ClockThứ Ba, 09/09/2014 11:21

Mắm cua

TTH - Cách đây chừng mấy ngày đi chợ, định mua ít rạm về làm mắm ăn với bún. Cũng là để nhớ cái vị hồi xưa ở Hanh Công, Phù Cát, Bình Định. Chiều nay đọc bài của anh Đỗ Hữu Hóa “Nhớ mắm đam bà ngoại” làm mình nhớ đến mắm cua.

Hồi ở Hanh Công, hồi xưa nhỏ không biết, bây giờ nghĩ lại, đó là thời khốn khổ nhất. Năm bảy tuổi biết gì.

Theo đường bừa bắt cá, tiết tháng mười. Tiết tháng ba hay tháng tư chi đó là lúa Thần nông còn nhỏ đi chụp nom. Gọi là lúa mén. Cá nhỏ nhưng ngon. Riêng tên cá cũng lắm chuyện. Con cá lóc thôi cũng lắm chuyện. Cá nhỏ mới sinh có màu đỏ, quê mình gọi là cá rồng rồng (chuyện này cũng hay. Con cá lóc đẻ con là nó ham con ghê gớm, nó và con chết là vì vậy). Lớn lên một tí gọi là cá bụp. Lớn tí nữa gọi là cá cẩn. Lớn nữa mới có quyền gọi cá tràu. Thấy phức tạp chưa. Hay con cá rô. Khi nhỏ thì gọi cá rô. Lớn cỡ ba ngón tay gọi là cá rô mề. Cá rô và cá tràu đều ham nước mưa. Những trận mưa to, nước chảy nhiều, mình ra đồng ruộng sau nhà chú Bốn đắp bờ đặt nơm. Nơm đặt ngược. Cá cứ ngược dòng nước mà lên, gọi là cá mừng nước. Cá rô, cá cẩn lúc đó sao mà nhiều vô kể.
Những khi bình thường không lũ lụt thì lũ con nít tụi mình đi câu cắm, bắt cua. Cua đồng không phải dễ bắt đâu nhé. Đặc tính của nó thế nào không biết, hình như nó chỉ ăn quanh quẩn miệng hang. Hang cua đào ở nơi bờ ruộng. Cứ có động là nó bò vào hang. Vậy là phải móc hang cua. Tay trợt hết. Gặp hang nào có con cua lớn, càng màu đỏ, gọi là cua kình là khoái chí nhất. Có khi bị nó kẹp chảy máu tay.
Mắm cua nhà mình hay làm có hai loại. Một loại ăn liền và một loại để dành ăn dần. Loại ăn liền là bắt được cua về rửa sạch, bỏ vào cối giã nhuyễn. Lúc đó không có vải màn tuyn nên lấy rổ tre lọc lấy nước. Khử ít dầu phụng, rồi đổ nước cua đó vào đun sôi, nêm nếm. Trước khi bưng nồi mắm cua xuống thì thêm ít lá hẹ xắt nhỏ. Đơn giản thế thôi. Nước mắm cua còn nóng, cứ thế mà chan với bún. Ngoài kia tiết tháng mười trời mưa tầm tã. Ngồi dưới nhà bếp, cạnh bếp than ấm, ăn mắm cua với bún. Cái vị ấy nó đeo đẳng đến bây giờ.
Mắm cua để ăn dần cũng làm tương tự nhưng cho muối mặn hơn mắm cua ăn liền. Làm loại mắm này phải có nắng, nghĩa là không phải tiết tháng mười. Nước cua khi giã xong được cho vào chai, đem phơi nắng. Cỡ ba bốn nắng là ăn được. Mắm này có vị ngọt và chua.
Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top