ClockThứ Hai, 07/03/2016 20:13
LAO VÀO VÒNG XOÁY KINH DOANH ĐA CẤP:

Mất thật vì lãi khủng nhưng ảo

TTH - Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa phanh phui về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của tập đoàn kinh doanh đa cấp Liên Kết Việt là hồi chuông cảnh tỉnh một bộ phận người dân “không làm gì cả” mà có lợi nhuận “khủng”. Tại Huế tuy chưa có sự hiện diện của Liên Kết Việt nhưng hàng chục công ty “na ná” như thế đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ “tan cửa nát nhà” của hàng ngàn người.

Đánh vào lòng tham

Bà Th. (trú TP Huế) cho biết, giữa năm 2015, bà được một người tìm đến tự xưng là người của Công ty TNHH Đầu tư- thương mại và dịch vụ T. T.(Công ty T. T.) có trụ sở tại Hà Nội, đã được Sở KH- ĐT Hà Nội cấp giấy phép đầu tư; có giấy đăng ký hoạt động văn phòng đại diện do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH- ĐT tỉnh cấp. Qua giới thiệu, bà Th. biết được Công ty T. T. đang huy động vốn để xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, nghỉ dưỡng… với gần 60 hạng mục và số vốn huy động hàng ngàn tỷ đồng. Người này đã “vẽ” ra một viễn cảnh rất tươi sáng bằng “Thỏa thuận hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày” cùng catalo giới thiệu hàng chục công trình nhà hàng, khách sạn, khu nghĩ dưỡng cao cấp. Theo đó, nếu một ai đó đóng vào 5 triệu đồng sẽ được công nhận là nhà đầu tư. Sau khi kết thúc hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày, người hợp tác sẽ được chia lợi nhuận theo tỉ lệ: mức 25 triệu đồng được chia lợi nhuận 3%; mức 50 triệu đồng được chia lợi nhuận 5%; mức đầu tư 100 triệu đồng được chia lợi nhuận 7%.

Năm 2015 Công ty kinh doanh đa cấp BBG huy động sàn vàng toàn quốc để lừa đảo đã bị cơ quan công an triệt phá.

Theo lũy kế nói trên, nếu người hợp tác đóng 100 triệu đồng, ngoài phần trả hoa hồng ban đầu thì mỗi ngày sẽ lãi 300.000 đồng, mỗi tháng 9 triệu đồng, 12 tháng được 108 triệu đồng và sau 3 năm người đó sẽ nhận được… 324 triệu đồng. Một con số lãi “khủng” mà có năm mơ nhiều người cũng không nghỉ tới. Tin lời, bà Th. đã tham gia và trực tiếp đóng vào 1 trong 3 số tài khoản ghi trên hợp đồng với hơn 150 triệu đồng với mong muốn đổi đời. Chưa hết, bà Th. còn huy động hơn 60 người thân, bạn bè cùng tham gia với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo một cán bộ điều tra, chỉ tính riêng ở Huế, Công ty T. T. đã huy động được khoảng 1.000 người tham gia với số tiền nhiều tỉ đồng. Mặc dầu công ty này kinh doanh đa cấp nhưng lại không mua bán hàng mà chỉ… huy động vốn. Thời gian sau Tết Bính Thân, bà Th. thấy nghi ngờ liền liên lạc với người đại diện công ty để xin rút tiền lại thì đại diện công ty nại nhiều lý do để khất hứa. Bây giờ, bà Th. rất lo lắng với khoảng tiền hơn 150 triệu đồng của mình đã lỡ đóng vào công ty.

Chưa hết, khoảng tháng 2/2016 đến nay, trên địa bàn TP Huế xuất hiện một một công ty tương tự (xin được giấu tên). Công ty này có rất nhiều chi nhánh trên toàn quốc, mặc dầu chưa có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Huế. Nhưng cũng với phương thức huy động vốn đa cấp nói trên, sau thời gian ngắn đã lôi kéo khoảng 60 người tham gia với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Theo cơ quan công an, tổng số tiền của công ty này mà cơ quan điều tra nắm được trên toàn quốc vào khoảng 6 tỷ đồng.   

Dừng ngay khi chưa muộn

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh khẳng định, không có ngành nghề nào tự nhiên “không làm gì cả” mà có lợi nhuận “khủng” như những công ty huy động vốn theo hình thức đa cấp như nói trên. Điển hình là Bộ Công an vừa phá chuyên án của Công ty đa cấp Liên Kết Việt với số tiền huy động khoảng 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 người. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo hình thức này vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở với nhiều chiêu thức huy động đa cấp theo tín dụng, huy động tiền, vàng, theo giá trị mua hàng hóa, chăm sóc sức khỏe… Và thị trường ở Huế cũng không ngoại lệ. Với tính chất trong thời gian ngắn có thể xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, lôi kéo được số đông nhanh chóng, các công ty làm ăn bất chính đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền giá trị lớn. Tình trạng biến tướng của mô hình kinh doanh đa cấp đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hệ lụy. 

Hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận “khủng” của Công ty T. T.

Đại tá Nguyễn Văn Minh cho rằng, những công ty mà quảng cáo chỉ bỏ tiền một lần rồi hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng, hưởng mãi mãi là những loại hình kinh doanh mang tính chất lừa đảo. Phương thức thuyết phục của các công ty huy động vốn đa cấp về lý thuyết có vẻ có lý, vẽ ra cho người chơi lợi ích tưởng chừng rất rõ ràng. Do vậy những người đầu tư thường rất dễ bị thuyết phục, trong khi với người biết phân tích thì câu chuyện này nghe rất hoang đường. Thực chất, qua một số vụ việc nổi lên trong thời gian qua dễ dàng nhận thấy, các công ty này chẳng đầu tư kinh doanh gì, chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước. Vòng quay này tiếp tục đến khi không thể chiêu dụ thêm người hoặc chủ công ty ôm tiền bỏ trốn. Khi đó phần thiệt hại sẽ rơi vào những nhà đầu tư, đặc biệt những người tham gia sau.

Theo nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh không phải là mua bán hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thế nhưng, tình trạng biến tướng kêu gọi đầu tư tài chính, mô hình giống Công ty Liên Kết Việt gần đây hoặc các công ty nói trên lại rất phổ biến và đây cũng là hình thức để lại hậu quả nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 DN bán hàng đa cấp (BHĐC), trong đó 3 DN có thông báo hoạt động và đăng ký địa điểm hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cấp phép BHĐC. Sở tiếp nhận 5 đơn thư tố cáo liên quan đến việc kinh doanh BHĐC và buộc các công ty trả lại cho khách hàng với tổng số tiền 86,8 triệu đồng; các trường hợp khác hiện đang tiếp tục điều tra xử lý. Thời gian tới, Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động BHĐC nhằm hạn chế tối đa điều kiện để các chủ thể vi phạm tiếp xúc, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động BHĐC bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính, bán hàng đa cấp khi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, nếu người dân nào bị các đối tượng BHĐC lợi dụng, lừa đảo thì sớm gửi đơn tố cáo tới Chi cục QLTT hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh để các cơ quan chức năng có bằng chứng và triển khai công tác điều tra xử lý.”

Sở Công thương vừa ban hành các quy định, trong đó yêu cầu các DN BHĐC trên cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cấp, phải gửi thông báo cho Sở để tiện theo dõi quản lý. Ngoài ra, trong trường hợp các DN BHĐC muốn tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo trên địa bàn tỉnh phải thông báo cho Sở nếu các hoạt động đó liên quan đến hoạt động BHĐC của DN, thông tin về DN, quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng của DN…

THÁI BÌNH -THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế
Số hóa trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến phát triển kinh tế số đang được ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu triển khai mang lại hiệu quả nhất định, thiết thực.

Số hóa trong nông nghiệp
Return to top