ClockChủ Nhật, 14/06/2020 15:25

Luôn là những giá trị trường tồn

TTH - Trở về nhà, nghĩ có lẽ cũng như anh, sẽ có rất nhiều người có thể chưa biết có một di tích quý và thú vị như thế đang hiện hữu ngay trong lòng thành phố Huế.

Phan Bội Châu, một chí sỹ yêu nước thương nòiBia ghi công hai chú chó của cụ Phan

Cùng ở Huế, nhưng thiệt lâu ngày mấy anh em mới gặp lại nhau. Bên ly cà phê tái ngộ, cả nhóm chuyện trò rôm rả đủ thứ chuyện. Một ông anh hỏi thăm tôi chuyện nơi ăn chốn ở, tôi chỉ cho anh địa chỉ nhà tôi và mời có dịp đến chơi. Thấy anh có vẻ còn mơ mơ màng màng chưa rõ, tôi suy nghĩ một thoáng, lấy cái nghĩa địa mang tên cụ Phan Bội Châu (PBC) làm mốc định vị, cứ nghĩ như thế cho anh dễ tìm. Chẳng dè anh nhướng mày: “Ủa, Huế mình có cái nghĩa trang như vậy à?”. Anh lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe tôi kể tên những người đang an giấc tại đó. “Vậy thì chú phải viết đi, cho người ta biết mà còn đến thăm.”- Anh giục mà… không cần biết địa danh này tôi đã từng viết rồi.

Trở về nhà, nghĩ có lẽ cũng như anh, sẽ có rất nhiều người có thể chưa biết có một di tích quý và thú vị như thế đang hiện hữu ngay trong lòng thành phố Huế. Vậy là tôi tẩn mẩn lục lại bài viết cũ, post lên facebook để bạn bè ai quan tâm thì vào đọc. Và chỉ trong một thời gian ngắn thôi, rất nhiều người đọc, comment, bày tỏ cảm xúc với bài viết… Và đúng là rất nhiều người đến bây giờ mới biết Huế có một di tích như vậy.

Nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu (thường được gọi tắt là nghĩa trang PBC) nằm ở khu vực chân đồi Quảng Tế, nay ở góc đường Thanh Hải - Trần Thái Tông, thuộc phường Trường An - TP. Huế. Được cụ PBC tạo lập vào năm 1932 bằng số tiền do đồng bào cả nước quyên góp gửi về giúp trong thời gian cụ bị thực dân Pháp an trí tại Huế. Chính cụ Phan đã viết bản quy ước và cho lập bia tại nghĩa trang này quy định 3 hạng người được chôn cất ở đây: “Một, người từng là đồng chí đồng sự với Châu, đến chết vẫn không thay đổi/Hai, người tuy không đồng sự với Châu nhưng chắc chắn là đồng chí của Châu, đến chết vẫn không thay đổi/Ba, người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa của Châu mà sẵn sàng hy sinh chịu đựng đau khổ, đến chết vẫn không thay đổi”. Nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu là người đầu tiên được an táng tại nơi này vào năm 1939. Và giờ đây, nghĩa trang PBC là nơi quy tụ di thể, tuổi tên của nhiều nhân vật lịch sử: Ấu Triệu Lê Thị Đàn, Đạm Phương Nữ sử, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Thanh Hải, liệt sĩ Lê Tự Nhiên, cụ Nguyễn Huy Nhu - tiến sĩ khoa thi Bính Thìn triều Khải Định, nguyên giáo sư Hán học Viện Đại học Huế, Hồng Sơn Dã Mã Võ Thanh Minh - nguyên Tổng ủy viên Hướng đạo sinh Đông Dương,…

Bài viết đã khá lâu, nay nhắc lại, không ngờ lại được rất nhiều người quan tâm. Cảm động nhất là có một người bạn FB ở một tỉnh trong nam mà tôi đoán có lẽ đã khá lớn tuổi nhắn tin xin số điện thoại và cho biết, trên đường đi ra bắc, ông nhất định sẽ ghé Huế để nhờ hướng dẫn thăm nghĩa trang PBC, thắp nén hương cho “hiệp sĩ” Võ Thanh Minh, người mà ông từng hân hạnh được gặp năm 1959 khi mình còn là “sói con”. Rất nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị khi biết thêm về một di tích quý và độc đáo của Huế, đồng thời “khuyến nghị” dù viết rồi cũng nên viết lại cho nhiều người cùng được biết; nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với ý tưởng nên xây dựng nơi đây thành một điểm dừng chân lý thú cho du khách và công chúng; lại có cả đề xuất đáng quan tâm là nên xã hội hóa bằng cách kêu gọi con cháu những người có mộ phần tại đây cùng chung tay tôn tạo nghĩa trang… Đọc những tin nhắn, những comment, chợt nghe ấm áp trong lòng. Ấm áp không phải bởi bài viết của mình có người đọc, mà bởi nhận ra văn hóa, lịch sử luôn có sức lay động, luôn là những giá trị trường tồn.

DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”, sách dày 440 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành.

Phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn
Return to top