ClockChủ Nhật, 08/08/2021 06:00

Luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu

TTH - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số người dân đổ xô mua hàng hoá dự trữ gây biến động thị trường. Xung quanh vấn đề dự trữ hàng hoá và ổn định thị trường, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh.

Chủ động đảm bảo cung cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bànKhông kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực phục vụ vùng có dịch COVID-19Đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường

TUV, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh. Ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn hàng hóa thiết yếu của chúng ta hiện nay như thế nào? Có đáp ứng nhu cầu của người dân không - thưa ông?

Trước tình hình công dân từ các vùng dịch trở về đông, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Tổ công tác hậu cần do các sở, ban ngành phụ trách nhằm phục vụ tốt các khu cách ly cũng như nhu cầu của bà con trong quá trình phòng, chống dịch, trong đó ngành công thương đã lên phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo đời sống cho bà con.

Tại các khu cách ly, hiện lực lượng quân đội và địa phương phụ trách, sở thường xuyên làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương về cung ứng thực phẩm hằng ngày. Hiện nguồn hàng do các siêu thị và doanh nghiệp (DN) bán lẻ cung ứng khá dồi dào, đảm bảo việc chế biến bữa ăn hằng ngày cho bà con.

Các siêu thị cam kết sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng. Ảnh: PHƯƠNG NGỌC

Đối với khu dân cư, mặc dù trên địa bàn chưa thực hiện việc giãn cách, song trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh đề nghị người dân hạn chế đi lại, trước hết các địa phương ưu tiên sử dụng hàng hoá tại chỗ, vì lâu nay tại các địa phương đều có sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng tự đáp ứng một phần nhu cầu của bà con, phần còn lại do các chợ lớn và siêu thị cung cấp; trong đó chợ Phú Hậu là chợ đầu mối cung ứng hằng ngày về các địa phương với số lượng lớn nên nguồn hàng không thiếu. Trước đây, chúng ta có 2 địa phương là Phú Lộc và Phong Điền thực hiện giãn cách, nhưng việc cung ứng hàng hoá vẫn đảm bảo.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý lo ngại nên một số người mua thực phẩm dự trữ. Điều này có dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá?

Tâm lý của bà con mua hàng dự trữ là có và đây là tâm lý chính đáng nên cần hiểu và điều chỉnh phù hợp. Quan trọng là làm thế nào để quản lý, làm sao để sắp xếp mua hàng và có lượng bán ra hợp lý, tránh biến động thị trường. Trước tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng nâng giá.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số bộ phận lợi dụng nhu cầu tăng đột biến mua hàng tích trữ số lượng lớn để trục lợi, sở chỉ đạo các siêu thị bán hàng theo số lượng hạn chế để cung cấp lâu dài đến tay người tiêu dùng, mặt khác tránh tình trạng đầu cơ.

Hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tại Siêu thị Big C Huế luôn được đảm bảo

Vừa qua, có tình trạng khan hiếm hàng cục bộ, trong giai đoạn tức thời do nhu cầu tiêu dùng trong ngày tăng hoặc các siêu thị chưa cung ứng kịp gây hoang mang chứ thực chất hàng không thiếu. Trong đó, xuất hiện tình trạng có mặt hàng rất nhiều chủng loại, song người tiêu dùng chỉ chọn mua 1 loại dẫn đến khan hiếm tạm thời, trong khi các loại khác còn rất nhiều nên rất mong bà con mua sắm trong thời điểm dịch không nên mua số lượng lớn để tích trữ gây biến động thị trường. Bởi, ngành công thương đã lên phương án nếu các trung tâm mua sắm, chợ có F0 thì nguồn cung hàng hoá vẫn đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Hiện, các chợ, siêu thị đã dự phòng nguồn hàng, xây dựng mọi kịch bản thực hiện giãn cách khi có ca bệnh, xây dựng phương án bố trí lực lượng lao động dự phòng thay thế khi lực lượng lao động đi cách ly. Ngoài ra, các đơn vị bố trí điểm bán hàng dự phòng bên ngoài siêu thị để giải phóng hàng hoá và thực hiện việc phun khử khuẩn đảm bảo hàng hóa lưu thông an toàn, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu.

Để đảm bảo an toàn cho khách khi thực hiện giãn cách xã hội, sở chỉ đạo các siêu thị, chợ thực hiện việc bán hàng theo hình thức bố trí ngày “chẵn - lẻ” và phát phiếu. Trong mọi tình huống, phải xem chợ, siêu thị như “bệnh viện” nên không thể đóng cửa toàn bộ siêu thị.

Nếu xem chợ, siêu thị như “bệnh viện” và không thể đóng cửa. Vậy ông có thể cho biết phương án phòng, chống dịch triển khai như thế nào?

Chợ, siêu thị là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao vì thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Mặc dù các đơn vị triển khai công tác phòng, chống dịch nghiêm ngặt, tuy nhiên không thể chắc chắn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vừa rồi, sở đã tham mưu tỉnh tiêm vắc-xin cho đội ngũ làm việc ở siêu thị và các chợ, tỉnh đã ưu tiên tiêm cho các đơn vị này. Hiện, các siêu thị cơ bản đã tiêm vắc-xin cho đội ngũ bán hàng, riêng các chợ vẫn đang thực hiện, song do nguồn vắc-xin chưa nhiều, vẫn đang thực hiện tiêm theo lộ trình, nên các đơn vị sắp xếp bố trí lực lượng đã tiêm vắc-xin phục vụ cho tuyến đầu, phần còn lại làm lực lượng dự phòng trong tình huống thiếu nhân lực.

Trong trường hợp khẩn cấp, các siêu thị sẽ điều động nhân viên từ các nhà cung cấp ở các địa phương không có dịch về thay thế nên đảm bảo vẫn mở cửa và luân chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng trong mọi tình huống.

Với kịch bản xấu nhất, Huế bùng phát dịch, ngành công thương xây dựng phương án, kế hoạch cung ứng hàng hoá ra sao?

Phương án nếu toàn tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của người dân hạn chế, ngành công thương yêu cầu các đơn vị bán lẻ chuẩn bị đội xe sẵn sàng vận chuyển hàng hoá đến các địa phương phục vụ bà con, lực lượng nhân viên các siêu thị (đã tiêm vắc -xin) sẽ phụ trách công tác bán hàng. Trong thời điểm này, các siêu thị vẫn không đóng cửa mà tăng cường công tác cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt từ thành thị đến nông thôn. Ngoài ra, chỉ đạo các siêu thị tăng cường hoạt động bán hàng online, song phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, ưu tiên đội ngũ shipper đã tiêm vắc-xin để hạn chế nguồn lây đến khách hàng.

Khuyến cáo của ngành công thương đối với người dân và các hoạt động kinh doanh mua bán trong thời điểm này là gì?

Trước chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề đảm bảo hàng hoá phục vụ cho các khu cách ly và nhu cầu người dân, đặc biệt là hàng thiết yếu trong thời điểm hiện nay cũng như kịch bản toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, trước mắt trong kế hoạch đã xây dựng và quá trình kiểm tra thực tế tại các đơn vị bán lẻ, nguồn cung hàng hoá khá dồi dào và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc cung ứng đảm bảo lâu dài hay không còn phụ thuộc một phần vào việc cung ứng hàng từ các địa phương, tỉnh bạn.

Ngoài việc dựa vào nguồn sản xuất tại chỗ, trên cơ sở lượng hoá được số lượng hàng từ các DN, chúng tôi khẳng định lượng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn khá dồi dào. Tuy nhiên, do diễn biến dịch ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quá trình vận chuyển nên số lượng hàng không thể như trước đây, mong bà con chia sẻ, chỉ mua hàng hoá đủ sử dụng, tránh tích trữ hàng dẫn đến thiếu hàng cục bộ gây biến động thị trường, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hiện, các DN bán lẻ dự trữ khoảng 500 tấn gạo, hơn 70.000 thùng mì ăn liền, 100.000 khẩu trang vải kháng khuẩn và nhiều mặt hàng thiết yếu khác, như thịt hộp, cá hộp, dầu ăn, đường... Ngoài ra, các siêu thị cam kết lượng hàng dự trữ đảm bảo cung ứng cho người dân khi nhu cầu tăng gấp 3 lần so với ngày thường và số lượng hàng nhập về từ các địa phương vẫn ổn định.

THANH HƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top