ClockThứ Sáu, 18/03/2016 14:16

Mai cảnh vào vụ mới

TTH - Hàng năm, cứ đến giữa tháng Giêng âm lịch, các chậu mai cảnh bắt đầu được chăm sóc. Để có những chậu mai bonsai nở kịp Tết, người chăm mai (NCM) chuyên nghiệp mất hơn 11 tháng chăm sóc, nâng niu từng gốc mai cho đến sự phát triển của thân, cành và từng chi (cành nhỏ) trước khi lo cho mai nở đúng Tết.

Nhân công chăm mai thường xuyên ở quán cà phê Tịnh Lâm Nhi

Chăm sóc đúng kỹ thuật

Không phải chăm sóc mỗi ngày, nhưng đã nhận, NCM phải chịu trách nhiệm không nhỏ với khách hàng. Hợp đồng xong, họ phải theo sát dù các chậu mai được đưa về một địa điểm hay tại nhà chủ nhân của nó.

Tìm đến quán cà phê Tịnh Lâm Nhi trên đường Trường Chinh (TP.Huế) đúng dịp anh Bồi – người chăm mai ở đây đang bón phân cho hàng trăm chậu mai trong khuôn viên. Anh Bồi cho biết, dùng phân hữu cơ dễ bị sâu, còn phân vô cơ thì sợ cháy thân. Tùy số lượng, điều kiện chăm sóc, mỗi người chọn một cách phù hợp, miễn sao cây tốt, hoa ra đúng Tết. Anh Ngô Tố (32 tuổi), cũng ở đường Trường Chinh nhận chăm sóc hơn 100 gốc mai mỗi năm. Do không tập trung một địa điểm nên anh dùng phân hữu cơ với chế độ chăm sóc thường xuyên, bảo đảm các yếu tố phù hợp để uốn, tạo thế và kích, hãm hoa…

NCM không phải hôm nào cũng làm việc vất cả, nhưng quy trình chăm sóc chỉ sai hoặc chậm một nhịp là phải gánh chịu hậu quả. Đón các chậu mai trở lại, việc đầu tiên là tỉa toàn bộ lá và hoa còn sót lại. Mỗi năm vào phân hai lần, lần đầu từ trước đến giữa mùa xuân là thích hợp nhất cho việc dưỡng cây; lần thứ hai, độ tháng 6 âm lịch, vừa dưỡng vừa giúp có hoa kịp Tết. Tiêu chuẩn một chậu mai cảnh đẹp bắt đầu từ bộ đế (gốc). To, tròn, cổ và quái là đạt mức hoàn hảo. To, tròn dễ dàng đánh giá bằng mắt thường, nhưng chỉ giới chuyên môn mới biết giá trị thời gian của mỗi gốc mai. ‘Quái’ nghĩa là quái lạ, làm sao để bộ đế khiến người ngắm tưởng tượng ra nhiều hình dạng khác nhau, khi là một linh vật, lúc thì phong cảnh. Phần này phụ thuộc nhiều vào sự phát triển tự nhiên của cây. Người mê hoa mai phải cất công săn lùng, ngoài kinh nghiệm còn cần đến sự may mắn mới sở hữu được những cây mai có bộ đế giá trị. Nhiều người cố tạo bộ đế theo ý, nhưng không sánh được với tự nhiên. Thân và tán lại phụ thuộc vào kỹ thuật và thẩm mỹ của NCM. Để thân mai hình búp măng, tán dưới to hơn tán trên NCM phải nắm vững các kỹ thuật vuốt, tỉa, cắt, ghép… và phải kiểm tra cây thường xuyên.

Người Huế chuộng thế trực và thế bay. Thế trực chiếm ưu thế hơn vì thể hiện sự quân tử. Như những người đam mê nghệ thuật khác, NCM hiểu rõ câu “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”. Sơ ý một trong những công đoạn của quy trình thì mai có thể bị chết thân, cành và chi dễ gãy dẫn đến uốn sai thế hay trổ hoa không đúng Tết… Anh Ngô Tố tâm sự: “Khi tạo thế, sợ nhất là cành và chi bị tước thì phải chờ mọc lại, mà thời gian để có một cành mai như ý là vô định. Vì thế NCM không chỉ ngồi chờ các cành mai mọc, họ có kỹ thuật cấy ghép để tạo được nhiều cành theo ý muốn. Phần tán khá khó, tán to cần cành to và ngược lại, đòi hỏi NCM phải có kỹ thuật cao trong khâu cấy ghép.

Tâm, tầm và nhẫn

Nhắc đến cái tên Hùng Tịnh Lâm Nhi, giới chơi mai cảnh ai cũng biết. Theo đánh giá, ông sở hữu vườn mai trị giá hàng chục tỷ đồng. Tại quán cà phê, Bồi giới thiệu một cây mai tạo thế như một chiếc bình phong được định giá 2 tỷ đồng, đặt trực diện trước căn nhà rường của quán. Một cây khác thế trực, trồng trong chậu lớn, Bồi cho biết, trước Tết có người trả 1,1 tỷ đồng nhưng chủ nhân của nó chưa đồng ý bán. Để bảo vệ hàng trăm gốc mai quý, đại gia này thuê 2 nhân công chăm sóc thường xuyên với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/trên tháng. Vào tháng 3 và tháng 6 phải tăng cường thêm NCM có kỹ thuật cao với giá từ 250 đến 300 ngàn đồng/ngày.

Bàn về giá trị vườn mai ở cà phê Tịnh Lâm Nhi, Ngô Tố vừa cười vừa lắc đầu, theo cách nghĩ hiện nay của anh đó là điều mà những người mê mai không dám mơ. Tố từng là thợ kim hoàn, niềm đam mê cây cảnh đến với anh rất tự nhiên và trở thành NCM chưa lâu, nhưng hòa nhập khá nhanh. Anh cảm nhận được sự tinh xảo trong từng đường nét của mỗi chậu hoa quý tộc này. Điều cuốn hút anh nhất là được thể hiện ý tưởng trong khi tạo thế cho cây mai cảnh. Những chậu mai Tố nhận chăm sóc có giá từ vài triệu đến hơn trăm triệu đồng nên áp lực cũng rất lớn.

NCM ít khi tính được thu nhập. Công chăm mỗi chậu mai từ 2 đến 3 triệu đồng/năm. Trong đó, 2 lần bón phân hết khoảng 200 ngàn đồng/năm. Nếu vậy, như anh Tố tính ra mỗi năm phải có hàng trăm triệu đồng tiền công. Nhưng thực tế lại khác, áp lực đầu tiên là chết cây nào đền cây đó. Những chậu mai kiểng ở Huế cần thợ chuyên nghiệp chăm sóc hầu hết đều là mai quý (hoàng mai). Khó khăn thứ hai phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Những tháng cuối năm, nếu thời tiết quá nóng phải tìm biện pháp hãm mai, còn lạnh quá thì phải có cách thúc hoa. Trường hợp này, cũng nhiều khách hàng thông cảm, nhưng nếu ai bắt lý thì buộc NCM phải tìm cây khác thay thế cho khách có mai chơi Tết. Vì vậy, ai theo nghề chăm mai cảnh ít nhiều cũng có “hàng” dự trữ, tiện thì bán, gặp thì mua nhưng hầu như không ai cảm thấy đủ với vườn mai của mình. Tết thì lùng mai ở các chợ hoa, rảnh rỗi lại lang thang đi khắp các vùng quê, may mắn thì kiếm được gốc mai “quái”. NCM chỉ là tay trái, ai cũng có công việc chủ đạo để bảo đảm cuộc sống ổn định.

Với NCM, mỗi gốc mai là một tác phẩm nghệ thuật tạo cho họ nguồn cảm hứng mới. Để hòa mình vào sự tao nhã ấy, trước tiên phải là niềm đam mê, sự nhẫn nại trong lao động và cuối cùng là khả năng kinh tế. Dù ở cấp độ nào thì họ vẫn có điểm chung, đó là trước những chậu mai ở dáng vẻ nào họ cũng hiểu được ngôn ngữ của nó.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ trộm mai cảnh

Chiều 22/2, Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phá thành công chuyên án, bắt đối tượng gây ra loạt vụ trộm mai cảnh trên địa bàn TP. Huế và các địa bàn lân cận.

Bắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ trộm mai cảnh
“Canh” mai trổ hoa

“Chơi mai” là thú vui tao nhã, nhưng “chơi mai” mà nuôi sống được cả gia đình như ông Lê Quý Huề (tổ 6 , phường Thủy Dương , TX. Hương Thủy) thì cũng khối người ao ước và ngưỡng mộ.

“Canh” mai trổ hoa
Phập phù mai tết

Thời tiết năm ngoái “đỏng đảnh” làm những vườn mai tết mấy phen lận đận, “ngậm sương” chờ nắng. năm nay tiết trời có thuận hơn, song vườn mai một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn thấp thỏm chờ.

Phập phù mai tết
Return to top