ClockThứ Ba, 06/07/2010 14:00

Mắt thuyền

TTH - Cũng là trong cách nghĩ thôi, một cách rất văn chương thuần tuý, ấy là những đốm sáng trên biển đêm như những con mắt của biển. Lầm lụi. Khó nhọc. Hân hoan. Chịu đựng. Ngoại trừ những trái tim vô cảm, hoặc đã bị làm quên bởi những lo âu khác, hân hoan khác, những chuỗi mắt biển trong đêm như thế thường mang đến sự lay động đa chiều. Đa phần là cái đẹp.
Tôi cũng thường nghĩ thế. Rất thuần tuý. Nhưng hôm nay thì khác. Những con mắt giữa lòng đại dương trên Heritage của Nguyễn Phước Bảo Đàn đã làm tôi biết khác và hiểu khác về những con mắt biển. Không phải là những mắt biển trong đêm mà là những con mắt thuyền.
 

Đợi chờ - ảnh minh họa từ internet
 
Tôi không nghĩ đến một cái gì ghê gớm tựa như khát vọng chinh phục mà chỉ nghĩ đến sự soi sáng, một sự dẫn lối. Trên con đường sinh nhai, người dân các làng chài Việt đã cùng chung quan niệm rằng, thuyền cũng là một sinh vật dưới biển nên phải có mắt để thấy được đường đi và tránh nguy hiểm, để đưa con người đến những ngư trường đầy cá, để làm cá mập sợ như nhìn thấy một kẻ thù to hơn mình. Tất cả những điều ấy như một mong ước lắm, một khát khao lắm mà cũng rưng rưng lắm khi con người đặt rất nhiều kỳ vọng vào thuyền. Thì biển cả mênh mông nhường kia, vô tận nhường kia, dịu dàng chở che nhường kia nhưng cũng đầy thịnh nộ và bất trắc nhường kia. Cũng có lẽ vì thế mà kể từ khi mang thêm đôi mắt, thuyền cũng là thân phận…
 
Ảnh từ internet
 
Đậu ở phía trước mui thuyền – theo người đi biển , đó là nơi thần biển ngự trị - những con mắt thuyền ở mỗi vùng đất cũng mang cách thức khác nhau. Chỉ là dáng hình của mắt thuyền mà có thể hình dung được phong cách, lối sống, bản ngã …của con người của cả một vùng đất. Có lẽ định cư ở dải đất hẹp, nơi núi như nhoài ra biển và đất cát khô cằn, nơi cỏ biển cũng chịu đựng cái âm ỉ của nắng, của mưa để sinh tồn… nên ngư dân miền Trung chắc chắn không có cách nào khác hơn là tìm cách lao ra phía trước và len lỏi vào muôn trùng khơi để tồn tại, như một cách chọn cho mình phương thức sống.
 
Tôi cứ hình dung những con thuyền mỏng manh xoay xở giữa sóng và giữa gió để mang cuộc sống về từ biển. Nếu nói về một dấu ấn ngư trường thì những con mắt thuyền hình như là một sự biểu đạt. Có lẽ vì thế chăng mà mắt thuyền của người miền Trung thường dài và hơi cong vát? Miền nam Trung Bộ và Nam Bộ thì vô tư và thoải mái trong cái dáng thoải ra ở con mắt thuyền tựa như hình bầu dục và ghe thuyền ở các vùng Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Giang mang những đôi mắt hình tròn hồn nhiên ...?
 
 

Ảnh từ internet
 
 
Ngay cả trong cách chọn màu, cách thể hiện con ngươi của mắt thuyền ở mỗi vùng đất cũng khác nhau. Trong khi người miền Trung sơn con ngươi màu đen trên nhãn cầu màu trắng thì ngư dân miền nam Trung Bộ và miền Nam cũng chọn màu đen và màu trắng cho con ngươi nhưng đặt chúng trên nền đỏ. Ngư dân vùng tây Nam Bộ lại sơn con ngươi của mắt thuyền trên nền đỏ hoặc xanh. Khi tiếp nhận những thông tin này, tôi nghĩ đến tính hiền - dữ của từng vùng biển, về tiềm năng hải sản và năng lực khai thác của mỗi vùng biển được biểu đạt trên đó như những ký tự. Sau đó nữa là cách dụng màu trên những sắc thái văn hóa bản địa khác nhau ở mỗi vùng đất - một biểu hiện của tín ngưỡng. Chẳng phải kiếm sống trên biển cũng là một kiểu dấn thân và ngư dân các miền biển đã gửi gắm vào đó tất cả niềm tin và mong mỏi của mình? Đó hẳn nhiên cũng là một nơi chốn để họ neo vào khi cùng thuyền xăm mình vào mênh mông và sâu thẳm biển khơi...
 
Trong Những con mắt giữa lòng đại dương có những chi tiết thú vị và logíc. Như mắt thuyền đánh cá thường nhìn xuống biển để tìm kiếm ngư trường, mắt thuyền buôn thường nhìn thẳng về phía trước để quan sát những thị trường mà nó hướng đến để tiêu thụ hàng hóa. Một chi tiết thú vị khác, những chiếc ghe đi lộng ( đánh bắt ven bờ) thường không vẽ mắt trên cấu trúc nan mê...
 
 

Ảnh từ internet
 
Điều sau cùng này, hình như tôi đã nhìn thấy trong một đêm ướt át trên biển Cửa Tùng, khi chiếc thuyền của hai cha con người đánh cá mờ nâu một màu trong đêm, về cái dáng cắm cúi gỡ những con cá trích ánh lên màu sáng trắng trên mắt lưới và tiếng miền biển Quảng Trị mộc mà nằng nặng của người cha khi trả lời khách lạ những điều về biển, về chuyện được hay không được mùa cá, về giá cả... bên cái vẻ im lặng, nhẫn nại nhưng đôi mắt lại ấm áp một cách trong trẻo của con trai anh khi trao cho chúng tôi chiếc túi đầy cá.
 
Lúc này, khi nhớ lại những con mắt cá trong veo cong mình đung đưa theo nhịp bước trên bờ biển đêm hôm ấy, tôi nhận chân một điều rằng, với người đánh cá, phương tiện đi lộng của gia đình anh có thể không có dáng dài và hơi cong vát trên mui thuyền nhưng con trai anh chính là đôi mắt thuyền của cha . Cậu con trai mà theo như anh kể thì vừa trở về phụ cha trong kỳ nghỉ hè ở một trường đại học.
 
Có biết bao nhiêu mắt thuyền như thế trong những chuyến lênh đênh biển khơi của những ngư dân làng chài đất Việt?
 
 Và tôi đã nghĩ về những ánh sáng trên biển đêm ở những nơi mà mình ngang qua với một chiều sâu khác...
 
Hạnh Nhi
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top