ClockThứ Tư, 19/02/2014 13:58

Mạnh tay với hàng nhái, hàng giả

TTH - Hàng nhái, hàng giả được lén lút tung ra thị trường làm tổn hại đạo đức xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, đẩy mạnh phòng chống tội phạm làm hàng nhái, hàng giả được lực lượng công an đặc biệt quan tâm.

Làm bột giặt giả bán khuyến mại tại hội chợ

Cảnh sát kinh tế phá chuyên án làm giả bột ngọt

Năm 2013, lực lượng công an phát hiện 262 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tăng 107 vụ so với năm 2012. Trong đó, điều tra xử lý hành chính 261 vụ, khởi tố 1 vụ với 6 bị can về tội vận chuyển buôn bán hàng cấm là thuốc lá Zét, chuyển kho bạc Nhà nước thu nộp ngân sách gần 1,3 tỷ đồng, chuyển các cơ quan chức năng xử lý hàng hóa trị giá gần 2,6 tỷ đồng.

Đầu năm mới Giáp Ngọ, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (sau đây gọi là Cảnh sát kinh tế) Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, bắt giam Đặng Văn Nguyên (26 tuổi, trú tổ 3, phường Thủy Phương, TX Hương Thủy) – chủ cơ sở sản xuất bột giặt OMO giả và tự pha chế nhiều loại sữa tắm nhái nhãn mác với số lượng rất lớn. Qua đấu tranh được biết, lợi dụng việc Đà Nẵng chuẩn bị tổ chức hội chợ, Nguyên chuẩn bị một lượng lớn bột giặt OMO giả để đưa vào tiêu thụ. Theo suy nghĩ của Nguyên, tại hội chợ nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn nên dự định sẽ “tung” chiêu giảm giá, tặng sản phẩm kèm theo khi mua bột giặt OMO. Tuy nhiên, kế hoạch của Nguyên bất thành khi lực lượng chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bất ngờ ập vào kiểm tra, thu giữ 77 bao bột giặt OMO giả, trọng lượng hơn 1,5 tấn; 30 kg bột giặt Đức Giang; 94 chai sữa tắm các nhãn hiệu: Rose Love, White Care và White Melly, 30 chai nước xả Soft Right, 4 can nhựa có chứa chất lỏng màu trắng đục với tổng khối lượng hơn 130 kg, hàng chục bao bì bột giặt OMO, các vỏ bao bột giặt Đức Giang và vỏ chai nhựa các loại sữa tắm.

 
Đặng Văn Nguyên khai nhận, mua bột giặt Đức Giang với giá 13 triệu đồng /tấn trên thị trường, sau đó đặt mua 600 vỏ bao nhãn hiệu bột giặt OMO giả loại 3 kg của một người tại tỉnh Ninh Bình rồi cho bột giặt Đức Giang vào dùng máy đóng gói và bán ra thị trường với giá 123 nghìn đồng/ một bao 3kg để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, để bán chạy hàng Nguyên dùng chiêu trò giảm giá từ 123 nghìn đồng/bao 3kg ghi trên nhãn mác xuống còn 100 nghìn/bao, kèm theo hàng khuyến mãi là các loại sữa tắm giả nhãn hiệu nổi tiếng Rose Love, White Care, White Melly, nước xả Soft Right. Các loại sữa tắm này do Nguyên tự sản xuất bằng cách pha chế các loại hóa chất... Được biết, trước đó, sản phẩm của cơ sở này sản xuất nhiều lần được Nguyên đưa lên tiêu thụ ở các vùng cao như: Nam Đông, A Lưới hay đưa về bán ở các chợ quê.
Giả nhãn mác thương hiệu bột ngọt nổi tiếng
 
Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Huế đánh sập đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ bột ngọt giả lớn nhất từ trước tới nay. Các đối tượng này dùng bột ngọt Trung Quốc đóng gói vào bao bì các nhãn hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường và thu lợi bất chính. Qua đó, thu hồi hàng chục nghìn gói bột ngọt, bao bì và các công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, bước đầu làm rõ Trần Thị Mỹ Hương (43 tuổi, trú tại 2/14/96 đường Đặng Thái Thân, TP Huế, nghề nghiệp buôn bán chợ Đông Ba) là người trực tiếp cung cấp số bột ngọt có nguồn gốc của Trung Quốc và các bao bì làm giả nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd … cho Lê Quý H. (63 tuổi, trú đường Phan Đình Phùng, TP Huế), Lê Thị L. (38 tuổi, trú Ngô Đức Kế, TP Huế), Nguyễn Thị Ánh M. (30 tuổi, trú đường Tạ Quang Bửu, TP Huế) để thực hiện hành vi sản xuất hàng giả. Trong chuyên án này, Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 800kg bột ngọt các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt Trung Quốc loại 25kg, 2 cân dĩa, 2 máy ép bao ni lông.
 
Theo lời khai của các đối tượng và tài liệu điều tra, sau hơn 3 tháng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, số đối tượng này sản xuất 7-8 tấn bột ngọt và trung bình mỗi ngày tiêu thụ ra thị trường gần 200kg. Địa bàn tiêu thụ ở TP Huế, các huyện, thị xã của Thừa Thiên Huế và các huyện thuộc tỉnh Quảng Trị. Một số đối tượng còn có thủ đoạn đưa hàng giả lên cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) sau đó nhập trở lại địa bàn TP Huế và các huyện lân cận để đánh lừa khách hàng, nhất là bột ngọt mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd. Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi, ảnh hưởng rất lớn sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo Thượng tá Mai Văn Toàn, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh, các loại nhãn mác giả được các đối tượng thực hiện khá tinh vi, tương tự như thật nên rất khó phân biệt. Mặt khác, hiện nay các loại hàng giả này thường được các đối tượng đưa đi tiêu thụ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa để tránh sự phát hiện của người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Những hoạt động gian lận thường gặp như thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa, giao hàng hóa vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ; trưng bày một lượng nhỏ hàng mẫu giới thiệu khách hàng tại quầy còn hàng lậu, hàng cấm được cất giấu ở nhà, ở kho xa địa điểm kinh doanh; luôn theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng để tránh kiểm tra, kiểm soát… Theo một số chuyên gia, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng làm giống hàng thật và ngày càng tinh vi nên thường khó phát hiện. Hơn nữa nạn hàng giả, hàng nhái luôn thay đổi theo hàng thật để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chống hàng giả, không thể thiếu vai trò của người tiêu dùng. Hãy là người tiêu dùng thông thái để lựa chọn các cửa hàng tốt và đáng tin cậy nhất để mua.
Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Return to top