ClockThứ Sáu, 26/10/2012 05:55

“Mệ” Hiền

TTH - Có nhiều danh xưng dành cho người đàn ông kỳ lạ sinh năm 1926 này khi ông là một hoàng thân; người nổi tiếng trong việc "giữ hồn" cho ẩm thực cung đình Huế. Vậy nhưng, trong tôi ông mãi mãi là một "mệ Hiền" quý phái và gần gũi.

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Phước Bảo Hiền. Xưa nay người ta vẫn gọi ông là “mệ Bảo Hiền” hay ngắn gọn hơn là “mệ Hiền”. Trong cách gọi của giới quý tộc Huế xưa, “mệ” là người đàn ông thuộc dòng dõi con vua cháu chúa, có cốt cách của một bậc hào hoa phong nhã. Ông là cháu nội của vua Thành Thái, con của ông Nguyễn Phước Vĩnh Vũ - hoàng tử thứ 13 của vị vua yêu nước Thành Thái.

Năm ngoái, tôi đã có dịp ghé An Lăng, lần đầu tiên được gặp “mệ”. An Lăng là một khu di tích đặc biệt tại Huế. Nằm ở An Cựu, đây là nơi thờ và khu mộ của 3 vị vua cũng đồng thời là 3 thế hệ trong cùng một gia đình là Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân gắn liền với thời kỳ đặc biệt đau thương của lịch sử dân tộc khi thực dân Pháp lần lượt đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Từ khi sinh ra, mệHiền đã sống tại khu An Lăng này. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, rồi vua Bảo Đại thoái vị. Năm 1947, Pháp chiếm An Lăng để lập đồn bốt. Tất cả hoàng thân quốc thích đều ly hương, nhưng mệHiền vẫn quyết ở lại. Từ đó cho đến nay, trải qua bao thăng trầm và đổi thay của đất nước, mệ Hiền vẫn gắn bó với An Lăng, một đời hương khói ba vua. Tuổi đã ngoài 80, lại vừa trải qua trọng bệnh, điều kiện sống rất vất vả đến bất ngờ nhưng mệ Hiền vẫn giữ được phong thái đĩnh đạc của một con người hoàng tộc. Cách nói chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, thu hút người nghe. Điều đặc biệt mà tôi cảm nhận là mệ Hiền như một pho tự điển sống về Cung đình Huế, về An Lăng với những sự kiện lịch sử gắn liền trong hơn 100 năm qua.
 
Tôi nhớ lời tâm sự chân thành của mệ Hiền về Cách mạng Tháng Tám 1945 gắn với sự kiện vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng: “Tôi buồn vui lẫn lộn. Mừng vì đất nước mình được độc lập, dân chủ. Cũng không thể không buồn vì nhà Nguyễn trải qua 9 đời chúa và 13 đời vua nay không còn”. Có lẽ, đó cũng chính là niềm tin để vị hoàng thân Bảo Hiền vượt lên chính mình, hòa nhập và có những đóng góp cho công cuộc cách mạng và cho sự nghiệp xây dựng, phát triển xã hội mới. Ít người biết rằng, năm 1947, khi thực dân Pháp chiếm An Lăng để lập đồn ấp, không chỉ quyết chí ở lại khu di tích này, mệ Hiền còn thường xuyên liên lạc với những người hoạt động cách mạng như ông Thân Trọng Một của trung đoàn 101 để cung cấp thông tin về địch. Lợi dụng giấy phép Hội trưởng Hội Từ thiện Phước Học do Pháp cấp, mệ thường xuyên đến giúp những người nghèo khổ, nhà hoạt động cách mạng bị giam cầm và nhiều lần tự tay chôn cất liệt sĩ. Còn sau này đánh Mỹ, trong chiến dịch Xuân 68, một mình mệ bao lần đạp xe quanh TP Huế đưa thi thể các chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội đi chôn cất.
 
Cũng chính với nhiệt huyết không hề vơi cạn kia mà sau này khi đất nước hội nhập và phát triển, mệ Hiền đã dành nhiều tâm sức giới thiệu, khôi phục lại những nghi lễ, món ăn của vua chúa trong triều đình. Mệ đã phối hợp với nhiều công ty du lịch giới thiệu về ẩm thực cung đình Huế, làm sống lại bao món ăn vua chúa ngày xưa thường dùng, như: phượng hoàng khai vị, súp cua nấm, cơm gói lá sen… Với vốn tiếng Pháp làu làu, những bữa cơm vua có mệ Hiền góp chuyện khiến bao du khách thích thú. Đó được xem là sản phẩm du lịch, thể hiện được sự kết tinh của văn hóa cung đình triều Nguyễn và văn hóa cung đình suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. 
 
Dấu tích Huế xưa một thời đế đô là Kinh thành- Đại Nội, là những khu lăng mộ, những phủ đệ, những công trình kiến trúc lịch sử… Dấu tích cố đô còn in dấu trong những di sản văn hoá phi vật thể, trong nếp nghĩ, trong phong cách sống của người dân Huế mình. Tôi lại nghĩ tiếp đến một thời đế đô với những con người quý tộc còn lại mà mệ Hiền là một minh chứng. Cuộc đời của họ có một sức hấp dẫn đặc biệt. Được gặp họ, nghe họ kể chuyện về chính mình, về dòng tộc mình, hay về những công việc mà họ từng trải qua một thời cũng là một cách tiếp cận tuyệt vời với quá khứ vàng son một thuở.
 
Và chiều nay qua An Lăng, còn đó cảnh xưa trầm mặc nhưng đã không còn nữa mệ Hiền, tôi như cảm nhận rõ hơn về sự trống vắng. Sự ra đi của mệ Hiền, được xem là một trong số ít ỏi những con vua cháu chúa xưa còn lại là sự mất mát khó gì bù đắp nổi. Dấu xưa như phôi phai dần theo năm tháng...

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top