ClockThứ Năm, 02/10/2014 14:02

Mai một bản sắc

TTH - Việc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ‘‘tuýt còi” những con sư tử đá hung tợn nhe răng, giơ vuốt tràn lan trên thị trường mới đây một lần nữa nhói lên thực trạng mai một bản sắc.

Khi nói về các kỳ Festival Huế, có lẽ cái tạo nên dấu ấn, sự lan tỏa của những kỳ lễ hội này chính là dấu ấn của bản sắc. Bản sắc Huế được bao trùm trong bản sắc Việt, với ký tự lúa, nước, sen, Nhã nhạc, ca Trù, Quan họ… Kể cả lồng đèn bánh ú đặc trưng Huế.

Ông Nguyễn Duy Hiền - nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế từng lưu tâm về cái hay, cái đẹp của chiếc lồng đèn bánh ú ấy. Nó khác hẳn với lồng đèn Trung Quốc, lồng đèn Hội An. Và sự khác biệt ấy, trong hình dáng, màu sắc, chính là bản sắc văn hóa của một vùng đất, không lẫn đi đâu được, không thể hòa tan và được định vị.

Và thật ngạc nhiên khi có dịp đưa mấy người bạn phương xa về dự festival Huế mới đây, họ cứ tấm tắc hoài về những dây lồng đèn bánh ú lộng lẫy, tao nhã trang trí trên các sân khấu nghệ thuật, bởi vẻ đẹp mộc, lạ, riêng, không copy mà chung quy có thể gọi là bản sắc.

Cách đây chưa lâu, có dịp hỏi về cảm xúc khi đặt chân đến một khách sạn 5 sao vừa khai trương tại Huế, một du khách nước ngoài ngạc nhiên: Sao lại đặt nho Mỹ, cà phê Brazin trong một khách sạn ở Huế? Du khách đến Huế là muốn biết Huế có đặc sản gì. Bản sắc, đó chính là chìa khóa du lịch cho mỗi vùng đất chứ không phải là sự copy, bắt chước. Và nếu không có bản sắc, không tạo được bản sắc bản địa thì du khách sẽ nhàm chán. Chỉ riêng trong lĩnh vực hàng lưu niệm du lịch, trong khi Huế có gần 100 làng nghề, mỗi làng nghề là một bản sắc nhưng tại các cửa hàng lưu niệm ở Huế, phần lớn lại là sản phẩm của Trung Quốc. Chúng na ná nhau và không tạo được dấu ấn.

Không hiểu do thiếu tự tin hay thiếu định hướng tốt, yếu tố bản sắc thuần Việt đang dần mai một. Cùng với đó là tình trạng lai căng, từ sự du nhập văn hóa nước ngoài, phổ biến trong phong cách mặc, phong cách sống, trong cách nghĩ, trong thị hiếu của người dân mà trường hợp sản phẩm sư tử đá là một ví dụ.

Trong thế giới phẳng ngày ngay, cùng với sự hội nhập, phát triển, người ta đã đánh động đến tình trạng mất bản sắc. Ngỡ như đơn giản nhưng một khi bản sắc mất đi, văn hóa mất đi sẽ kéo theo sự biến mất của những chủ thể. Đó là khi những ngôi nhà gươl, nhà sàn, nhà rông mất đi, sẽ biến mất những lễ hội, những phong tục văn hóa bản địa đặc sắc ở vùng cao. Tương tự, khi các cô gái vùng cao không còn thích mặc váy áo địa phương, cũng đồng nghĩa với sự đánh mất nguồn gốc.

Trở lại vấn đề của những con sư tử đá lai căng vừa bị ngành văn hóa cấm lưu hành. Cấm là đúng, khi những sản phẩm văn hóa ấy bộc lộ sự phản cảm, không có yếu tố thẩm mỹ, mất thuần phong. Nhưng dư luận cũng cho rằng, vấn đề không chỉ đơn giản là cấm. Quan trọng hơn là sự trống hẳn tính định hướng trong phát triển sản phẩm văn hóa. Thả nổi cho người sản xuất. Thả nổi cho thị hiếu và thị trường. Thả nổi công tác truyền thông, giáo dục cho chính các cơ sở sản xuất, vốn ít nhận thức, thiếu hiểu biết một cách sâu xa về văn hóa, bản sắc văn hóa.

Chúng ta cũng nghe nói nhiều đến yếu tố văn hóa trong kinh tế. Tưởng như không liên quan nhau nhưng nếu một sản phẩm của mỗi địa phương, mỗi quốc gia xem nhẹ nguồn gốc văn hóa, yếu tố bản sắc thì sẽ khó cạnh tranh, tự đánh mất mình trong xu hướng hội nhập toàn cầu, vốn rất cần dấu ấn bản sắc để tồn tại, khẳng định vị trí.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top