ClockThứ Năm, 20/02/2014 05:02

Magie Phạm dừng bước để tiến xa

TTH - Năm 2011, khi cho xuất bản cuốn truyện dài đầu tay (“Hoàng tử và em”), chưa mấy ai biết cây bút mang bút danh Magie Phạm “nửa Tây nửa ta” này là ai. Sau 5 cuốn tiểu thuyết (mà tác giả khiêm tốn ghi là “truyện dài”) và khi tác giả được mời ra Hà Nội dự Hội nghị Những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn tổ chức, thiên hạ đã biết cô tên thật là Phạm Phú Uyên Châu, sinh viên Đại học Khoa học Huế.

Trước thềm năm mới 2014, Phạm Phú Uyên Châu vừa cho xuất bản cuốn truyện dài “Tôi & em” dày gần 400 trang. Đây là cuốn thứ 5 trong bộ tiểu thuyết 5 tập, mỗi cuốn dày trên dưới 300 trang, sau lần in đầu 2.000 đến 3.000 bản, một số cuốn đã in lại lần 2, lần 3 - như thế, có thể tính ra trên 1.500 trang sách với mấy vạn bản in đã đến tay độc giả cả nước. Chỉ kể về số lượng, trong lớp cây bút trẻ vừa qua tuổi 20, ngày ngày lại đang phải lên giảng đường đại học và lo “trả bài” cho các thầy, không mấy ai đạt được thành quả như Phạm Phú Uyên Châu; nếu không muốn nói là Phạm Phú Uyên Châu đã lập được “kỷ lục” trên văn đàn!

Tuy vậy, Phạm Phú Uyên Châu chưa tạo thành “dư luận”. Theo tôi, có thể vì Phạm Phú Uyên Châu không chạm đến những vấn đề gây “sốc” như Nguyễn Huy Thiệp, lại viết theo lối “truyền thống” câu chuyện, nhân vật có lớp lang, dễ theo dõi, chứ không theo “trường phái” cách tân với những “chủ nghĩa” này nọ vừa nhập khẩu đang là thời thượng của không ít nhà phê bình. Đã đành, văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi cái mới, phải biết học hỏi cái hay của thế giới, nhưng nếu thiên lệch và cực đoan đến mức cho rằng chỉ những ai viết đậm chất “hậu hiện đại” và triệt để cách tân về hình thức, viết rắc rối, khó hiểu mới làm nên tác phẩm lớn, đáng được chú ý, thì theo tôi đó là sự nhầm lẫn và không đúng với bản chất của nghệ thuật là đa dạng, phong phú.

Tôi cũng biết một số người không đánh giá cao tiểu thuyết của Phạm Phú Uyên Châu vì đề tài của bộ sách chỉ “quẩn quanh” những cuộc tình của các chị em gái trong cùng một gia đình. Theo tôi, sự đánh giá đó chưa công bằng và vội vàng. Tình yêu và đời sống gia đình luôn là một đề tài lớn và vĩnh cửu của văn học. Có thể là tác giả chưa đặt ra được những vấn đề thật sâu sắc về đề tài này, nhưng sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết đối với hàng vạn độc giả trẻ mà không hề nhờ yếu tố “sex” hay các “chiêu” câu khách tầm thường, chứng tỏ các tác phẩm của Phạm Phú Uyên Châu đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu tinh thần, góp sức “giải đáp” những bài toán “tình yêu” của lớp độc giả mới bước vào đời. Mặt khác, chính trong sự bó buộc về đề tài - chỉ viết về những cuộc tình của mấy chị em trong cùng một gia đình - mà tác giả vẫn níu giữ được bạn đọc, chứng tỏ Phạm Phú Uyên Châu có tài trong khâu xây dựng kết cấu truyện, tạo ra được nhiều tình huống truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lý nhân vật kỹ lưỡng. Qua tiểu thuyết thứ 5 “Tôi & Em” vừa xuất bản, tuy vẫn là chuyện tình yêu của cô chị cả trong gia đình ấy, Phạm Phú Uyên Châu đã tự vượt lên, mở rộng “biên độ” quan sát và miêu tả tâm lý với cả những cặp vợ chồng lớn tuổi, đã qua một “lần đò”, rồi chuyện mang thai, sinh con… Điều đó, chứng tỏ Phạm Phú Uyên Châu hứa hẹn sẽ đi được xa trên con đường văn vốn rất nhiều thử thách.

Lê Minh Phong, tác giả tập truyện ngắn “Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc” (NXB Trẻ, 2011) và nhiều truyện ngắn đăng trên báo chí gần đây, một cây bút trẻ có nhiều tìm tòi nghệ thuật, cũng có lần nói với tôi: “Chỉ riêng cái vốn ngôn ngữ và sức tưởng tượng viết nên cả ngàn trang sách như thế cũng đã đáng nể lắm rồi!”

Vì thế, Phạm Phú Uyên Châu là một hiện tượng đáng trân trọng; và nếu xem nền văn nghệ như một vườn hoa đầy hương sắc, thì 5 tiểu thuyết Phạm Phú Uyên Châu đã cho xuất bản là một loài hoa có hương vị riêng, tuy chưa phải nổi bật hẳn lên, thì vẫn có một vẻ đẹp riêng, có sức hút đối với không ít khách thưởng ngoạn.

Điều đáng quý là chính trên cái đà thắng lợi rất ngoạn mục mà không mấy tác giả trẻ có được trong chặng đầu bước vào làng văn, Phạm Phú Uyên Châu đã quyết định “dừng bước”, không viết tiếp cho hết 9 cuốn sách về 9 chị em gái như dự định ban đầu; trang chót tiểu thuyết “Tôi & em”, tác giả đã viết “Lời cuối”: “Tôi hãy còn rất nhiều điều muốn viết về Talia, về Terpsichore, về Polyhmnia, về Urania. Thế nhưng, không có buổi tiệc nào là không tàn. Gần bốn năm qua, vô cùng cảm ơn những người từng đến với Muse’ series, cảm ơn những người bạn với những lời khen chê của họ đã luôn ở cạnh, quan tâm đến những câu chuyện mà tôi viết ra…”

Điều đó chứng tỏ Phạm Phú Uyên Châu quyết tâm không giẫm lại bước chân của mình và đang trăn trở tìm con đường vượt lên, khác trước, sau khi kết thúc bộ tiểu thuyết 5 tập đầu tay. Được biết, cây bút trẻ này cũng vừa kết thúc quãng đời sinh viên, chuẩn bị bước lên bục giảng đại học. Hy vọng Phạm Phú Uyên Châu, với kinh nghiệm đã có sau chặng đầu thử bút, với trình độ nhiều mặt được nâng cao, sẽ bước lên chặng đường mới với những tác phẩm mới giàu sức sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc…

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top