ClockThứ Hai, 30/05/2022 15:37

Mảnh giấy nhỏ, ý nghĩa lớn

Mảnh giấy nhỏ thế này, nhưng giúp ích cho người bệnh thật nhiều

Tôi có chút bệnh lý về mắt, đeo viện chữa chạy đến nay đã gần năm rồi. Muốn bệnh không diễn tiến phức tạp hoặc nặng thêm, tôi phải tái khám thường xuyên hàng tháng. Mỗi lần đi rất “lận đận”, nhưng con mắt là “cửa sổ tâm hồn”, không đùa được. “Lận đận” cũng phải ráng mà đeo.

Một vài bác sĩ là chỗ thân quen thấy tôi quá vất vả đã nhiều lần "rỉ tai" khuyên đi Hà Nội hay Sài Gòn. Họ bảo ở đó kỹ thuật cao, tay nghề tốt, nhiều khả năng chỉ chữa một lần là dứt điểm. Lại cũng có bà chị họ là chuyên gia đầu ngành đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, nên thú thật tôi cũng nhiều lần đã định dợm bước. Nhưng rồi ngẫm lại, thấy khám ở Huế đây mà lúc nào cũng “người đông như hội”, nộp hồ sơ vào-ra, rồi chạy từ chỗ này sang chỗ khác cho hoàn tất thủ tục, nếu chưa quen, không thạo nhiều khi còn đến khốn khổ.

Người thì đông, nhân viên làm thủ tục thì ngồi sau tấm kính, nói cái này, nói cái kia đôi lúc không nghe, phải… đoán. Có hỏi lại, gặp lúc vui thì được họ bày vẽ cho, lúc không vui và nhiều việc nữa thì cứ thinh thỉnh rất đáng quan ngại. Người bệnh, người nhà bệnh nhân khi đó hoặc chỉ đứng nghệch ra, hoặc tùy nghi mò mẫm. Ở tỉnh còn vậy, huống hồ ra Thủ đô, bệnh cả nước tìm về thì còn… chết. Nghĩ vậy nên thôi.

Đợt vừa rồi xui xẻo, căn bệnh trở chứng, phải nhập viện. Tại đơn vị điều trị, nghe bác này nói thế này, bác kia bảo thế khác. Búi quá, tôi phone cho bà chị họ để hỏi ý kiến. Nghe trình bày và xem qua các xét nghiệm tôi gửi, chị bảo không được chần chừ, muốn không... đui thì ra ngay Hà Nội với chị. Ớn quá, y lệnh ngay thôi. Cửa sổ tâm hồn, không thể đùa được.

Tìm đường đến Bệnh viện Mắt Trung ương, quy trình thủ tục cũng tương tự trong Huế. Nhưng không như những ngán ngại mà tôi vẫn tưởng tượng, làm thủ tục vào viện, đi khám, rồi làm thủ tục thanh toán, nhận thuốc, nhận lại bảo hiểm y tế…, cảm thấy rất thoải mái. Điều mà tôi lo sợ nhất là mình lạ nước lạ cái, giọng miền Trung âm sắc “trọ trẹ”, giao tiếp đôi lúc còn khó khăn, thì việc hỏi này hỏi khác chắc là nhiêu khê lắm. Nhưng không, ngoài việc hướng dẫn chậm rãi, hồ sơ khi đưa ra còn được ghim cho mảnh giấy nhỏ, ghi rõ ràng từng bước cần làm: (Bước) 1 đi đâu, làm gì; 2:…; 3:… Mình cứ việc nhìn đó mà theo, phòng nào tìm không ra thì hỏi, bất cứ chị lao công hay anh bảo vệ, ai cũng vui vẻ, thân thiện, nhiệt tình. Chỉ chừng ấy thôi, bệnh của mình như cũng nhẹ bớt đôi phần.

Trở lại Huế, cái mảnh giấy nhỏ hướng dẫn của Bệnh viện Mắt Trung ương cứ làm tôi nghĩ mãi. Chỉ một mảnh giấy cỏn con, chả tốn kém, chả mất công mấy, nhưng nó lại cực kỳ ý nghĩa, cực kỳ nhân văn đối với người bệnh. Đó là việc làm mà thiển nghĩ, các cơ sở khám, chữa bệnh rất nên học tập để giảm bớt sự mệt mỏi, âu lo và lúng túng của “khách hàng”; nhất là đối với những người đến từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hay những người mới lần đầu ốm đau phải đến bệnh viện.

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

Chiều 10/4, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Return to top