ClockChủ Nhật, 14/05/2017 12:07

Mà nay giấy cỏ còn vương...

TTH - Giấy dó trở thành con thuyền lịch sử, phản ảnh diện mạo đời sống lịch sử văn hóa, tồn tại khắp nơi từ kinh kỳ đến làng mạc trên địa bàn Thừa Thiên Huế...

Một trang gia phả họ Hồ ở làng Hương Cần bằng giấy dó

Giấy cỏ là loại giấy được sản xuất theo phương pháp cổ truyền bằng nguyên liệu địa phương. Ở Thuận Hóa – Phú Xuân ngày xưa, có 3 loại cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy cỏ: bồ thảo, gió niệt, gió bầu. Bồ thảo còn có tên là hương bồ thảo, bồ hoàng, là loại cỏ nến cao quá đầu người, lá dài và hẹp; sách xưa ghi “lá non ăn được, lá già dùng làm chiếu, làm quạt hay làm các bao bọc đồ”. Cây gió niệt (hay niệt dó), thuộc họ trầm, là loại cây nhỏ mọc hoang khắp nơi vùng đồi núi, quanh năm xanh tươi, cao ngang ngực. Vỏ thân và vỏ cành có thể làm giấy, cành và lá có chất dính có thể dùng làm keo trong kỹ nghệ làm giấy. Cây gió bầu tức cây trầm hương, cây to cao đến 30-40m, mọc hoang dọc vùng rừng núi miền Trung, trong nghề giấy chỉ để sản xuất loại giấy quý.

Trong 3 loại cây nói trên, cây niệt dó được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy phổ biến hơn cả. Bởi loại cây này mọc rất nhiều, ở khắp nơi trên địa bàn xứ Thuận Hóa. Giấy sản xuất từ cây niệt dó còn gọi tên giấy dó, là loại giấy bền và tốt nên tuyệt đại bộ phận nội dung các văn liệu từ xưa đều được in trên giấy dó. Giấy dó trở thành con thuyền lịch sử, phản ảnh diện mạo đời sống lịch sử văn hóa, tồn tại khắp nơi từ kinh kỳ đến làng mạc trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Những hương phả, tộc phả, địa bạ, suất đinh, hương ước, y học cổ truyền… ngày xưa, giờ đều được giấy dó lưu dấu, cất giữ qua hàng trăm năm.

Lịch sử nghề giấy ở Thừa Thiên Huế được ghi nhận khởi thủy từ trước thế kỷ thứ XVI, làng Lương Cổ và Thanh Lam (Bồ) lúc đó đã có nghề làm giấy. Sách “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn có nhắc “giấy Lương Cổ rộng khổ”, “Thanh Lam có nghề làm giấy” và đến thế kỷ XVII, XVIII thì “xã Đốc Sơ - huyện Hương Trà làm giấy, hạng trung và hạng tiểu... Nghề ấy truyền đến thôn Trung Chỉ phủ Phú Yên… Giấy trung và tiểu xã Đốc Sơ và xã Vĩnh Xương đều làm bằng vỏ cây dó”…

“Phủ Biên Tạp Lục” cũng cho biết Đốc Sơ là 1 trong 9 xã của tổng An Vân, huyện Hương Trà. Đến đầu thế kỷ XX, người dân Đốc Sơ vẫn còn giữ nghề làm giấy. Cuốn “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Thừa Thiên” của Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Phủ Thừa Thiên hồi 1910: Huyện Hương Trà có 6 tổng, 103 làng và 8.823 đinh; (trong đó) tổng Phú Xuân có 30 làng và 2.117 đinh; đáng kể hơn cả là 2 làng và 9 hộ. Hộ I có 131 đinh, có chợ, làm nghề giấy tại làng Đốc Sơ”. Hộ I ở đây chính là phường Đệ Nhất, nay là phường An Hòa (Huế). Theo một số nhà nghiên cứu, những người làm nghề giấy thủ công sau đó đã chuyển đến cư trú ngoài cửa Đông Ba, tiếp tục hành nghề cho đến sau 1945. Thế kỉ thứ XVI, làng Vĩnh Xương có tên gọi là Vĩnh Áng, thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Là một làng thuần nông, từ thời các Chúa Nguyễn, tại làng Vĩnh Xương đã có nhiều kho thóc của nhà nước, chứa thóc tô ruộng và thóc mua bằng tiền sai dư. Ngoài nghề nông, làng Vĩnh Xương còn có nghề làm giấy bằng cây vỏ cây niệt dó. Giấy dó sản xuất thành hình vuông là một mặt hàng có giá trị thời bấy giờ.

Vài trang địa bạ thế kỷ 19 hiện lưu giữ ở phường Vĩnh Ninh (TP. Huế)

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Đình Kết, từ thế kỷ XVI trở về trước, nghề giấy ở Thừa Thiên Huế tập trung ở các làng Lương Cổ - huyện Đan Điền (Quảng Điền) và Thanh Lam Bồ - huyện Tư Vinh (Phú Vang). Nguyên liệu chủ yếu là cỏ bồ thảo, sản xuất số lượng không nhiều, hiện hiếm gặp. Ghi nhận sớm nhất được tìm gặp loại giấy này là năm Quang Hưng 4 (1881), cách ngày nay đến hơn 400 năm. Từ thế kỷ XVII, XVIII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên “dư bất thụ sắc” năm 1630, sự giao lưu buôn bán Nam – Bắc bị gián đoạn. Để đáp ứng nhu cầu giấy tại chỗ, các làng nghề Đốc Sơ, Vĩnh Xương phát triển nghề giấy sản xuất loại giấy dó thô dày màu vàng xám hoặc trắng mỏng, mịn tay.  Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy loại giấy này sớm nhất với các niên điểm Cảnh Trị 7 (1669) lưu trữ ở làng Thanh Phước, thời điểm muộn hơn của loại giấy này (thế kỷ XVIII) được tìm thấy ở các làng Mỹ Lợi, Thanh Phước, Xuân Hòa, Hà Thanh… Đầu thế kỷ XIX, Thuận Hóa trở thành kinh đô, là một trung tâm sản xuất và tiêu thụ giấy. Ngoài lượng giấy sản xuất tại chỗ, còn là nơi nhập giấy từ các nơi về. Tuy nhiên, hiện các làng quanh Huế vẫn còn lưu giữ nhiều văn liệu in, viết bằng giấy dó sản xuất tại Thừa Thiên Huế. Cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm lược Việt Nam, kỹ nghệ sản xuất giấy và vật liệu xây dựng mới dần thay thế phương thức cổ truyền, những người làm giấy cổ truyền phải chuyển phương thức sang sản xuất giấy vàng mã, giấy vấn thuốc lá, sau đó thì suy tàn.

Một thống kê chưa đầy đủ, dẫu sau hàng trăm năm dâu bể, hiện vẫn có trên 100 làng, họ tộc, chùa chiền, giáo đường còn đang lưu giữ rất tốt các loại văn liệu trên giấy cổ truyền. Trước đây, việc điều tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu Hán Nôm có giá trị ở một số làng xã Thừa Thiên Huế đã giúp cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phơi mở được những giá trị của các văn liệu nói trên. Cái đáng lo là một số người cho rằng, giấy cổ và các văn liệu trên giấy cổ là vô giá, nên không cho nghiên cứu sao chép; hiện cũng có một số người sưu tầm tư nhân đã vô tình hoặc cố ý để cho các văn liệu bị thất thoát…

Câu chuyện về giấy cổ và các văn liệu trên giấy cổ, một kho tàng quý hiếm và đặc trưng ở Huế, đang rất cần một sự đầu tư toàn diện và khẩn trương, để nhìn nhận tổng thể các giá trị vật thể (giấy cổ) và phi vật thể (nội dung văn liệu in/viết trên giấy)…; từ đó có những quyết sách để gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Bài, ảnh: HỒ HOÀNG THẢO

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top