ClockThứ Tư, 23/01/2013 21:04

Mẹ già nuôi bảy người con mắc bệnh tâm thần

TTH - Tuổi cao, sức yếu nhưng bà Võ Thị Lòng, ở thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân (Phú Vang), phải oằn mình làm lụng vất vả để nuôi bảy người con mắc bệnh tâm thần và hai đứa cháu đang tuổi ăn học.

Lấy chồng từ năm 18 tuổi và lần lượt sinh bảy người con, nhưng tất cả đều lần lượt mắc bệnh tâm thần, khiến cuộc sống gia đình bà Lòng vốn nghèo khó lại càng cơ cực hơn. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản do vợ chồng bà cần mẫn làm lụng, tích cóp đều chi vào các khoản thuốc men chữa bệnh cho con.

Bà cháu bà Võ Thị Lòng rất cần sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa

Người con đầu của bà là Phạm Thị Thuyền, năm nay đã 45 tuổi, nhưng bị mắc bệnh tâm thần từ lúc mới lên ba. Những người con kế tiếp là Phạm Thị Thu (SN 1970), Phạm Thị Tuyết (SN 1975), Phạm Châu (SN 1977), Phạm Thành (SN 1979), Phạm Á (SN 1983) và Phạm Văn Thanh (SN 1985) cũng đều mắc chung một bệnh như người chị cả của mình. “Lúc mới sinh ra, đứa nào cũng bụ bẫm trắng trẻo nhưng càng lớn, chúng càng có dấu hiệu không bình thường… Sau này đi khám mới biết các con mắc bệnh tâm thần. Nghe bác sĩ nói mà tui rã rời, không biết làm răng”, nước mắt rưng rưng, bà Lòng nói.

 
Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” như càng dồn lên đôi vai gầy của bà Lòng khi cách đây 4 năm, người chồng là chỗ dựa duy nhất của bà qua đời. Một mình bà làm 3 sào ruộng với đàn bò để có đồng ra đồng vào nuôi con. Hôm chúng tôi về nhà bà Lòng, trong căn nhà không có vật dụng nào đáng giá. “Tài sản” duy nhất mà bà Lòng có được là hai đứa cháu nội, gồm Phạm Văn Được (11 tuổi), hiện học lớp 4 và Phạm Thị Huệ (8 tuổi), học lớp 2, Trường tiểu học Vinh Xuân 2. “Thấy thằng Châu khờ khạo, nên sau khi sinh con, vợ nó bỏ con lại cho tui rồi về nhà mẹ. Một mình tui lo chăm bẵm các cháu khôn lớn và nuôi các cháu ăn học… Tui mà có mệnh hệ nào thì không biết các cháu làm răng”, bà Lòng nghẹn ngào.
 
 Cả bảy người con bà Lòng đều bị bệnh nhưng hiện tại, chỉ có ba người bệnh nặng được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Trong đó, anh Á và anh Thanh được trợ cấp 270 ngàn đồng/tháng, chị Thu 180 ngàn đồng/tháng. Số tiền này bà Lòng dành để mua gạo, thuốc men mỗi khi các con trở chứng bệnh nặng. Riêng anh Châu mắc bệnh nhẹ hơn nên mỗi ngày, anh đi khắp thôn để ai thuê gì làm nấy, khi bốc củi, lúc vác gỗ… kiếm ngày vài chục ngàn đồng.
 
Ông Nguyễn Ngọc Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ cho biết: Gia đình bà Lòng là một trong những hộ thuộc diện nghèo khó nhất thôn. Điều kiện của thôn cũng khó khăn nên mỗi năm chỉ giúp đỡ cho bà và bảy người con mắc bệnh tâm thần chừng vài chục ký gạo, ngoài số tiền trợ cấp của Nhà nước.
 
Sau mỗi buổi tan học, hai em Được và Huệ trở về nhà để giúp bà nội nấu cơm, nước và làm việc lặt vặt trong nhà. Dù hoàn cảnh cơ cực, nhưng năm học vừa rồi, em Huệ được nhà trường tặng giấy khen “Học sinh nghèo vượt khó học giỏi”, Được cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
 
Nhìn cảnh bà Lòng cặm cụi sắp xếp sách vở để đưa hai cháu đi học mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Không biết mai này bà già yếu, ai sẽ chăm lo cho các cháu và những người con bị tâm thần. Qua bài viết này, rất mong các nhà hảo tâm, quý cơ quan, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ gia đình bà Lòng để bà vơi bớt nghèo khó và hai em Được và Huệ không phải bỏ học giữa chừng.
 
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Võ Thị Lòng, thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân (Phú Vang) hoặc qua Báo Thừa Thiên Huế, 61-Trần Thúc Nhẫn-TP Huế. Điện thoại: 054.3833330
Huệ-Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top