ClockThứ Bảy, 10/04/2021 06:40

Lưu giữ chân dung người làng

TTH - “Ông cười lên để con chụp cho đẹp ông nhé. Một, hai, ba!”. Suốt ba năm qua, thầy giáo trẻ Lê Văn Trường An đã rong ruổi suốt những nẻo đường làng Hương Cần (Hương Toàn, Hương Trà) để ghi lại hình ảnh của từng người dân trong làng.

Xếp hàng chụp ảnh ở quán cà phêTrào lưu chụp album ảnh theo yêu cầu

“Ảnh đẹp lắm ông ơi”

Từ chụp ảnh “cho vui”…

Hè năm 2018, Lê Văn Trường An có dịp về thăm quê sau những năm sống xa nhà. Cầm theo chiếc máy ảnh, anh chỉ nghĩ mình chụp ảnh “cho vui” ghi lại những khoảnh khắc đẹp, đời thường của những cụ ông, cụ bà trong làng. Sau đó, anh đưa những bức ảnh ấy lên mạng xã hội và nhận được phản hồi rất tích cực. “Có những người con xa quê hương nay lại được nhìn thấy hình ảnh của bố mẹ, ông bà rất đẹp và mộc mạc trên mạng xã hội khiến họ cảm thấy rất xúc động. Họ tìm cách liên lạc với mình để chia sẻ cảm xúc và nói lời cảm ơn. Vào lúc đấy, mình bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về dự án “Thương nhớ người làng”, Trường An chia sẻ.

Trường An đang giảng dạy tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) nên anh không thường xuyên có mặt ở Huế. Tuy vậy, chàng trai ấy vẫn đều đặn mỗi tháng hai lần tự bỏ tiền túi bắt xe về quê, tự chuẩn bị máy ảnh để thực hiện dự án của mình. Anh còn phải tìm hiểu thật kỹ cho những chuyến về quê chụp ảnh. Anh cho biết: “Mình phải xác định được rằng hôm nay mình sẽ chụp ảnh ở khu vực nào trong làng, cho những người nào, và chụp như thế nào để thấy được nét đặc biệt của người được chụp. Vì quỹ thời gian của mình không nhiều, mỗi lần về như vậy chỉ được ít ngày phải dành thời gian để kịp tiến độ của dự án”.

Làm bạn của nhau biết bao nhiêu năm, giờ mới có chung một bức ảnh

Nhìn vào những tác phẩm của anh, người xem không thể không tấm tắc ngợi khen về cái “hồn” trong từng bức ảnh. Những tấm ảnh toát lên nét đẹp đời thường, thể hiện rõ nghề nghiệp và những điều đáng nhớ nhất của nhân vật. Hơn thế, các tác phẩm gợi cho người xem hình ảnh một ngôi làng bên bờ sông Bồ với nhịp sống êm đềm, chậm rãi và rất đỗi lạc quan.

Đến khát khao lưu giữ văn hóa làng xã

Vốn là thầy giáo dạy lịch sử và là một người con sinh ra, lớn lên tại làng Hương Cần, nơi có đặc sản “quýt Hương Cần ta vẫn ngọt”, Trường An rất quan tâm đến những giá trị văn hóa quê hương cũng như có mong muốn gìn giữ ngôi làng bình dị. Vì vậy, anh chọn đối tượng chụp ảnh là những cụ ông, cụ bà đã cao tuổi. Anh cho biết, khi tiến hành chụp chân dung những người dân làng, anh mới biết có những người sống mấy chục năm suốt cuộc đời nhưng không có được một tấm ảnh để lưu giữ. Anh chụp những người làng ở rất nhiều góc cạnh: đứng trước miếu thờ, đứng trên sân đình làng, đứng trước dòng sông, cánh đồng lúa, góc vườn chuối sau lũ…

Đi chụp hình người làng, cũng có lúc phải “rình” để bắt được cái hồn tự nhiên. Anh nói tếu trên status facebook: “Mỗi lần thấy một thanh niên giữa đường làng lững thững, núp ở chuồng heo, ngồi sau chuồng vịt, lấp ló vườn cà… là Bột (tên tự gọi của Trường An) đang “tác nghiệp” đó nghe bà con. Đừng cầm đùi rượt mà tội”. Nói vậy thôi, dân làng thấy Bột thì miệng kêu, tay ngoắc: “Vô đây mà chụp Trường An ơi!”. Nhìn những nụ cười vui mừng của các cụ, hay mừng rỡ khoe với hàng xóm láng giềng tấm ảnh đẹp, Trường An có thêm động lực lớn để tiếp tục công việc của mình. Bên cạnh đó, anh cũng muốn thông qua mạng xã hội, biến dự án trở thành sợi dây liên kết những người con của làng đang làm ăn xa quê với nhau.

Ông và chiếc xe đã băng qua sương gió cuộc đời

Dự án “Thương nhớ người làng” của Lê Văn Trường An với mong muốn lưu giữ lại những hình ảnh, những khoảnh khắc của người dân làng Hương Cần. Trong những ngày đầu triển khai dự án, Trường An cũng gặp phải không ít những khó khăn. Anh bộc bạch: “Có những cụ bà đã gắn bó với nghề chằm nón lá từ mấy chục năm nay. Cũng có những cụ nổi tiếng khắp thôn làng vì những điệu hò ru con. Các cụ già lớn tuổi là những người sót lại đang lưu giữ tục ăn trầu, nhuộm răng đen…

Những giá trị, những nét văn hóa đã có từ lâu đó đang dần mất đi từng ngày. Vì vậy, mình luôn lo lắng nếu không làm thật nhanh, có khi dự án này sẽ chẳng còn cơ hội để thực hiện nữa. Do đó, mình  tranh thủ tìm gặp và chụp khá nhiều chân dung của những người già có thâm niên “têm trầu cánh phượng đỉnh nhất”, “chằm nón đẹp nhất”, sở hữu “giọng hò hay nhất”, người “đan tre khéo nhất”… Mình muốn thông qua những bức ảnh để lưu lại những nét văn hóa, không chỉ của riêng làng Hương Cần mà còn là của dân tộc. Biết đâu sau 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa nhìn lại, chúng ta sẽ biết rằng, làng quê của mình, đã từng có những nét văn hóa đẹp như thế”.

Dự án “Thương nhớ người làng” dự kiến sẽ được hoàn tất vào mùa hè năm 2021. Trường An đang gấp rút để thực hiện những bộ ảnh cuối trong dự án của mình. Sau khi hoàn thành, sẽ được triễn lãm tại đình làng Hương Cần và một địa điểm thích hợp tại thành phố Huế.

Đăng Trình - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẹp tinh khôi với vòng tay epoxy resin

Đam mê với epoxy resin, không chỉ làm nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt, Hoàng Linh, cô gái 9X còn cho ra đời những chiếc vòng tay xinh xắn làm từ hoa lá khô.

Đẹp tinh khôi với vòng tay epoxy resin
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh “Mai” do Trấn Thành làm đạo diễn và “Đào, phở và Piano” là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp
“Bắt trend” bán hàng

Nhịp sống thời hiện đại hình thành những trào lưu mới mà người bán hàng buộc phải theo trend (trào lưu).

“Bắt trend” bán hàng
Return to top