ClockThứ Tư, 22/01/2020 19:57

Luống cải ven sông

TTH.VN - Tôi thường chọn những cái chợ thật xa để đi cho dài đoạn đường ra mặc dù nhà ở ngay thành phố.

“Canh bạc” mùa hoa tếtHoa Tết khắp nơi đổ về Huế

Để mua thịt heo quê và cá sông, rau thì tôi thường ngược đường lên chùa Thiên Mụ, theo đường Văn Thánh để ghé chợ Hương Hồ. Chợ trên này, có chị Tý bán thịt heo mua từ những con heo trong vùng. Hàng thịt của chị đông lắm, nhiều người đứng chờ, xếp hàng để mua. Tính chị Tý cũng dễ chịu, ai nói chi, trả giá răng cũng được, khi nào chị cũng trả lời bằng cái giọng chân chất của mình "bán rứa là lỗ rồi".

Triền cải vàng trong nắng phía trước Văn Thánh. Ảnh: Mộc Miên

Ở chợ này, cá được bắt lên từ sông Hương bởi những chuyến "làm nghề" từ đêm đến sáng. Nhiều nhất là cá rô phi, cá chẻm, cá mè, cá trê, cá mương..., tới mùa lại có những con cá úc sông béo ngậy, có hôm lại có ốc và mớ rạm đồng. Còn rau vườn nhà mỗi người mỗi mớ, nhà trồng được chi ăn không hết lại đem ra chợ bán kiếm chút tiền mua thức ăn.

Tôi thường đi con đường này nên hay để ý những triền đất ven sông, để ý những chú, những o lom khom làm cỏ cho vườn rau của mình. Năm nay trời thuận, không gió mưa lụt bão nên rau trái được mùa, ở chợ rau rẻ như cho. Một bó xà lách mơn mởn có giá ba nghìn đồng, tần ô, ngò, cải nấu canh, cải luộc bán rẻ như đổ mà cũng chẳng có mấy người mua vì "ai cũng trồng được".

Tôi thường đi con đường này, một bên là thông reo trong khu Văn Thánh, một bên là triền sông xanh ngút với bắp, với rau, với cải và cả hoa vạn thọ, lay ơn đang lớn lên từng ngày. Có luống cải trồng nem nép bên rẫy bắp, tôi nhìn thấy từ ngày làm luống, gieo hạt cho đến ngày trổ bông. Luống cải mọc dày lắm, chen chúc nhau. Có hôm, tôi dừng lại hỏi người đàn ông trạc tuổi ba tôi đang đứng làm cỏ cho bắp, vì răng chú không nhổ cải mà bán. Chú nói với tôi bằng cái giọng nửa đùa nửa buồn: "Bán có ai mua mô con, ai cũng trồng được, trời thuận đồ ni rẻ lắm. Thôi để rứa lên hoa cho đẹp".

Hôm qua đi chợ, tôi thấy luống cải đã lên hoa. Những bông hoa cải vàng đung đưa trong gió, bên triền sông, dưới cái nắng mùa đông như rót mật. Tháng Chạp rồi. Ba tôi đã bắt đầu tháng Chạp với câu thở dài bỏ lửng phân vân Tết có nên gói bánh không. Ba tôi bảo, sang năm, năm nhuận, mùa đông không có giọt mưa nào như ri thì hứa hẹn sẽ là một năm hạn hán ghê lắm. Tôi nghĩ tới viễn cảnh đồng khô cỏ cháy, nghĩ tới cảnh cúp nước, cúp điện mà lo. Rồi chợt nhận ra, cuộc đời thật lạ lùng, xấu quá người ta cũng lo, mà tốt quá cũng lo. Bởi quy luật của đất trời là một hình tam giác khi cạnh này lên đến đỉnh thì cạnh kia buộc phải tuột xuống đáy.

Đám hoa cải vàng ven sông vẫn còn ung dung nở dưới bầu trời tháng Chạp, với trời xanh, mây trắng, và những hoàng hôn đỏ rực trên sông. Những người nông dân vẫn cày ải mảnh đất của mình để gieo trồng mùa vụ mới. Ngày vẫn sẽ qua, đêm vẫn sẽ tới, mặt trời xuống núi thì bóng trăng lên, nhưng luống cải ven sông vẫn nở những đóa hoa vàng làm rực rỡ thêm cho mảnh vườn tháng Chạp.

Bài: Nam Giao

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top