ClockThứ Bảy, 12/09/2015 07:47

Mắt ấm

TTH - Réhahn Croquevielle – nhiếp ảnh gia Pháp, người đã thực hiện rất nhiều triển lãm ảnh ở Việt Nam sau những hành trình rong ruổi trên khắp dải đất hình chữ S đã đặt tên cho một trong những bộ sưu tập của ông là “Những nụ cười ẩn giấu”. Tôi thích cách mà ông gọi. Thích những khuôn mặt được đặc tả bằng ống kính ở nhiều lứa tuổi, đa phần là người già, người có tuổi. Khi dừng lại trong những khuôn hình đó, người ta đọc được thời gian, thân phận, nỗi vất vả, sự nhẫn nại…nhưng tất cả đã được hóa giải đi, và nhẹ tênh bằng những nụ cười đằng sau đôi bàn tay dãi dầu. Tôi cũng đã tự hỏi, đó có phải là phong thái đã được hình thành từ thói quen, khi trông thấy những nụ cười dễ thương và trong trẻo trên những gương mặt trẻ thơ ở những bức hình khác của Réhahn Croquevielle?

Nụ cười này, gương mặt này, đôi bàn tay này…tất cả đều gần gũi đến mức như là người mà ta vừa gặp lại. Đó là cảm giác của tôi khi đứng trước những chân dung được “ký họa” bởi Réhahn Croquevielle. Tôi nhớ những đôi tay nhuộm màu chàm mà mình nhìn thấy khi ngược Quốc lộ 32 về phía Mù Cang Chải. Những đôi tay nhăn nheo. Những đôi tay gầy khô. Những đôi tay chừng mực. Những đôi tay mềm mại và cả những đôi tay thật mềm của mấy bé gái. Những đôi tay màu vàng màu nâu màu tím…Có lẽ đó cũng là một thói quen gần như đã được mặc định sẵn dành cho những người đã, đang và sẽ là phụ nữ ở vùng núi cao. Nhớ cách túm vào nhau và cười e thẹn của mấy phụ nữ người H mông ở La Pán Tẩn khi khách lạ hỏi thăm và bảo trông các chị hay thế. Nhớ khi ngoái lại nhìn, vẫn thấy các chị ngó theo, dáng chênh vênh nơi mái hiên trĩu trịt những ngô là ngô đều tắp vàng khô.

Ngồi một lúc thật lâu trước những bức ảnh của Réhahn Croquevielle, tôi mới nhận ra rằng, thật ra, cái làm mình thấy gần và quen chính là cái nhìn ấm áp nơi những đôi mắt nâu. Không phải là màu hạt dẻ. Chỉ là cái nâu hiền, gần gụi lắm như đã theo hoài trong những ngày tháng đã qua. Có lẽ, đó cũng là sự trùng hợp ở những bức ảnh được giới thiệu một cách ngẫu nhiên thôi, vì nó cũng chỉ là một ít trong số những đại diện của hàng trăm bức mà nhiếp ảnh gia người Pháp đã ghi lại. Những đôi mắt mà tôi bắt gặp đã chẳng hề giống như những miêu tả đã đọc ngày còn thơ bé, với những đen tròn lay láy mà lại nâu, dịu lắm và cũng có vẻ gì đó ngóng trông nơi những miền đất xa xôi.
Đã một năm tròn kể từ ngày tôi đến, rồi chia tay với Mù Cang Chải. Huế cũng đang vào mùa ương nắng. Mùa hè đã bắt đầu lặn vào trong cái vàng mơ của thanh trà chín. Nắng, nếu bạn đang chạy xe trên đường và chịu khó nhìn phía trên cao, sẽ thấy có màu sương khói lúc ban sớm và cả khi chiều về. Và tôi lại lại nghĩ về cái nhìn hiền và cả sự lặng lẽ, chịu đựng mà da diết trong cái nhìn nâu…
Nhi Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top