ClockThứ Năm, 17/12/2015 18:13

Mạ!

TTH - Chiều nay nắng đã tắt, cái lạnh đầu đông làm cho không gian sớm u tịch. Vội vàng trở về nhà đón con trong cái rét run, tôi dừng lại bên đường khi chuông điện thoại rung lên liên hồi. “Con à, đi làm về chưa? Mang thêm áo mưa vào kẻo lạnh. Hôm ni trời trở gió đó nghe con.” Tôi chỉ kịp dạ một tiếng rồi cắm đầu cắm cổ chạy tới nhà trẻ khi quá giờ tan tầm.

Tối đến, sau khi cơm nước xong, nhìn đồng hồ đã hơn 7h. Cầm chiếc điện thoại bấm đi bấm lại hai lần. Chuông đổ liên hồi mà mạ không bắt máy. Ở xa hơn 200 cây số, tôi biết làm gì đây khi mạ không nghe máy. Tai tôi ù, không còn kiểm soát được hành vi, tôi loạng choạng gọi lại lần nữa. Từng tiếng chuông đổ dài mà lòng nóng như lửa đốt. “Mạ đây, mạ đang dọn hàng thì con gọi. Bây ăn cơm chưa? Hai đứa khoẻ không? Trời rét rồi bây giữ ấm cho cháu kẻo nó đau đó.” Tôi dạ liên hồi, nước mắt dài trên má. Hạnh phúc khi nghe mạ trả lời.

Mạ tôi sinh ra từ miền gái đẹp Kim Long, lớn lên trong sự tảo tần của bà ngoại. Mạ tôi đẹp, vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người con gái Huế xưa. Mạ tôi lấy chồng khi tuổi vừa đôi tám, nhưng 28 tuổi, mạ tôi trở thành goá phụ khi ba tôi chẳng may mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông. Mạ tôi ở vậy nuôi con ăn học đàng hoàng.
Tôi còn nhớ, mỗi bữa cơm dọn ra, mạ đều gắp cho đứa ni miếng cá, đút cho đứa khác miếng cơm. Sau khi các con ăn xong, mạ ăn vội bát cơm đã nguội với chút nước kho hay bát canh còn lại. Sau này tôi lớn, tôi lấy cá bỏ vào bát mạ, mạ đều gắp ngược lại cho tôi. Mạ nói mạ ăn rồi, bây cứ ăn đi rồi còn đi học.
Mỗi sáng mạ dậy từ ba giờ rưỡi sáng, nhóm lò rồi chiên bánh tét. Trời Huế, tháng tám, tháng chín mưa lê thê, lạnh buốt. Vậy mà mạ vẫn đạp chiếc xe đạp xuống chợ Đông Ba khi trời còn chưa tỏ. Mạ nói đi sớm để bán cho các bác xích lô, các cô bốc vác. 7h đã hết bánh, mạ lại đi bưng bún thuê, bán nước chè xanh... Mạ làm đủ thứ nghề để kiếm thêm tiền, mạ chỉ mong con có thêm tấm áo khi đông về, có thêm đôi dép khi năm học mới vừa đến.
Nhiều đêm tôi thấy mạ vẫn thức đợi cửa khi các con đi học thêm. Nói mạ ngủ sớm để sáng mai còn đi bán, mạ nói mạ đợi bây về mới ngủ được. Con gái đi về khuya mạ sợ có chuyện chi...
Mạ tôi có mái tóc đen, dài và dày. Hôm mạ cắt tóc ngắn, bán cho mấy người mua tóc, được gần hai trăm nghìn đóng học phí cho các con, con thì khóc còn mạ thì cười. Mạ nói, tóc ngắn dễ gội, dễ chải. Nhưng mạ ơi, mái tóc ấy đã theo mạ mấy mươi năm.
Mỗi năm chúng tôi đều đem về cho mạ rất nhiều giấy khen. Mạ có một cái rương nhỏ, của hồi môn ngày mạ lấy ba tôi. Mạ đựng tất cả giấy khen của các con trong từng năm học. Thỉnh thoảng mạ đem ra, vuốt lại cho thật thẳng rồi mỉm cười. Hạnh phúc của mạ tôi là vậy đó.
Năm tháng qua đi thật mau, lần lượt mấy chị em tôi lấy chồng. Mạ tôi quạnh quẽ một mình trong ngôi nhà nhỏ. Bà bán hàng ở chợ nhỏ gần nhà. Sáng đi sớm, tối dọn hàng muộn. Niềm vui của bà chỉ quanh quẩn bên cửa tiệm nhỏ ấy. Cứ hàng tháng đến ngày rằm, hay mồng một, mạ lại đóng cửa tiệm, lên chùa cầu an cho con. Đã 20 năm mạ vẫn giữ thói quen ấy.
Chiều nay trời trở gió, tôi biết chắc mạ vẫn chưa mang vội chiếc áo cho mình, đã gọi cho các cô con gái, nhớ mang áo cho các cháu. Mạ ơi, mạ nhớ mang áo cho mình nghe!
Thuỳ Dương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top