ClockThứ Tư, 15/02/2017 12:14

Mất đất vì “bút sa”

TTH - Nguyên đơn cho rằng bị đơn đã chuyển nhượng đất, nhưng vẫn chiếm dụng bất hợp pháp. Bị đơn thừa nhận tự nguyện viết giấy chuyển nhượng, nhưng thực chất chỉ là để “thế chấp” vay tiền của nguyên đơn, không ngờ lại bị nguyên đơn “âm thầm” sang tên đổi chủ lúc nào chẳng biết…

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn: Năm 1996 bị đơn (trú tại thị xã Hương Trà) vay mượn của nguyên đơn 2 triệu đồng. Không có khả năng trả nợ nên bị đơn làm thủ tục chuyển nhượng 200 m2 đất ở thị xã Hương Trà cho nguyên đơn (năm 2009, UBND huyện Hương Trà ký xác nhận việc chuyển nhượng này). Đến năm 2014, UBND thị xã Hương Trà đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trên cho nguyên đơn. Vậy nhưng, do bị đơn vẫn chiếm dụng bất hợp pháp thửa đất từ đó đến nay, nên nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu tòa buộc bị đơn phải giao thửa đất trên cho bà.

Bị đơn trình bày: Ông có vay của nguyên đơn 2 triệu đồng. Trước đó, năm 1994, ông có thế chấp vay ngân hàng 10 triệu đồng. Đến hạn trả nợ, ông không thanh toán được khoản vay nên nhờ nguyên đơn đến ngân hàng trả nợ thay (10 triệu đồng) và lấy giấy CNQSDĐ của ông về cất giữ, coi đó là giấy tờ “cầm nợ” của mình với nguyên đơn.

Sau nhiều lần đòi nợ nhưng bị đơn không trả được, nguyên đơn thông báo nếu bị đơn không trả nợ, bà sẽ bán nhà của bị đơn. Năm 1997, nguyên đơn yêu cầu bị đơn lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà và được chính quyền xác nhận. Cũng trong năm này, bị đơn vào Nam làm ăn. Hơn 2 năm sau, bị đơn trở về quê làm gạch. Nguyên đơn buộc ông phải trả 1 triệu đồng cho mỗi lần ra lò gạch. Bị đơn đã trả 12,5 triệu đồng và toàn bộ số gạch xây tầng 2 nhà nguyên đơn đang ở (trong lúc số tiền gốc bị đơn nợ nguyên đơn tổng cộng là 12 triệu đồng).

Sau đó, nguyên đơn thông báo nếu bị đơn không trả nợ, thì bà sẽ sang tên đổi chủ giấy CNQSDĐ của ông. Đến năm 2007, do cần 150 triệu đồng, tiền phẫu thuật chữa trị vết thương vì tai nạn, bị đơn đến gặp nguyên đơn lấy lại giấy CNQSDĐ để mang đi thế chấp vay tiền. Nguyên đơn yêu cầu ông phải đưa 30 triệu đồng, bà mới trả lại giấy CNQSDĐ. Nhưng bị đơn chỉ vay mượn bạn bè, người thân được 20 triệu đồng. Nguyên đơn không đồng ý nên không trả giấy tờ cho bị đơn. Theo bị đơn, việc nguyên đơn sang tên thửa đất của ông là bất hợp pháp.

Bản án cấp sơ thẩm nhận định, do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị đơn và nguyên đơn được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, đúng pháp luật. Không có việc nguyên đơn tự ý chuyển nhượng đất của bị đơn bất hợp pháp. Do đó, tòa buộc bị đơn phải trả lại thửa đất trên cho nguyên đơn.

Bị đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm (TAND tỉnh). Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử hỏi bị đơn: “Ông có làm hợp đồng chuyển nhượng đất cho nguyên đơn không?”. Bị đơn: “Dạ có. Hồi đó bà nói tui làm chi thì tui làm nấy. Lúc đó tui cần tiền nên bà nói làm chi, tui đều làm theo, để bà đưa tui tiền đi làm ăn”. Người dự khán xì xào, người xưa đúc kết đâu có sai: “bút sa gà chết”.

Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn cho rằng, hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất giữa bị đơn và nguyên đơn, xét về thực chất không phải nhằm mục đích mua bán, mà chỉ nhằm hợp thức hóa việc chiếm giữ giấy CNQSDĐ của nguyên đơn và ràng buộc trách nhiệm trả nợ của bị đơn. Theo hợp đồng mua bán, giá trị chuyển nhượng thửa đất là 30 triệu đồng. Nhưng thực tế bị đơn không nhận 30 triệu theo hợp đồng, ông cũng không giao nhà đất cho nguyên đơn như hợp đồng đã ký. Nguyên đơn cũng không yêu cầu giao nhà đất, không quản lý sử dụng nhà đất đã được chuyển nhượng. Bị đơn vẫn quản lý, sử dụng và làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước cho đến năm 2014. Luật sư cho rằng, không có việc mua bán, sang nhượng nhà đất. Đó chỉ là mánh khóe của những người cho vay “bẫy” con nợ. Tuy nhiên, sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa, hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, buộc ông phải giao đất cho nguyên đơn.

Từ vụ việc nêu trên có thể thấy, mỗi người dân cần hết sức thận trọng trong giao dịch dân sự, vay mượn, chuyển nhượng…tài sản. Các giao dịch và việc thực hiện phải đúng mục đích và tuân thủ theo quy định của pháp luật, để tránh những hậu quả không mong muốn mỗi khi “sa bút …”.

Phan Hoàng Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mệt mỏi từ những cuộc gọi mời vay tiền

Bức xúc, khó chịu, đến mệt mỏi, đó là tâm lý chung của nhiều người khi trong thời gian vừa qua liên tục bị những cuộc gọi, tin nhắn cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, hấp dẫn làm phiền. Đã từ chối, thậm chí là chặn số, thế nhưng tần suất các cuộc gọi đó lại càng tăng.

Mệt mỏi từ những cuộc gọi mời vay tiền
Cách vay tiền ngân hàng hoặc công ty tổ chức tài chính hiệu quả nhất

Vay tiền ngân hàng hoặc từ các tổ chức tài chính là một trong những phương pháp cứu cánh hiệu quả nhất cho những ai đang gặp vấn đề khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, trước khi gõ cửa ngân hàng hoặc công ty tài chính thì người tiêu dùng cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định vay tiêu dùng tín chấp (không cần thế chấp) qua các công ty tài chính và ngân hàng để đảm bảo an toàn.

Cách vay tiền ngân hàng hoặc công ty tổ chức tài chính hiệu quả nhất
Bút sa...

N. chuyển nhượng nhà đất cho B. B. bán nhà này cho người khác. N. “giãy nãy” cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho B. chỉ là “giả cách” (tức giả tạo), nhà vẫn là nhà của mình...

Bút sa
Return to top