ClockThứ Sáu, 25/09/2015 08:25

Mang Trung thu yêu thương đến trẻ em nghèo

TTH - Để có thể mang đến cho trẻ em nghèo một mùa Trung thu tràn đầy tình yêu thương, rất nhiều sinh viên của Đại học Huế đang tích cực tổ chức các hoạt động vô cùng ý nghĩa.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế bán bánh trung thu để có tiền mua quà tặng trẻ em nghèo xã Đông Sơn, A Lưới

Mong nhìn thấy những nụ cười

Trong căn phòng trọ tại một con hẻm đường Nguyễn Khuyến, gần 30 sinh viên của Đội công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Huế say sưa hoàn thành những chiếc đèn ông sao và mũ giấy xinh xắn để dành tặng trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Hoà và phường An Tây. Gần một tháng nay, các thành viên của đội đã tỉ mỉ với từng công đoạn, như vót tre, tạo khung, dán giấy bóng màu và trang trí để tạo nên 100 chiếc lồng đèn Trung thu và 100 chiếc mũ thật đẹp để tặng các em trong đêm hội trăng rằm.
Như Quỳnh, sinh viên lớp Báo chí K37, đang làm lồng đèn hào hứng: “Chúng em tranh thủ làm lồng đèn vào các ngày nghỉ. Các bạn rất hứng thú với công việc nhỏ nhưng ý nghĩa này. Em rất mong ngày Trung thu đến thật nhanh để có thể nhìn thấy nụ cười của các em khi nhận những món quà trung thu do tự tay chúng em làm!”.
Thành viên Đội Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Huế tự tay làm lồng đèn tặng trẻ em nghèo
Nguyễn Công Sáng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên, Đội trưởng Đội Công tác xã hội Trường đại học Khoa học Huế cho biết, Đêm hội trăng rằm là một hoạt động truyền thống và là 1 trong 3 chương trình lớn của đội trong năm. Trung thu năm nay, Đội công tác xã hội sẽ tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm vào tối 26 và 27/9 tại Trung tâm bảo trợ trẻ em An Hoà và phường An Tây với những tiết mục văn nghệ, múa lân, mâm cỗ Trung thu và nhiều trò chơi thú vị. Các thành viên của đội cũng sẽ phát đèn ông sao, mũ và bánh kẹo cho hơn 100 em nhỏ tại đây. “Mọi năm, các thành viên của đội đi quyên tiền để mua quà nhưng năm nay, tự tay các bạn làm đèn ông sao và mũ để tặng cho các em. Chương trình Đêm hội trăng rằm được chúng em tổ chức để khích lệ, động viên các em có hoàn cảnh không may mắn, tạo không khí ấm áp và giúp các em có thêm niềm vui trong những ngày lễ trung thu”, Sáng nói.
Xuất phát từ trái tim
Gần một tháng nay tại đường Đội Cung xuất hiện một quầy bánh Trung thu nho nhỏ với tấm biển dễ thương: Trung thu 2015 - Chung tay vì trẻ em nghèo xã Đông Sơn, A Lưới. Người bán hàng cũng rất đặc biệt, đó là các bạn sinh viên tình nguyện của Trường đại học Sư phạm Huế.
“Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, chúng em đều đứng bán từ sáng đến tối, Bảo Nhi, sinh viên lớp Văn 2D, cho biết: Các bạn chia làm 3 ca, bán từ 8h sáng đến 20h30’ mới nghỉ. Đây là năm đầu tiên em tham gia hoạt động này. Sinh viên chưa bao giờ kiếm tiền nên khi đi bán bánh như vậy mới thấy được là kiếm tiền không dễ chút nào. Số tiền lời từ bán bánh sẽ được dùng để mua quà cho trẻ em nghèo, vì vậy càng quý và ý nghĩa. Em rất háo hức chờ đến ngày được trao tận tay những món quà Trung thu cho trẻ em nghèo ở Đông Sơn”. Kim Thanh, sinh viên lớp Văn 2B chia sẻ: “Lần đầu tiên bán bánh Trung thu nhưng em không ngại mà thấy rất vui. Em tham gia chương trình để có thể giúp đỡ các em ở vùng sâu vùng xa, nơi mà những chiếc bánh, phần quà Trung thu dẫu bình thường đối với nhiều trẻ em thành phố nhưng với các em ấy lại là một niềm vui lớn! Trong thời gian bán bánh Trung thu, em được trải nghiệm và học hỏi thêm cho mình các kỹ năng mềm trong cuộc sống”.
Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế cho biết, Thu yêu thương là chương trình truyền thống của Trường đại học Sư phạm Huế từ năm 2009. Năm nào gần đến dịp Trung thu, Đoàn và Hội sinh viên trường cũng tổ chức những nhóm bán bánh Trung thu, làm lồng đèn, chuẩn bị những tiết mục văn nghệ,... để dành tặng các trẻ em nghèo của huyện Nam Đông, A Lưới. Điểm khác so với mọi năm là sẽ có 2 đội, 1 đội do các câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc Đoàn trường tổ chức đêm hội Trung thu cho các em ở xã Hương Hữu, Nam Đông và một đội của Hội Sinh viên trường tổ chức đêm hội cho các em ở xã Đông Sơn, A Lưới. Tổng cộng sẽ có khoảng 350 suất quà, mỗi suất 100.000 đồng được trao cho 350 em. Một điểm mới nữa là năm nay số lượng sinh viên đăng ký tham gia chương trình nhiều hơn so với mọi năm - 140 sinh viên. “Các bạn rất có ý thức và tự nguyện tham gia chương trình. Điều này cho thấy, tính lan toả của phong trào tình nguyện trong sinh viên nhà trường. Các bạn sinh viên một khi đã tham gia hoạt động tình nguyện, đã từng đi, từng chứng kiến, từng san sẻ với nhiều cảnh đời khó khăn thì tinh thần tình nguyện và hướng thiện đã “thấm” vào người các bạn, vì thế các bạn tham gia xuất phát từ trái tim”, ThS.Trương Thế Quy, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Sư phạm Huế - người đi đầu và luôn hết lòng với hoạt động tình nguyện của trường khẳng định. 
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top