ClockChủ Nhật, 17/09/2017 13:03

Mãi mãi anh vẫn của “thời trai trẻ ngày xưa”

TTH - Hồi còn thỉnh giảng cho Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, khi giảng cho lớp nhạc, bao giờ tôi cũng yêu cầu học trò chào thầy bằng bài “Thời hoa đỏ”. Tôi khuyến khích các em hát bài này, và tôi tuyên bố với các em đây là bài hát hay nhất trong nền nhạc Việt về tình yêu.

Nhà thơ Thanh Tùng (thứ 2, từ trái sang) trong một lần gặp mặt bạn hữu

Vì sao nó hay. Vì nó đắm đuối, hết mình, xả thân, ngọt lịm... dư vị yêu, nhưng nó cũng đầy xa xót, xa xót đến đau đớn, đến nấc nghẹn, về những điều đã mất, sẽ mất vì tình yêu đẹp quá, sâu sắc quá, đến cùng quá. Thì đã bảo, chỉ duy nhất trên đời, tình yêu là cái thứ vô cùng đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp, chả ai lý giải được. Biết là nó thế, hình thù vậy, nhưng té ra lại chả phải là vậy. Nó là cái thứ vô cùng kỳ ảo, nó khiến con người lao đao dở sống dở chết, sợ nó hơn sợ... yêu nhưng rồi lại cứ xông vào, hoan hỉ xông vào, đau đớn xông vào. Hạnh phúc luôn song hành với đớn đau là thế. Bài thơ của ông, có thể nói, từng câu đều rớm máu, nhưng nó không làm cho người ta kinh hãi, người ta ngại, mà lại khiến người nghe, người đọc đắm say hơn, khao khát yêu khao khát sống hơn, nghịch lý là đấy mà sức vĩnh hằng của nó cũng ở đấy.

Thanh Tùng là nhà thơ có cuộc đời lận đận. Ông từng làm công nhân, công nhân quai búa thật sự ở Hải Phòng. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ “Nhà thơ áp tải” là viết về ông. Gặp ông, ngắm ông, nhìn ông gân guốc, tay to và đầy chai cũng hiểu ông đã phải lao động cơ bắp đến như thế nào. Nhưng là nhà thơ, lao động khổ mấy thì khổ, ông vẫn yêu thơ và yêu... người. Bài thơ tình bật máu “Thời hoa đỏ” ông viết là để vĩnh biệt một mối tình, nghe nói là đầy đau đớn và ngang trái, nhưng nó là tình yêu rút ruột, tình yêu quặn thắt, tình yêu tận hiến tận hưởng. Tất nhiên sau đấy nó được cộng hưởng bởi nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng nên sức lan tỏa càng rộng.

Ông lận đận sống, kể cả khi “Thời hoa đỏ” đã rất nổi tiếng, cho đến khi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống với con gái. Tết 1995, tôi được uống rượu cùng ông tại tư gia của nhà thơ Trương Nam Hương. Hôm ấy tôi nhớ, còn có các nhà thơ, nhạc sĩ Trần Mạnh Hảo, Hữu Xuân, Quang Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Vũ Tiềm và thầy giáo Thái Huy Lĩnh, một người rất mê các... nhà thơ. Ông đã đọc lại bài thơ này. Ban đầu đọc rất đúng phong cách công nhân, mà là công nhân Hải Phòng, ấy là to, rõ, mạch lạch, có đoạn như gào lên, như đua với sóng biển. Nhưng đến đoạn cuối, và khi ông quên, đọc lại từ đầu, thì ông khóc, khóc nức nở, nước mắt nhòe nhoẹt. Ký ức tình yêu, sự lay động của tình, của chữ, của những dồn nén, khiến ông, suốt bao nhiêu năm, bươn chải thế, sóng gió thế, xê dịch thế, gặp một lúc tĩnh tâm giữa TP. Hồ Chí Minh náo nhiệt, vẫn phải khóc, khóc ngon lành...

Sáng nay, nhà báo Hoài Hương từ TP. Hồ Chí Minh nhắn: “Nhà thơ Thời hoa đỏ mất rồi”. Tôi bàng hoàng dù biết ông cũng đã 83 tuổi, và mắc bệnh ung thư dạ dày hơn một năm nay. Nhà thơ Thanh Tùng sinh năm 1935 tại Nam Định, tên thật là Doãn Tùng. Linh cữu nhà thơ Thanh Tùng được quàn tại Nhà tang lễ TP. Hồ Chí Minh; lễ viếng bắt đầu từ lúc 10h sáng ngày 13/9; sau đó thi hài ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Những ngày này là đang cuối mùa phượng đỏ, một người bạn nhắn tôi như thế, ông đã chọn cuối mùa hoa đỏ để ra đi, tuy thế, dù đã “Bước lặng yên trên đường vắng năm nao”, ông vẫn “Anh của thời trai trẻ ngày xưa”.

Vĩnh biệt ông.

 

THỜI HOA ĐỎ

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như ngày tháng xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không có ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa

Bài, ảnh: VĂN CÔNG HÙNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Return to top