ClockThứ Ba, 22/09/2015 07:10

Mang Trung thu đến trẻ em nghèo

TTH.VN - Nhằm đem một Trung thu ý nghĩa cho trẻ em nghèo ở Đập Góc (Đầm Sam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang), những thành viên Đội Công tác xã hội Trường đại học Kinh tế - ĐH Huế (Đội CTXH) đang đẩy mạnh các hoạt động gây quỹ, chuẩn bị đem đến cho gần 60 em nhỏ nơi đây một ngày lễ nhiều niềm vui.

Quyết tâm vì trẻ em nghèo

Chúng tôi gặp các thành viên Đội CTXH Trường đại học Kinh tế khi họ đang tiến hành những hoạt động bán hàng gây quỹ, tạo kinh phí tổ chức chương trình trung thu cho các em nhỏ hoàn cảnh. Giữa tiết trời khi cơn bão số 3 đang hoành hành, họ vẫn tận dụng những buổi học chính trị tập trung đông sinh viên, đặt bàn phía trước lớp học để bán vé số, nước uống và móc khoá.

Các thành viên Đội CTXH giới thiệu chương trình bán vé số, móc khóa gây quỹ tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo
Giải lao tiết học, những lời mời, giới thiệu chương trình lại vang lên kèm theo câu chuyện cảm động về những đứa trẻ vùng đầm phá theo cha mẹ lên đò mưu sinh. Chính thái độ nhiệt tình của những tình nguyện viên đã được lấy sự đồng cảm của những sinh viên trong trường.
Phạm Hữu Thi, Đội trưởng Đội CTXH cho biết, hoạt động bán hàng gây quỹ bắt đầu từ ngày 10/9. Sau khi xin phép Đoàn trường và Hội sinh viên, đội đã tiến hành in 2.000 vé số bán trong nội bộ trường, mỗi vé có giá 3.000 đồng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động bán nước uống, móc khoá có hình lô gô Trường ĐH Kinh tế. Hữu Thi phấn khởi: “Hoạt động của chúng em có nhiều thuận lợi bởi giá cả những mặt hàng bán gây quỹ không cao, hơn nữa đây lại là hoạt động mang tính chất thiện nguyện nên được nhiều bạn trong trường ủng hộ”.
Ngày nhất trí tổ chức Trung thu cho trẻ em ở Đập Góc (Đầm Sam), gần 100 thành viên của đội vô cùng phấn khởi, niềm hy vọng khỏa lấp câu chuyện thiếu thốn tết Trung thu ở mảnh đất nghèo dấy lên, họ nhanh chóng chia thành 4 nhóm để bán hàng theo chỉ tiêu được đội phân công.
Hễ có thời gian rảnh, các bạn lại tập trung đến điểm bán hàng gây quỹ để làm nhiệm vụ chung. Thông qua quan hệ bạn bè và truyền thông trên mạng xã hội Facebook, lượng khách hàng ủng hộ đội ngày càng đông, chủ yếu là các sinh viên trong trường.
Điểm đặc biệt của hoạt động này là tất cả các thành viên của đội tiên phong mua hàng ủng hộ, vừa tạo được nguồn thu, vừa tạo uy tín cho những sinh viên trong trường yên tâm. Bùi Vũ Quang Bảo, sinh viên K48C Kiểm Toán tâm sự: “Đây là chương trình trung thu thứ 2 em cùng các thành viên chuẩn bị và chất chứa trong lòng khá nhiều cảm xúc. Trong thâm tâm, sự nghèo khó và những ngày tháng cơ cực của những đứa trẻ nhỏ như một ám ảnh, vì thế chúng em đang nổ lực hết sức với mong muốn càng tạo ra một Trung thu ý nghĩa cho các em nhỏ”.
Món quà nhỏ chứa đựng tình cảm lớn
Ngày về Đập Góc, nơi người dân gồng gánh đưa nhau lên bờ định cư đã 30 năm trước nỗi lo bão lớn (1985), những thành viên Đội CTXH mới thấy được khó khăn khi những đứa trẻ phải theo cha mẹ lên đò mưu sinh và cái tết trung thu đầy đủ dường như vẫn còn xa xỉ. Không phân vân việc chọn địa điểm nữa, những sinh viên có tâm thiện nguyện này bắt đầu lên kế hoạch cho một buổi lễ phá cỗ, rước đèn ông sao. Hữu Thi tâm sự, mỗi chương trình đều được đội chia ra đi nhiều nơi khảo sát, mục đích để chọn một địa điểm tổ chức trung thu hợp lý, nơi đó phải thoả mãn điều kiện: không có câu lạc bộ, đội nhóm hay cơ quan nào đăng ký tổ chức trung thu nhưng các em nhỏ lại háo hức đến một ngày tết có chị Hằng chú Cuội.
Ngày tết Trung thu cũng là ngày lễ để động viên các em vươn lên trong cuộc sống, nên chương trình tổ chức phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, Đội CTXH chia thành 3 ban: ban văn nghệ và truyền thông, ban hoạt động, hậu cần, đảm nhận những công việc cụ thể. Vừa tập luyện múa lân, văn nghệ, nghĩ ra những trò chơi gắn kết vui nhộn, họ cũng cố gắng làm những món quà thủ công để tiết kiệm chi phí.
Đội trưởng Đội CTXH Phạm Hữu Thi khẳng định: “Là sinh viên, tụi em không mang đến cho các em nhỏ món quà lớn nhưng quyết tâm đem lại món quà tinh thần ý nghĩa để các em thấy mình cũng có một mùa Trung thu đáng nhớ. Do vậy, các tình nguyện viên nhắc nhở nhau không tập luyện sơ sài, phải có đầu tư nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.
Thầy Trần Văn Hòa, giáo viên ở lớp học tình thương ở Đập Góc thổ lộ: “Nghe có Đội Công tác xã hội về tổ chức Trung thu mà bản thân tôi và các em rất mừng. Điều kiện ở đây khó khăn nhưng năm nay, các em sẽ có cái tết Trung thu như mong muốn nên ai cũng phấn khởi”.
Sau những ngày tháng vừa học tập vừa tranh thủ chuẩn bị chương trình trung thu, niềm tin về một bữa tiệc tinh thần đã tràn ngập trong tim những bạn trẻ. Một tình nguyện viên của Đội CTXH trải lòng, đến Đập Góc không chỉ là nhiệm vụ của đội mà đó còn sự hòa quyện niềm vui của những sinh viên tình nguyện và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023. Sau hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn nhanh về các kết quả này, cũng như những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Cải cách thể chế, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm

TIN MỚI

Return to top