ClockThứ Sáu, 17/01/2020 19:04

Mâm cúng Giao thừa nhắc nhớ giá trị truyền thống

TTH.VN - Mâm cúng Giao thừa là mâm cúng quan trọng với người dân Huế trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trải qua biết bao thăng trầm và những thay đổi của cuộc sống hiện đại, ngày nay mâm cúng Giao thừa ở Huế tuy không còn đặt nặng lễ nghi nhưng vẫn được xem là một trong những lễ cúng mà mỗi gia đình thể hiện tấm lòng thành, tôn kính với đất trời, hiếu kính với ông bà tổ tiên.

Trang nghiêm mâm cúng Giao thừa của người dân Huế

Đứng giữa mâm cúng trang trọng được đặt ngoài trời, ngay chính diện sân nhà vào đêm Giao thừa mới hiểu được giá trị truyền thống thiêng liêng mà cha ông đã gìn giữ qua bao đời. Khi kim đồng hồ chỉ đúng thời khắc Giao thừa, ngoài phố những tiếng reo hò vui tươi của người trẻ đón pháo hoa ngập tràn sắc màu cũng là lúc những người lớn trong mỗi gia đình thành tâm cầu khấn chia tay một năm cũ, chào đón năm mới vạn sự bình an.

Theo quan niệm dân gian của người Huế xưa, Giao thừa là thời khắc bàn giao công việc của các vị thần hành khiển, phụ trách quản lý thời gian của mỗi gia đình. Vì thế, vào thời khắc này người Huế chuẩn bị mâm cúng để cảm ơn các vị thần hành khiển cũ sau một năm cai quản, phù hộ cho gia đình và đồng thời chào đón những vị thần hành khiển mới đến tiếp nhận nhiệm vụ.

Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, nhưng mâm cúng Giao thừa ấy gần như không khác nhau là mấy. Trong mâm cúng ấy không thể thiếu gà luộc, bánh tét cùng với hương trầm, cau trầu, bánh kẹo, mứt cùng với những món ăn trong ngày tết tùy theo gia chủ. Và rượu trắng là thứ không thể thiếu bởi quan niệm dân gian “vô tửu bất thành lễ”.

“Vật phẩm tùy gia đình ít nhiều có thể khác nhau, nhưng trên hết là tấm lòng của gia chủ với đất trời, ông bà tổ tiên” – ông Lê Văn Ba, một người dân sống ở đường Lê Thánh Tôn, bên trong Thành nội tâm sự về lễ cúng Giao thừa. Đúng như thế, từng chứng kiến lễ cúng Giao thừa còn giữ nguyên vẹn các lễ nghi, đậm chất truyền thống ở gia đình ông Ba mới hiểu được sự trang nghiêm, và lòng thành của gia chủ. Ngay từ chiều, khi mọi việc cơ bản hoàn tất, các thành viên trong gia đình tranh thủ đưa bàn ra đặt ở ngay chính diện sân, trước khi chuẩn bị các vật phẩm để đưa ra cúng.

Gần đến khoảnh khắc Giao thừa, các vật phẩm được bày biện bài bản, chỉnh chu, cũng là lúc ông Ba trang nghiêm trong bộ áo dài, khăn đóng cùng tất cả các con cháu trong gia đình nghiêm nghị bên mâm lễ, chuẩn bị thắp hương. Khi ông Ba khấn vái xong, lần lượt các thành viên thay nhau thực hiện nghi lễ. Quanh các nhà hàng xóm, một không khí như thế đã tạo nên khung cảnh đẹp, giữa thời khắc đất trời giao thoa. Ai ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp cho mọi người với ước nguyện đơn giản sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết, mâm cúng Giao thừa người Huế xưa thường có đủ ba bàn: thượng, trung, hạ. Bàn thượng gồm các món chay tịnh như hoa quả, xôi chè. Bàn trung có các món chay cùng món mặn có thể là đầu heo hoặc gà và xôi chè. Bàn hạ là bàn cúng một tập thể phụ tá các thần nên cũng là mâm mặn với những món ăn tùy theo gia chủ và bộ lễ vật áo binh, cháo, gạo, muối… Ngày nay, tuy người dân Huế thay đổi quan niệm tín ngưỡng, họ vẫn duy trì lễ cúng này nhằm thể hiện một tâm ý tốt đẹp, cầu mong một năm mới hạnh phúc, bình an.

Theo ông Vinh, mâm cúng Giao thừa dù có thay đổi, song lòng thành kính của gia chủ vẫn vẹn nguyên. Cuộc sống hiện đại, không còn nặng hình thức mâm cao lễ đầy, mâm cúng bây giờ có thể đơn giản, miễn là thành kính với đất trời để cầu năm mới bình an.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

Dù thời tiết trời mưa phùn và lạnh nhưng rất nhiều người dân xứ Huế đã tìm đến các ngồi chùa vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để lễ Phật, cầu một năm mới may mắn bình an, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới
Gặp những người lao động thầm lặng trong thời khắc Giao thừa

Lúc mọi người quây quần trong thời khắc chuyển giao sang năm mới thì bước chân của những công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) vẫn lặng thầm trên từng tuyến phố, ngõ xóm để thu gom, vận chuyển rác thải để Huế sạch đẹp đón năm mới an vui…

Gặp những người lao động thầm lặng trong thời khắc Giao thừa
Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang

Từ 20h30 - 24h tối 9/2 (30 tháng Chạp), đông đảo người dân Hương Thủy và du khách thập phương đã tập trung về điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh) để thưởng lãm chương trình nghệ thuật chào năm mới - Xuân Giáp Thìn 2024 kết hợp bắn pháo hoa tầm thấp đón Giao thừa do TX. Hương Thủy tổ chức.

Đặc sắc chương trình chào Xuân mới Giáp Thìn ở Hương Thủy, Quảng Điền và Phú Vang
Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ Quý Mão sang năm mới Giáp Thìn 2024, màn pháo hoa tầm cao được bắn lên trên bầu trời ngay Kỳ đài, phía trước Ngọ Môn trong tiếng reo vui, chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân

TIN MỚI

Return to top