ClockThứ Năm, 11/08/2011 04:55

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

TTH - Tiếp theo tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ” (NXB Văn học, 2008), nhà văn Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển”- cuốn tiểu thuyết thứ 12 của mình. Là người sống nhiều năm trên chiến trường Trị Thiên Huế và “dùi mài kinh sử” dưới mái trường Đại học Sư phạm Huế, Sau rừng là biển cũng dành nhiều trang tái hiện cuộc sống mà tác giả cùng đồng đội của ông đã trải qua trên dải đất này, nhưng đề tài của cuốn sách rộng hơn, tuy số trang không nhiều. 
Đọc nhan đề của cuốn sách, thật khó đoán tác giả sẽ viết chuyện gì. Cũng “khó hiểu” vì sao một họa sĩ tên tuổi lại vẽ bìa bằng một “gam” màu dễ bị “chìm” trên các giá sách như thế! Có phải tác giả và họa sĩ muốn người đọc phải tìm hiểu phần “chìm” của một tảng băng, bao giờ cũng lớn hơn phần nổi?
 
đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, từng sống chết bên nhau ở Trị Thiên, gặp lại nhau sau chiến tranh, những hồi ức xen lẫn với bao vất vả trong cuộc mưu sinh hiện tại…; sách dày chưa đến 250 trang, nhân vật không nhiều, nhà văn cũng khó “tung hoành”, triển khai những ý đồ rộng lớn. Ba người lính không thuộc loại có nhiều “sao vạch”, thời hậu chiến cũng không có công tích gì đặc biệt - Thái, nhân vật xưng “tôi” rời chiến trận về dạy học; Huynh về làng quê; Hùng may mắn hơn, trở thành sĩ quan, được đi học Liên Xô, nhưng rồi hư hỏng phải vào tù - “sự tích” nhân vật như thế tưởng cũng khó nâng tầm tư tưởng của tiểu thuyết.
 
Vậy nhưng, chính nhờ tác giả đưa nhân vật vào các “địa hạt” bình thường ấy - giáo dục và nông thôn - mà tác phẩm đã chạm đến những vấn đề xã hội và triết lý sâu sắc. Đây không phải là “dưới đáy” xã hội hay “mũi nhọn cuộc sống” như lâu nay khi bàn đến đề tài trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng với cách lựa chọn đó, tác giả đã tiếp cận cuộc sống thật của nhân dân với bao nỗi lo cơm áo hàng ngày chứ không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” hay những chuyện tình tay ba tay tư nơi công sở cùng những pha “sex” câu khách rẻ tiền.
 
Tuy tác giả chưa có những đổi mới rõ rệt về mặt nghệ thuật (cũng có thể ông quan niệm lối viết chạy theo những trào lưu thời thượng như “hậu hiện đại”… chưa hẳn đã làm nên giá trị tác phẩm?), nhưng nhờ tránh được nhược điểm của không ít tiểu thuyết Việt Nam là lệ thuộc vào sự kiện (như kể cho xong một chiến dịch, một công trình…) và cuộc sống được thể hiện bằng nhiều điểm nhìn, giọng điệu - khi là “tôi”, lúc là lời kể của Huynh, lúc khác lại là ngôn ngữ bốp chát của Nụ (người vợ đã li dị của Hùng), rồi những trang nhật ký của Kha (thầy hiệu trưởng nơi Thái dạy học) … - tác phẩm trở nên phong phú, chuyển tải được nhiều thông điệp đến người đọc.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông (bên phải) chụp ảnh lưu niệm trong Ngày thơ Việt Nam
lần thứ V tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.

 
Chỉ một đoạn nhật ký của thầy Kha đã nói lên bao cảnh đời trớ trêu của xã hội không chỉ lay động lương tâm người thầy. Với Thái, ngay bên cạnh hồi ức êm dịu về mối tình đầu với một cô gái Huế là sự đổ vỡ vì những ngộ nhận và ấu trĩ một thời.
 
Trong chuyện kể của Huynh thì còn nhiều xót xa hơn nữa. Từ chiến trường về, mặc dù cô Mến - vợ anh - có con với chủ tịch xã, anh vẫn nén lòng giữ cho gia đình không đổ vỡ, góp sức xây dựng hợp tác xã. Nhưng anh đã hai lần bị khai trừ khỏi Đảng vì đấu tranh với tệ ăn cắp và bè phái ở làng xã, đến mức phải bỏ quê đi lập nghiệp ở phía Nam… Cuộc đời không ít những số phận cay đắng như thế, nhưng tiểu thuyết của Đỗ Kim Cuông khiến độc giả sau khi gấp sách lại, phải suy ngẫm nhiều chính là nhờ tác giả đã thể hiện chúng với giọng điệu “tự vấn”. Xin hãy nghe Huynh “tự vấn” sau những bất hạnh khôn tả:
 
“…Bom đạn không giết nổi tôi. Lẽ nào tôi lại chết nhục nhã về tay những thằng xấu xa, đê tiện ở cái làng này… Bốn trăm con người đã nằm lại với đất rừng phương Nam, Lào, Cămpuchia và cả biên giới phía Bắc. Sự hy sinh ấy không bao giờ vô nghĩa; cùng không phải để cho những tay cán bộ hư hỏng thối nát đục khoét của nhà nước để làm hại dân. Nếu tôi khuất phục tức là tôi có tội với bốn trăm con người kia cậu ạ. Tôi không tin họ đã chết, Thái ạ. Họ vẫn tồn tại và nhìn chúng ta đang sống, đang xử sự với nhau hàng ngày…”.
 
Chỉ có CON NGƯỜI mới biết tự vấn. Tự vấn cũng là thức tỉnh. Những người lính tưởng là vượt qua chiến trận khốc liệt, sẽ trở về cuộc sống bình yên nhưng “đấu tranh chống đói nghèo, chống cái xấu xem ra cũng cay đắng, gian khổ…”; cũng như vượt qua cánh rừng lắm gai góc, bí hiểm thấy mặt biển bao la êm ả nhưng hóa ra nó sâu thẳm sóng gió khôn lường…
 
Có phải chính vì vậy mà kết cục của tiểu thuyết như là lơ lửng, chẳng biết các nhân vật sẽ đi tới đâu. Cũng như mấy ai đã đi đến tận cùng chiều sâu thăm thẳm của biển? Và chính tác giả cũng đã viết ở phần cuối cuốn sách: “…Có lẽ, cụ Ăngghen vĩ đại đã nói đúng. Đừng bao giờ tự huyền hoặc, lý tưởng hóa cuộc sống. Ở đâu trên trái đất này còn ngang trái bất công, còn sự giàu nghèo, còn cả người chăm chỉ và kẻ lười biếng, còn cái cao cả xen lẫn với cái thấp hèn còn phải đấu tranh…”.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top