ClockChủ Nhật, 04/07/2021 11:37

Mầm thiện lành độ lượng

Quê xa hóa gầnDân vận khéo trong hoạt động ngân hàngTrong tiếng đại ngàn

Đao ngồi bất động trên chiếc xe lăn, mắt đăm đăm nhìn về khoảng đất trống trước nhà. Trên mảnh sân rêu lún phún xanh và lối cổng cỏ mọc um tùm. Nếu không có bà Bảy và những bài kinh chú thì nơi đây chẳng khác gì căn nhà hoang, u ám. Hôm nay, bà Bảy giúp Đao bày ra trước sân một mâm cúng chay. Đọc xong thần chú vãng sanh cầu nguyện Đức Phật, bà đứng dậy vỗ nhẹ xuống đôi vai chỉ toàn da bọc xương của Đao, thủ thỉ: “Vào nhà thôi con, sương lạnh lắm”.

Đêm nào Đao cũng cố ru mình chìm vào giấc ngủ. Cậu mong giấc mơ sẽ đưa mình trở về thời thơ ấu. Khi ấy căn nhà này còn tràn ngập tiếng cười dẫu bữa no, bữa đói. Mùa rét, mẹ mở chiếc hòm đạn lấy quần áo ấm ra. Mùi gián hôi xì xộc vào cánh mũi, nhưng đứa nào cũng háo hức khi gặp lại những chiếc áo len cũ của mình. Bãi đất trống trước nhà mẹ căng một dây phơi dài. Buổi sáng mấy anh em ngồi trên hè chờ nắng liếm dần vào những ngón chân lạnh ngắt, mắt ngó dây phơi.

Chị Nụ hay dúi vào tay Đao những hòn bi ve trong vắt thủ thỉ bảo “mắt của trời”. Anh Cả lúi húi gọi những con cun cút ẩn mình dưới cát. “Cun cút ơi lên đây tao cho hớp rượu”. Ngoài cổng, bố say ngoắc cần câu, chân nam đá chân chiêu, miệng gọi “mấy đứa đâu rồi?”. Sáng nào bố cũng đi mổ lợn thuê về. Quà cho lũ con đói hau hau là khúc lòng dồi vẫn còn nóng hổi. Tụi Đao vừa ăn, vừa nghe bố chửi mẹ. Mẹ không nói gì, chỉ lặng lẽ vun những luống rau xanh ngắt.

Một hôm, mẹ mang về cây hoa dẻ trồng xuống mảnh đất trước nhà. Đến mùa hè, những bông hoa vàng ươm tỏa hương thơm dìu dịu. Vào ngày rằm, mồng một là mẹ hái đĩa hoa dẻ đặt lên bàn thờ thắp hương các cụ. Nhà tuy nghèo nhưng lúc nào cũng thấy có hoa. Hoa dọc hai bên cổng, hoa mọc trong chiếc ấm sứt quai, cái vại sành bố đập vỡ sau một cơn say bí tỉ. Đao vẫn nhớ tường nhà đắp bằng đất trộn rơm. Giữa vết nứt toang hoác ở chân tường mẹ trồng vào một cây cối xay vàng. Bố không thích hoa. Mỗi lần nhìn ra trước sân nhà bố thường bảo “đã rách nát lại còn hoa hoét”. Lần nào đi uống rượu về bố cũng gầm ghè dọa chặt cây hoa dẻ. Thế rồi, có lần bố chặt thật, quẳng ra giữa sân bảo “bao giờ khô thì con Nụ mang vào đun bếp”. Cây dẻ không chết, sau mỗi lần bố chặt là nó lại bật chồi tươi tốt ngạo nghễ đơm bông. Sống với bố, mẹ không khóc, chỉ buồn.

Mẹ đi qua bốn lần sinh nở, đứa nào cũng đẻ rơi ở giữa đồng. Ba anh chị đều khỏe mạnh bình thường, chỉ có Đao sinh ra đã bị tật nguyền. Đao là cái gai trong mắt bố. Lúc còn sống, bà nội hay chì chiết mẹ “chỉ vì cô sinh ra một đứa người chẳng ra người nên con trai tôi mới sinh ra rượu chè như thế”. Có lần bố dằn mạnh chai rượu xuống mâm cơm, chỉ thẳng vào mặt mẹ mà chửi “kiếp trước cô ăn ở thế nào mà kiếp này sinh ra nó hả?”. Mẹ càng thương Đao hơn.

Từ lúc mẹ còn sống, bãi đất trống trước nhà đã được quây lại làm nơi giết mổ bò. Đêm nào, Đao cũng phải nghe tiếng những chú bò tội nghiệp rống lên thảm thiết. Tiếng bò con gọi mẹ. Suốt nhiều năm về sau cứ mỗi lần nhắm mắt lại trong đầu Đao lại hiện ra hình ảnh bố cầm búa đập vào đầu trâu bò. Mùi máu tanh nồng lợm giọng. Đã có lúc, Đao nghĩ chắc tại mẹ không thể chịu được tiếng kêu rống mỗi đêm nên ôm đầu mà chết. Lần này, cây hoa dẻ chết thật mà không phải vì vết dao sắc lẹm. Cây chết vì đêm nào bố cũng đổ máu vào gốc nó. Mùi máu át mùi hoa. Màu máu át màu hoa.

Kể từ ngày nhà mổ trâu bò là anh Cả, anh Triều cũng bắt đầu uống rượu. Lúc đầu chỉ uống chút ít cho ấm người giữa đêm sương lạnh. Sau quen mồm uống mãi thành nghiện lúc nào không biết. Rượu vào lời ra, cãi nhau om tỏi. Những lúc ấy Đao càng nhớ mẹ hơn.

***

Mấy chục năm trước, bố mẹ Đao dắt díu nhau về đây khai hoang,nơi này còn là mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi không ai thèm ở. Hồi ấy chỉ có con đường mòn chạy qua trước nhà. Thỉnh thoảng mới thấy có bóng người đi qua, thường là cụ già bán hàng rong trên chiếc xe đạp cũ. Mẹ mong mãi mới có người đến làm hàng xóm. Đất nhà xéo, lúc phân chia ranh giới hàng rào bố chẳng đắn đo gì đã cầm cuốc chỉnh cho vuông vắn. Phần đất thừa cả trăm mét vuông chia cho nhà hàng xóm. Sau này xã đo đạc lại làm sổ đỏ, đất nhà mình nghiễm nhiên thành đất của người ta. Chẳng ai nghĩ có một ngày đường lớn mở ra, đất đai trở nên có giá trị. Phần đất thừa năm xưa hàng xóm mang bán được hai trăm triệu đồng đút túi. Nhìn người ta ăn sung mặc sướng từ mảnh đất của mình bố Đao tức nghẹn.

Rồi cái tin dự án đường cao tốc sẽ chạy qua làng khiến bao người nhấp nhổm. Anh cả bảo:

- Nghe nói họ đền bù cao lắm. Đất rộng như nhà mình có khi cả tỷ.

- Thế thì anh em mình sắp đổi đời rồi. Có tiền em sẽ thay cái xe máy cũ, nó ngốn nhiều xăng đến phát điên - Triều than.

- Tao mà có tiền sẽ xây cái nhà thật to. Mấy chục năm ở chật chội mãi chán lắm rồi.

Bố vứt cái dao xuống sân bảo:

- Đất đai là của tao. Tao còn chưa sốt sắng mà chúng mày cứ nhắng hết lên.

Đao ngồi trong bóng đêm nghe những lời sinh sự cục cằn khô như sỏi đá. Nếu còn sống, giờ này mẹ đang nằm thủ thỉ với Đao. Mẹ kể chuyện đẻ rơi mấy anh em Đao ở giữa luống cày, cả cơ thể lấm lem toàn đất. Mẹ không bao giờ bỏ đất hoang. Mẹ nói người ta yêu những bông hoa một phần cũng vì nó mọc lên từ đất. Nhưng mẹ không còn sống để thấy đất còn có thể thổi bùng lên tham vọng khiến con người ta mất hết tính người. Mấy anh em nhà Đao cầm dao cuốc tranh nhau từng mét đất. Trên mảnh đất mẹ từng trồng những luống hoa đã có người nằm xuống. Cuối cùng đường cao tốc không chạy qua mảnh đất nhà Đao. Ai đó chép miệng than “cơn sốt ảo nhưng mạng người thì thật”.

Mấy anh chị em cũng vì đất mà người còn người mất. Những vết thương khiến máu mủ ruột rà từ mặt lẫn nhau. Bố vì buồn chán mà uống rượu nhiều hơn. Trong một cơn say ông bị ngã xuống chiếc hồ đầu làng mà không ai biết. Đao còn một mình trên mảnh đất được phân chia chừa lại. Vì thương Đao, bà Bảy hàng xóm thường ghé đến chăm nom. Bà đã đi sang phía bên kia con dốc của cuộc đời. Nghiệm ra thứ tài sản mình để lại nhân gian chẳng phải là tiền bạc, đất đai. Chỉ có tình người dành cho nhau là quý hơn tất cả. Hôm nghe Đao bày tỏ ý muốn lúc chết sẽ hiến toàn bộ chỗ đất còn lại cho ngôi trường cấp 2 ở kế bên, bà Bảy rơi nước mắt. Gặp ai trong làng bà cũng kể “nó đâu chỉ hiến đất. Thằng nhỏ xem ti vi thấy người ta hiến tạng còn đang đòi tôi dẫn đi đăng ký. Nó như hòn ngọc ẩn giữa cuộc đời đầy sỏi đá này”.

Bà Bảy nói “để chợ phiên lần này mua lấy gói hạt giống hoa mang về rắc lên mảnh đất trống trước nhà”. Bà tin rằng đất sẽ bao dung cho những nỗi đau mà con người gây ra. Đất sẽ lại chắt chiu yêu thương nuôi mùa lá, mùa hoa. Đất vẫn sẽ hiền hòa như chưa từng vấy máu. Bầy chim sẻ cắp từng hạt kinh chú bay đi. Chúng gieo vào nhân gian mầm thiện lành độ lượng…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top