ClockChủ Nhật, 15/05/2022 16:14

Mầm ác

Sáng mắtNơi gieo mầm hạnh phúcThong dong ngoài nội cỏ

Ông không là chính chủ phần lề đường trước cửa nhưng cũng chẳng ai tùy tiện nhảy vô cắm dùi, thế nhưng bà chủ quán nhậu gà nướng bên cạnh thẽ thọt ngọt nhạt thế nào mà vợ ông cho kê mấy cái bàn vào đó. Vậy là ông bất đắc dĩ nghe những chuyện trời ơi đất hỡi của 3 chàng hay đến nhậu ở đây.

Chẳng biết làm gì nhưng trông họ khá bảnh, chắc không phải dân lao động chân tay, cũng không giống lưu manh giả danh trí thức. Nổi bật là chàng đeo dây chuyền vàng hệt như dây xích, cái dây ấy được đỡ bởi cái cổ có ngấn nung núc, vẻ như hài hòa nhưng nhìn kỹ hóa ra dị dạng. Chàng thứ hai dáng thư sinh, tóc chẻ hai mái, bút dắt túi, áo đóng thùng, nếu thẻ nhân viên thủ kho đeo trên cổ không giấu sau làn áo thì giống đi họp hơn là đi nhậu. Cuối cùng là chàng mang kính trắng, mắt lờ đờ nhưng mồm mép như tép nhảy; khi kể chuyện, miệng trề ra rồi dẩu lại, mắt căng tròn rồi nhăn mặt, hai tay múa may phụ họa, ra sức lôi cuốn người nghe. Hạ hồi những chuyện ấy là cái tặc lưỡi thương thay chiếu lệ hoặc lai láng buồn chán giả vờ, nghe miết rồi cảm tưởng cả ba nhem nhuốc như bước ra từ những chuyện xám xịt mà họ hào hứng san sẻ cho nhau.  

Với ông, nghe loáng thoáng đã phát ngán. Mỗi khi thấy 3 chàng ngồi vào bàn trước cổng, gọi mồi kêu bia là ông bỏ vô nhà. Nhưng cũng chẳng thể tránh xa bởi từ nhà ra ngõ chỉ ba bước, thế là ông phải làm khán thính giả của mớ âm thanh như đấm vào tai. Khi 3 chàng xả lời phấn khích lại tích tụ khó chịu nơi ông, kẻ thả cửa nói cười lại khiến người lắc đầu, nhăn mặt. Khi hết chịu nổi, ông quay ra tự vấn, sao lại lẩn tránh? Ông chẳng thèm né nữa khi thấy 3 chàng đến nhậu, đúng hôm ông cắt tỉa mấy chậu kiểng trước sân.

Mào đầu, cậu kính trắng rút ra cái thiệp, lướt qua rồi nói giữa trời: “Chủ nhật này lại cơm bụi giá cao rồi”. Sau hai lượt cấp tập trăm phần trăm, cậu kể về cô gái lên xe hoa ngày mai bằng giọng cay độc: “Người ta làm đĩ chín cửa, chừa cửa để lấy chồng; con này chơi luôn cả mười mà vẫn chồng như ai, thế mới tài!”. Thấy hai “chiến hữu” mải mê phá mồi, cậu gây chú ý bằng tiếp tục bôi đen nhân vật, rằng cô này màu mỡ lắm, cô vừa bước lên cân sức khỏe là cân hốt hoảng: “Xin đừng cân hai người một lúc! Xin đừng cân hai người một lúc!”. Nếu cô ngủ mê đè phát chắc thằng chồng chết tươi.

Cũng theo người kể, cô này có bề dày bồ bịch từ thuở sinh viên. Cô ta mải chơi đến quên đời, khi giật mình thì suýt nhập kho đồ cổ, may mà lừa được chú lái xe cùng cơ quan. Gã kia đẹp như thiên thần giáng thế, nhưng sao dễ sập bẫy máy bay bà già đến vậy?

Cậu kính trắng kết thúc chuyện bằng câu hỏi lửng lơ, trề môi làm xấu như kịch sĩ trên sân khấu. Chàng mang thẻ nhân viên thủ kho chép miệng, tiếc cho trai đẹp: “Hay con kia có bùa mê thuốc lú?”. Cậu đeo vàng phỏng đoán theo hướng khác: “Có khi nó theo kế của Mã Giám Sinh?”. Chuyện kết thúc cũng là lúc 3 cái ly dốc ngược trăm phần trăm.

“Ai chai bao bán đê!”. Tiếng rao của bà mua phế liệu khiến ông dừng cắt tỉa cây, ngó ra đường. Thường thì tới đoạn này, bà kia đạp xe chậm lại hoặc dừng xe để chờ chủ quán gà nướng đem vỏ lon bia hay thùng các-tông ra, nhưng lần này chủ quán khoát tay. Người đàn bà rời đi cùng tiếng rao khàn khàn kéo dài trên con phố hẹp. Ông bất ngờ nghe chàng đeo vàng nói với theo người vừa đi khỏi: “Coi chừng mấy bà đồng nát đấy, ngó ngơ ngơ vậy chứ ăn cắp như ranh!”. Liền đó, chàng kể về vụ mất quần jeans, chậu giặt và cả sắt thép làm nhà, với thủ phạm là các bà mua phế liệu. Hai chàng kia, kẻ nhiệt tình gặm thịt gà, người thò đũa khuấy nồi lẩu cứ gật gù, vẻ thích thú.

Như sực nhớ, chàng thủ kho ném cục xương xuống nền nhà, vớ khăn quẹt miệng, góp chuyện. Chàng tự xử ly bia, như để bôi trơn cổ họng rồi hắng giọng, nhẩn nha kể về cô tạp vụ nhanh tay lẹ mắt ở công ty mình. Theo chàng, cô này mắt kèm nhèm như sắp đui, với công việc thì lờ đờ như trăn no mồi nhưng thấy của chùa là mắt sáng quắc và nhanh như lâm tặc. Từ quạt máy, ghế nhựa đến mô-tơ điện hay ấm chén của công ty, vào tay cô là sang tên đổi chủ tuốt. Công ty mất gì cứ đột nhập nhà cô là thấy ngay. Chàng bất ngờ lớn giọng hăm dọa mông lung: “Nếu tôi là giám đốc, mụ bị đuổi lâu rồi!”.

Người nghe chưa kịp tiêu hóa chuyện cô tạp vụ thì chàng thủ kho chuyển qua cậu bảo vệ cũng cùng công ty. Cậu này gác cổng mà áo quần lúc nào cũng phẳng phiu như ngồi hội nghị, giày bóng loáng đến kiến bò cũng trượt, người thì thơm như lọ nước hoa mở nắp. Chàng bảo, hôm công an đến bắt tay bảo vệ, ai cũng ngớ người, kẻ bị bắt thì giả ngơ ngác như nai con. Đồng nghiệp còn lo xa, lớ xớ công an phải xin lỗi rồi bồi thường danh dự vì tội bắt nhầm, giờ cải cách tư pháp rồi, đâu thể tùy tiện. Hôm công an dong tay bảo vệ về lấy hê-rô-in và thuốc lắc để ngay trong phòng trực của hắn, cả công ty kinh hoàng, hôm đó và nhiều hôm sau đó cứ như nhà có tang. “Đúng là chả tin thằng nào được”. Người kể kết thúc cùng cái lắc đầu chán nản, cứ như muốn truyền nỗi thất vọng cho người nghe.

Ông thấy lạ là chuyện u ám nhưng người nghe cộng hưởng với vẻ háo hức ngời ngời, lại phấn khởi đẩy nhanh tốc độ nâng ly. Sau mấy lượt dô dô cấp tập, chàng thủ kho kể về phó giám đốc công ty ngu hết phần thiên hạ nhưng đang lăm le ghế giám đốc; cậu kính trắng lại say sưa với tay chủ tịch giả đò liêm khiết, vừa về hưu đã thành địa chủ thời mở cửa, với nhà đất khắp nơi; chàng đeo vàng thì kể về cô đồng nghiệp phất nhanh nhờ “vốn tự có”.

Ông lẩn thẩn nghĩ, ai bảo đàn ông không nhiều chuyện thì lại đây mà nghe. Dắt cái kéo lên cây me, ông bước lại sát bờ rào; thoáng ngần ngại rồi nhìn cả bọn, lên tiếng: “Sao chỗ làm các cậu toàn người xấu thế?”. Cả ba giật mình, nhìn sững ông già bỗng dưng xỏ vô chuyện mình. Cậu kính trắng khinh khỉnh ngó lơ; chàng đeo vàng nhăn mặt; chàng thủ kho giả điếc, cắm đầu khuấy nồi lẩu đang sôi. Có lẽ vẻ điềm đạm của người già khiến ba người trẻ không dám đáp trả bất nhã, dù mặt phồng lên như bánh đa qua lửa.

Ông vẫn bình thản, can gián thẳng thừng: “Các cậu nhìn đâu cũng thấy xấu xa ác độc, coi chừng loạn thị mù màu đấy”. Cậu kính trắng chất vấn: “Người xấu việc xấu giăng ra đó, cụ không thấy sao?”. Đáp lại là cái lắc đầu cùng lời khẳng định: “Nhưng không chỉ có thế!”. Chàng thủ kho chống chế, chen vào trống không: “Chẳng lẽ phải né chuyện bất hảo?”. Ông không tranh luận, chỉ đứng nhìn, đôi mắt buồn nhíu lại.

Lâu sau, ông cất giọng từ tốn, rành rọt:“Say sưa tán dương điều xấu xa ác độc cũng có nghĩa cho nó mọc mầm trong lòng đấy”. Nói rồi ông quay lưng. Ba chàng ngớ người, nhìn theo rồi nhìn nhau. Uống vội chỗ bia còn lại trong ly, cả ba đứng lên góp tiền thanh toán, lẳng lặng ra xe, vù ga biến mất.

3 cậu lặn một hơi, không sủi tăm. Ông mừng khi không phải nghe thấy điều chướng tai gai mắt, nhưng áy náy bởi làm mất khách của quán gà nướng bên cạnh. Thời người khôn của khó, có được mấy khách ruột cứ phải chiều như chiều vong, đằng này...

Ông gặp bà chủ quán, rụt rè: “Sao 3 cậu khách quen vắng lâu nhỉ?”. Ông bất ngờ bởi bà chẳng nuối tiếc: “Bọn đó toàn đem đến chuyện tào lao, nghe phát mệt; lại lầy nhây như mọc rễ, biến luôn cho lành càng tốt”.

Cả hai nhìn nhau mỉm cười, như vừa trút được nỗi khó chịu.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Return to top