ClockChủ Nhật, 10/07/2016 06:25

Lý do trẻ em Hoa Kỳ thích đọc sách

TTH - Một người bạn của tôi khá tò mò với việc khách du lịch phương Tây thường mang theo một vài cuốn sách như “vật bất ly thân”. Họ đọc khi ngồi trên tàu hỏa, chờ xe bus hay thậm chí cả sau khi xong một bữa ăn trong nhà hàng. Và sau một thời gian dài sống tại Texas (Hoa Kỳ), có hai cô con gái đang đi học tiểu học và đi nhà trẻ ở đây, tôi đã phần nào tìm được câu trả lời.

Trẻ trao đổi cùng nhau về những câu chuyện 

Đọc sách, tập viết truyện từ bé

Một điều khá ngạc nhiên khi tham gia khóa huấn luyện “kỹ năng làm cha mẹ” là chúng tôi được giảng viên hướng dẫn cách thức đọc sách cho trẻ nghe từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Họ khuyến khích các bà mẹ mang thai đọc sách vì đây vừa là sợi dây liên lạc của tình mẫu tử, vừa giúp trí não bé phát triển, nhận biết âm thanh của mẹ cũng như thói quen lắng nghe đọc sách được hình thành ngay từ giai đoạn này.

Tiếp xúc với một số giáo viên tiểu học ở đây, tôi còn được biết thêm một điều hay trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ. Ở những ngôi trường trong vùng có kinh tế khó khăn mà thường được gọi là “vùng sâu vùng xa”, nơi có nhiều gia đình nghèo gửi con đến học tiểu học miễn phí sẽ có những khóa huấn luyện “đọc truyện cho em nghe”. Chương trình này giúp cho các bé cách đọc truyện cho chính các em nhỏ của mình nghe và chơi với trẻ sơ sinh bằng những cuốn sách ở nhà.

Tại Trường tiểu học Roscoe Wilson, nơi con gái tôi đang học chương trình lớp 2, tại mỗi lớp học, giáo viên chủ nhiệm sẽ thiết kế một góc đọc sách riêng cho học sinh của mình. Vào mỗi thứ hai hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi phiếu “đọc sách biểu” cho học sinh với yêu cầu phải đọc sách báo ít nhất 10-15 phút mỗi ngày và thứ 2 tuần tiếp theo sẽ phải nộp lại phiếu này cho giáo viên kèm với chữ ký của phụ huynh, người giám sát việc đọc của học sinh. Việc từng học sinh được hóa thân vào một nhân vật hay thuyết trình về một cuốn sách mình yêu thích cũng được giáo viên tổ chức liên tục luân phiên. Sách cũng chính là những món quà được giáo viên chủ nhiệm dành tặng mỗi học sinh vào ngày sinh nhật hoặc mỗi khi đạt thành tích học tập tốt.

Các hoạt động liên quan đến sách cũng được ban giám hiệu trường hoặc hội phụ huynh học sinh tổ chức thường xuyên như: hội chợ sách bày bán các loại từ sách “best seller” cho trẻ em cho đến sách giảm giá, thực hiện các chương trình giúp học sinh trong lớp đổi sách cho nhau (book exchange), nghe các diễn giả nói chuyện về các cuốn sách của mình viết và ký tặng sách, tổ chức quyên góp sách cũ để gửi cho các thư viện ở các trường học còn nhiều khó khăn khác hoặc thậm chí còn được gửi sang các nước ở châu Phi xa xôi…

Đặc biệt tùy vào thời gian học của mỗi khối, định kỳ trong tuần học sinh sẽ có được một ngày “Library day” (ngày đọc sách) để cả lớp cùng vào thư viện trường đọc sách trong giờ học chính khóa.

Có lần vô tình con gái tôi tìm được một cuốn sách về văn hóa và tập tục truyền thống cổ truyền Việt Nam bằng tiếng Anh, cháu thích thú đọc và thuyết trình cho các bạn trong lớp nghe như là một nhà “Việt Nam học” thực thụ, cho dù nhiều từ ngữ cháu phải tự tìm hiểu thêm về ý nghĩa nhờ sự hỗ trợ của “Mr Google”.

Trong chương trình học tiểu học, học sinh luôn được hướng dẫn cách viết một câu chuyện, một cuốn sách mini từ những năm học mẫu giáo lớn (ở Hoa Kỳ cấp 1 được bắt đầu từ chương trình “Kindergarten - mẫu giáo lớn” cho đến lớp 5). Thế nên khi lần đầu tiên con gái tôi mang về một cuốn truyện khá hoàn chỉnh do cháu tự viết nội dung lẫn vẽ minh họa, bìa cuối còn có thêm phần ký tên của các bạn cùng lớp (đại diện cho độc giả) kèm với lời bình luận khiến tôi há hốc miệng với khả năng sáng tạo của con mình.

Phần thưởng cho việc đọc sách

Việc nhà trường trả phí bản quyền để mua quyền sử dụng các website đọc truyện và cung cấp miễn phí cho học sinh trong trường đã giúp cho chúng tiếp cận và tương tác với nguồn sách online vô cùng phong phú và đa dạng. Đồng thời nhà trường cũng kết hợp với các nhà xuất bản để tạo kênh phát hành sách chính thức đến học sinh. Điều rất hay là mỗi cuốn sách được đặt mua từ nhà xuất bản đồng nghĩa với việc số điểm thưởng sẽ được tích lũy nhiều hơn, sau đó sẽ được quy thành sách miễn phí để chuyển vào thư viện sách của cả lớp mà giáo viên chủ nhiệm đã cất công thiết kế.

Việc mua sách mang lại cho cả 3 phía: học sinh – nhà trường – nhà xuất bản và cũng nhờ chương trình bán sách này, con gái tôi đã có thêm nhiều đầu sách hay với giá phải chăng để bỏ vào tủ sách thư viện nhỏ của mình.

Ở thư viện thành phố Lubbock hàng năm cũng có những đợt bán sách tồn giảm giá cực sốc, nhất là trong ngày hội đọc sách toàn nước Mỹ (Read Across America Day) vào ngày 2/3 hàng năm. Trong ngày này, hàng chục ngàn cuốn sách được chất đầy tầng hầm bán với giá chỉ vài chục cent đến vài đô la, thậm chí bán theo mớ, theo series sách hay cân, giúp cho người dân địa phương và sinh viên có được những cuốn sách mà mình yêu thích với giá rất rẻ. Mỗi dịp đưa con gái đến mua sách vào thời gian này cũng là cơ hội chứng kiến các ông bà cụ lớn tuổi ì ạch đẩy những chiếc xe đẩy chất đầy sách đứng hàng dài chờ thanh toán; hai cha con tôi được nói chuyện với những người lớn tuổi trong hội sưu tầm sách làm tình nguyện viên cho sự kiện này cũng như được làm quen với những bạn cùng sở thích. Một không khí thực sự vui vẻ được mang đến cho các độc giả đủ các lứa tuổi mà không phải khi nào cũng có trong năm.

Dù ở Hoa Kỳ chi phí dành cho việc mua sách không phải là nhỏ nhưng tôi luôn yên tâm chi trả khi con gái ngỏ lời và có được cảm giác hạnh phúc khi mỗi lần con gái mình ngồi vào bàn chăm chú đọc sách để tự khám phá thế giới của riêng mình mà cuốn sách đang mang lại…

Bài, ảnh: PHAN QUỐC VINH (LUBBOCK – HOA KỲ)

 

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top