khi nước bắt đầu rút, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh lại tỏa ra khắp các nẻo đường, vùng quê để giúp dân khắc phục hậu quả.

LLVT tỉnh dọn bèo ở thôn Nhất Đông, phường An Đông, TP. Huế

Dân quân giúp dân chạy lũ

Sáng 9/11, mưa đã thôi nặng hạt, nước rút dần nhưng để đến được “rốn lũ” xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), chúng tôi vẫn phải vượt qua hàng chục điểm nước ngập sâu. Nước bốn bề trắng xóa, hàng trăm ngôi nhà vẫn còn ngập trong nước.

Tranh thủ nước rút dọn nhà sau 3 ngày chạy lũ, anh Võ Văn Chung (25 tuổi, thôn Thuận Hòa) nhớ lại: “Nghĩ lại vẫn còn run. Lúc đó trời vừa nhá nhem tối, vợ chồng tôi đang kê đồ đạc lên cao thì thấy nước dâng cuồn cuộn, đang không biết làm thế nào để đưa vợ và hai đứa nhỏ chạy lũ khi ngoài trời mưa như trút thì may mắn đúng lúc đó dân quân tới giúp. Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn với con nước, 4 người gia đình tôi cùng những tài sản giá trị cũng được đưa đến được nơi an toàn”. Đợt lũ này, ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh Chung nước ngập chấp mái.

Anh Nguyễn Hữu Đức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Phong Hòa kể: Khoảng 3 giờ chiều ngày mồng 5 mưa lớn, Trung đội Dân quân cơ động của xã đi kiểm tra thấy nước bắt đầu lên nhanh, nên đã huy động toàn bộ lực lượng đến 59 nhà dân ở vùng trũng thấp để vận chuyển đồ đạc và giúp người già, trẻ em… đến nơi an toàn. Lực lượng dân quân cũng thường xuyên đi tuần tra các tuyến đường để kịp thời khắc phục các sự cố như cây cối ngã đổ, dọn dẹp kịp thời để tránh gây tai nạn cho người đi đường.

 Suốt những ngày mưa lũ, từ sáng sớm đến chiều tối dầm mình dưới nước để di chuyển từng bao lúa, con gà và di dời xong 189 hộ dân ở nơi thấp trũng đến nơi an toàn trong đêm mưa lớn, nhưng ngay khi nước rút, những chiến sĩ dân quân xã Phú Lương lại tiếp tục giúp dân dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. “Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm nông. Mưa lũ đã làm hoa màu mất trắng, nếu lúa gạo dự trữ trong nhà bị ngập lụt nữa thì những ngày sau không biết sống bằng gì, nên dù vất vả chúng tôi cũng luôn cố gắng hết sức để giúp bà con chạy lũ”, anh Hồ Viết Vọng, dân quân xã bộc bạch.

Dân cần tới đâu, giúp tới đó

Nước bắt đầu rút, cũng là lúc lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh tỏa ra khắp các nẻo đường, vùng quê để giúp dân khắc phục hậu quả. Với phương châm “Nước rút đến đâu, tổng vệ sinh đến đó” không để dịch bệnh xảy ra, trên các tuyến đường bị ngập sâu của TP. Huế, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã có mặt để dọn bùn đất, rác thải ứ đọng. Từ chiều 8/11, Bộ CHQS tỉnh đã điều động 120 cán bộ, chiến sĩ đến các tuyến đường ngập nặng để dọn bùn, trả lại cảnh quan môi trường, đảm bảo giao thông. Sáng 9/11, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh, Sư đoàn 968 –Quân khu 4 tiếp tục đến những địa phương bị ngập nặng để cùng chính quyền và người dân khắc phục hậu quả.

Thượng tá Hà Văn Ái, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết, ngoài việc giúp đỡ các trường học, trạm y tế thu dọn bùn đất do lũ để lại và vệ sinh môi trường, LLVT tỉnh sẽ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn sửa chữa lại nhà cửa. Hiện tại, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về các xã vùng trũng như Thủy Thanh, Thủy Vân (TX. Hương Thủy) để giúp đỡ dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Return to top