ClockThứ Tư, 05/05/2021 15:17

“Masterchef” của nhà mình

TTH - Một bữa cơm ngon cho gia đình, ai cũng có thể làm được. Đàn ông, con trai Huế, hãy vào bếp và chứng tỏ mình cũng là một Master Chef (vua đầu bếp) “lừng danh” của gia đình.

Hôm ấy thật là vui, mọi người xung quanh và các em học sinh cười rất thoải mái khi thấy bác Chủ tịch UBND tỉnh nếm thử chiếc bánh nếp khoai tía một cách ngon lành. Bác ấy cũng cười vui như đứa trẻ vậy. Ấy là một buổi sáng thứ hai đầu tuần ở Trường THPT Hai Bà Trưng, bác Chủ tịch tỉnh đến dự lễ khai trương căn bếp thực hành giảng dạy gia chánh ở trường trong Chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh và phát triển văn hóa ẩm thực Huế được triển khai thí điểm tại Trường THPT Hai Bà Trưng từ tháng 4 năm 2021.

Nói về chuyện nữ công gia chánh ở Huế, ngoài căn bếp truyền thống trong mỗi gia đình, trước đây Huế có hai sự kiện đặc biệt làm mở rộng nội dung của khái niệm này, rằng chuyện nữ công gia chánh không chỉ là dạy làm bánh, nấu ăn mà còn là trang bị những kiến thức nhằm nâng cao vị thế của người phụ nữ, giúp người phụ nữ tự tin về mình, sẵn sàng bước ra với thế giới bên ngoài, “bằng vai phải lứa” với phụ nữ khắp nơi, không phải e dè vì mình là người Huế hay là người Việt Nam.

Sự kiện đầu tiên đó là năm 1919 Trường Đồng Khánh ra đời (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng). Nữ sinh Trường Đồng Khánh ngoài việc học văn hóa còn được học nữ công gia chánh gồm các môn: may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt, học cách nuôi con, cách quản lý gia đình. Đặc biệt, nữ sinh Đồng Khánh còn được học cách giao tiếp, rèn luyện phong cách người con gái có học thức, giản dị, trang nhã và những kiến thức cơ bản về y tế, có thể sơ cứu y tế trong những tình huống khẩn cấp. Đây là những kiến thức vô cùng cần thiết giúp nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ.

Sự kiện thứ hai là năm 1926 thành lập Nữ Công Học hội do bà Đạm Phương Nữ sử làm Hội trưởng. Nữ Công Học hội ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong giáo dục nữ công ở Huế, đề cao vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội như lời bà Đạm Phương Nữ sử :“Nữ công chẳng những giúp cho đàn bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế và thứ nữa là cái mầm mống của sự công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này...”.

Rõ ràng, khái niệm nữ công đã được mở rộng về ý nghĩa và nội dung rất nhiều. Nữ công ở đây phải hiểu rằng đó là một kỹ năng mềm rất đặc biệt để giúp phụ nữ sống tự chủ, tự tin trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Huế có nhiều giá trị đã được định hình và trở thành thương hiệu, một trong những di sản có giá trị đó là ẩm thực. Đề án xây dựng “Huế - Kinh đô ẩm thực” chính là dựa trên những lợi thế mà Huế đang có để giữ gìn và phát huy giá trị ẩm thực Huế trong cuộc sống mới, trong phát triển kinh tế. Chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh và phát triển văn hóa ẩm thực Huế tại Trường THPT Hai Bà Trưng đã chính thức đưa cả nam sinh vào bếp. Nam sinh Huế đã vào bếp, đàn ông Huế đã vào bếp, đó là một sự thay đổi tích cực và phù hợp với xu thế thời đại. Trước đây, như là một sự mặc định ngầm trong mỗi gia đình người Huế, rằng cái bếp là của đàn bà, con gái, đàn ông làm việc lớn (như là đọc sách, ngâm thơ...), cho nên không có chuyện đàn ông Huế vào bếp. Thậm chí, nếu con trai Huế mà mê chuyện bếp núc còn bị bà hay mạ (mẹ) cấm đoán. Thế giới hôm nay đã rất bình đẳng trong công việc làm, từ lâu, căn bếp không còn là mảnh đất “độc quyền” của nữ giới. Với Huế, đưa kỹ năng gia chánh vào học đường, nhìn từ phía những người mẹ trẻ, những người vợ, họ rất vui mừng, từ nay đàn ông Huế, con trai Huế có thể chia sẻ việc nhà, việc nấu nướng với những người phụ nữ trong gia đình. Và đó cũng là một cách để đàn ông Huế, con trai Huế bày tỏ yêu thương.

Cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, đôi khi con người lại mơ ước đến những điều tưởng như là bình thường nhất, như là được ăn một bữa cơm nhà, được quây quần trong căn bếp nhà mình, được nếm những món ăn bà hay mạ nấu, và bây giờ thế hệ của những cô, cậu học trò hôm nay sẽ có thêm những ký ức về những bữa cơm do ba hay anh trai, em trai mình nấu.

“Có khi cá thịt có khi rau,

Nấu nướng chiên xào phải đủ màu,

Trong sạch là gương, tùy mặn lạt

Dẻo dai cơm chín chủ làm đầu”.

Một bữa cơm ngon cho gia đình, ai cũng có thể làm được. Đàn ông, con trai Huế, hãy vào bếp và chứng tỏ mình cũng là một Master Chef (vua đầu bếp) “lừng danh” của gia đình.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp Huế trên biển Nha Trang

Nha Trang ngày về...”, bao giờ đến Nha Trang tôi cũng có cảm giác như đang trở về nơi chốn quen thuộc...

Gặp Huế trên biển Nha Trang
Miên man tháng Sáu

Mấy hôm nay những bức ảnh chụp hoa phượng vỹ trong thành phố cũng làm chị xôn xao. Chị không dám thổ lộ lòng mình với nhóm bạn cà phê sáng...

Miên man tháng Sáu
Cánh diều giữa ngọ

Hôm nay trời Huế mưa nhẹ, đứa cháu nhỏ hỏi thơ ngây “Trời mưa ri diều có ướt hết không bà trẻ?”

Cánh diều giữa ngọ
Mùa này biển động

Thuận An đằm đẹ, có vẻ như chú đã quá quen với khung lịch thời vụ nghề của mình rồi.

Mùa này biển động

TIN MỚI

Return to top