ClockThứ Sáu, 06/11/2015 18:12

Mê nghệ thuật đương đại

TTH - Đến với nghệ thuật đương đại, Phan Lê Chung là một nghệ sĩ trẻ đầy tiềm năng đang dần khẳng định dấu ấn riêng trên con đường nghệ thuật.

Nghệ sĩ trẻ Phan Lê Chung

Được thỏa mãn niềm đam mê

“Phan Lê Chung là một giảng viên trẻ năng động, sáng tạo và nhiều niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật. Con đường sáng tạo và nghiên cứu nghệ thuật của anh còn lâu dài và anh vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác, nhưng chắc chắn Phan Lê Chung sẽ không rời bỏ những niềm đam mê khám phá và dạy cho sinh viên những điều mới mẻ của nghệ thuật mà mình đã chiêm nghiệm” - PGS.TS.Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế
Phan Lê Chung bắt đầu thực hành về nghệ thuật đương đại từ khi tham gia câu lạc bộ Infinitive (Nhóm Vô cực) năm 2005. “Niềm đam mê loại hình nghệ thuật đương đại đã bắt đầu trong mình từ đó, Chung nói. Nhóm Vô cực có sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế và là nhóm duy nhất của trường hoạt động về các thể loại nghệ thuật thể nghiệm, như: video art, sắp đặt, trình diễn… Giữa năm 2007, nhóm nhận được tài trợ của Sài Gòn Open City (S.O.C) để vào TP Hồ Chí Minh tham dự triển lãm nhóm mang tên “Giờ cao điểm”. Đây cũng là nguồn cảm hứng đầu tiên để mình tiếp tục tiến sâu hơn trên con đường nghệ thuật đương đại”. Sau này, nhiều người trong nhóm Vô cực trở thành giảng viên của nhà trường, như Phan Lê Chung, Nguyễn Thị Thanh Mai, Lê Thị Minh Nguyệt, Hoàng Minh Tuyến.
“Dù nghệ thuật đương đại thời đó vẫn được xem là mới lạ, thậm chí là gặp phải sự phản ứng từ một số giảng viên trong trường nhưng mình vẫn tiếp tục tham gia con đường này vì trong quá trình thực hiện tác phẩm, mình cảm thấy được thỏa mãn với chính bản thân mình. Đó có thể là do niềm đam mê quá chăng?!”, Chung chia sẻ.
Phan Lê Chung từng tham gia khá nhiều triển lãm trong nước và khu vực kể từ năm 2005 đến nay. Năm 2015 cũng là một năm đầy khởi sắc của Chung khi anh tham gia khá nhiều chương trình, như: Trại nhiệm trú tại Chula (Hội An), trại nhiệm trú tại Pulau Ubin (Singapore), đây là chương trình trao đổi giữa New Space Arts Foundation (N.S.A.F) - Việt Nam với The Artists Village - Singapore. Luôn sáng tác bằng tất cả đam mê, năng lượng và sự sáng tạo của người trẻ, những tác phẩm của Chung mang lại cho người xem cái nhìn mới và trẻ về nghệ thuật đương đại.
Chung bảo, tác phẩm mà anh tâm đắc nhất là video art “Sự sống và cái chết”. Đây là tác phẩm nằm trong chuỗi tác phẩm về chủ đề môi trường (cụm bài đồ án tốt nghiệp thạc sĩ của Chung) và đã đạt Giải tác phẩm xuất sắc tại Triển lãm Mỹ thuật trẻ Việt Nam - Năng lượng Cố đô năm 2013, đồng thời đã được chọn tham dự Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (tên gọi trước đây là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc diễn ra 5 năm 1 lần) sẽ khai mạc tại Hà Nội đầu tháng 12 tới. “Sự sống và cái chết” đề cập về chủ đề ô nhiễm môi trường sống trong xã hội hiện nay. Sự ô nhiễm này trên bình diện rộng từ môi trường âm thanh (tiếng ồn), đến môi trường văn hóa, môi trường nước… Khai thác các yếu tố kịch tính khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết như một sự giằng xé, giành giật giữa cái được và cái mất... thông qua ngôn ngữ video, tác phẩm là một lời cảnh báo, một lời nhắc nhở những hành vi ứng xử của con người đối với môi trường sống của chúng ta hiện nay.
Một tác phẩm khác mà Chung rất tâm đắc và đã dành nhiều thời gian sáng tác là bộ phim video art “Hòa vào thiên nhiên”. Được thực hiện trong thời gian một tháng tham gia trại nhiệm trú nghệ thuật Pulau Ubin, Singapore vào tháng 6/2015, Phan Lê Chung muốn chuyển tải đến người xem thông điệp về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, cũng như mối quan hệ không thể tách rời giữa thiên nhiên và con người.
Nỗ lực đem nghệ thuật đương đại đến công chúng

Tác phẩm video art của Phan Lê Chung tham gia triển lãm nhóm tại Triển lãm X-Giây ở Viện Goethe Hà Nội năm 2008

 
Phan Lê Chung tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa năm 2008 tại Trường đại học Nghệ thuật Huế. Năm 2008, Chung được giữ lại trường dạy chuyên ngành Tạo hình đa phương tiện (Media art) mới được thành lập tại Khoa Hội hoạ. Năm 2010, Chung học cao học về ngành Visual arts (Nghệ thuật thị giác), chuyên ngành Media tại Đại học Mahasarakham Thái Lan. Hiện Chung đang giảng dạy môn Video art và Trực họa tại Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Anh cũng đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật.
Phan Lê Chung đã đoạt một số giải thưởng như: Giải hỗ trợ tài năng trẻ của Quỹ văn hóa Dongson today (2008), Giải ba Triển lãm mỹ thuật 10 năm thành phố Cần Thơ và Giải tác phẩm xuất sắc Triển lãm Mỹ thuật trẻ Việt Nam - Năng lượng Cố đô (2013).
Theo Phan Lê Chung, nghệ thuật đương đại chưa nhận được nhiều sự đón nhận và quan tâm của công chúng tại Huế, mặc dù loại hình nghệ thuật này đã dần khơi gợi được sự tò mò trong giới trẻ. Lý do là vì “người xem không có điều kiện để tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này. Họ cũng không có một kênh chính thống nào để tìm hiểu đối với loại hình nghệ thuật này”, Chung nói.
Để nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng, theo Chung, đầu tiên phải là vai trò của Trường đại học Nghệ thuật Huế. “Trường đại học Nghệ thuật Huế là đơn vị tiên phong khi đưa vào chương trình giảng dạy chuyên ngành Media art tại Khoa Hội Họa (bao gồm 3 phân môn chính là Nhiếp ảnh, Sắp đặt, Video art). Trường phải là đơn vị quảng bá đầu tiên, giới thiệu cho công chúng Huế biết được mô hình đào tạo của mình, các môn học của mình như thế nào. Hiện nay trung tâm N.S.A.F cũng là một trong những đơn vị đối tác với với Trường đại học Nghệ thuật Huế trong việc giúp sinh viên tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Bên cạnh đó, các dịp Festival Huế cũng là một điều kiện rất tốt để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật đương đại. Theo mình, Trung tâm Festival Huế cần chú trọng đầu tư hơn nữa vào các tác phẩm đương đại cho các nghệ sĩ trẻ. Kinh phí làm tác phẩm nghệ thuật đương đại khá lớn, trong khi đó việc bán tác phẩm là một điều hết sức khó khăn, ngoại trừ một số nghệ sĩ đã có tên tuổi. Vì vậy, phải có một quỹ hỗ trợ bền vững để nghệ sĩ đương đại có thể duy trì được các tác phẩm của mình trong một thời gian lâu dài để công chúng thưởng lãm và hiểu. Báo chí, truyền thông cũng là một kênh rất tốt để công chúng có thể hiểu hơn về loại hình nghệ thuật đương đại. “Bản thân các nghệ sĩ đương đại cũng phải quảng bá, cởi mở hơn, trình bày ý tưởng của mình cụ thể hơn để công chúng hiểu được,… Và một điều không kém phần quan trọng nữa là cần tổ chức nhiều sân chơi hơn đối với loại hình nghệ thuật đương đại để công chúng được xem, thưởng lãm và tìm hiểu về nghệ thuật đương đại”, Chung trăn trở.
Trong tương lai, Phan Lê Chung vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật đương đại, đặc biệt là loại hình video art. Anh dự định sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân và tham gia một vài trại nhiệm trú sáng tác tại nước ngoài để giao lưu học hỏi, đồng thời qua đó, quảng bá văn hóa của Việt Nam.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội ngộ “Những người bạn”

Nhóm các họa sĩ đến từ nhiều nơi đã nặng lòng với Huế để rồi vẽ nên những tác phẩm về vùng đất được mệnh danh “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” như tiếng lòng kỷ niệm với xứ Cố đô.

Hội ngộ “Những người bạn”
Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Return to top