ClockChủ Nhật, 16/07/2017 08:10

“Mẹ nghèo đông con”

TTH - Chúng ta thường hay nghe những câu nói như thế này, lặp đi lặp lại trên một số diễn đàn: “Bộ máy nhà nước cồng kềnh”; “Bộ máy nhà nước ngày càng phình to ra”… Đấy là một cách nói. Còn nói hình tượng một chút thì nó giống như một bà mẹ nghèo đông con. Nuôi rất mệt.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chi phí thường xuyên trên tổng GDP của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Nếu tính trên tổng chi phí ngân sách cũng rất cao. Theo Bộ Tài Chính, 5 tháng đầu năm 2017, chi thường xuyên chiếm đến 74,6% chi ngân sách nhà nước. Điều này cũng có nghĩa, những nhiệm vụ chi khác, trong đó có nhiệm vụ chi rất quan trọng là đầu tư phát triển cũng bị thu hẹp.

Những nhà điều hành chính sách đã nhận ra vấn đề này từ lâu. Và đã có nhiều quyết tâm cải cách, tuy nhiên kết quả không như mong muốn. Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2017, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tính đến đầu năm 2017, thực tế biên chế tăng chứ không giảm. Như vậy, các quyết tâm cho những mục tiêu giảm 100.000 biên chế, hai người nghỉ mới được nhận một người xem ra không dễ gì đạt được.

Tại sao lại có tình trạng như vậy, càng quyết tâm thì kết quả đi ngược lại?

Có rất nhiều nguyên nhân mà các nhà quản lý, các nhà kinh tế chỉ ra như: bộ máy hoạt động kém hiệu quả, nhiệm vụ chồng chéo, nhiều lĩnh vực có thể để cho các khu vực khác đảm nhận được thì nhà nước vẫn cứ phải bao cấp…

Thử nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ kinh tế.

Đã nói đến kinh tế là nói đến hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nghĩa là doanh thu phải lớn hơn các yếu tố đầu vào cộng lại. Cũng có thể hiểu là có lãi. Nếu các yếu tố đầu vào lớn hơn doanh thu thì phải xem lại cách thức vận hành, sản xuất, kinh doanh.    

Nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, suy cho cùng thì vẫn quay về phục vụ mục tiêu chính yếu là tăng trưởng. Vì tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng nhất và là thước đo để đánh giá một đất nước có phát triển hay không; Phát triển nhanh hay chậm; những nguồn lực xã hội, nguồn tài nguyên hạn hữu có được sử dụng hiệu quả hay không.

Xét dưới góc độ kinh tế như vậy, có thể nói chúng ta đã sử dụng nguồn lực phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, hay nói cách khác là sự phát triển xã hội chưa được hiệu quả. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong vòng 30 năm qua, cứ mỗi thập niên, đất nước chúng ta lại giảm 1% tăng trưởng. Ông Cung cho biết, dù Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng những cách thức kích thích trong ngắn hạn thì không hiệu quả còn những biện pháp về lâu dài như nâng cao giá trị gia tăng, cạnh tranh cho nền kinh tế; tăng trưởng dựa vào năng suất lao động; tái phân bổ nguồn lực… lại chưa thực hiện được.

Nói đến kinh tế là nói đến sở hữu, lợi ích. Nguồn vốn ngân sách là sở hữu chung. Muốn sử dụng nguồn lực chung này hiệu quả phải có những cơ chế đi kèm. Cái này chúng ta đang thiếu. Tính thống nhất về thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước không cao là ở khâu thực hiện. Có vẻ như các cấp chính quyền chưa sẵn sàng lắm cho chủ trương tinh giảm. Giống như kiểu “đồng tiền chung nên không ai xót”. Sẵn sàng dong tay thống nhất sử dụng nguồn lực hiệu quả nhưng khi động đến quyền lợi là tìm mọi cách giữ riêng. Cái này gọi là lợi ích cục bộ. Nhiều lợi ích cục bộ gọp lại thành cái “thiệt chung”. Nếu không có một cách thức nào đó để gắn ngân sách với nhiệm vụ có tên, có tuổi cụ thể, lượng hóa mọi công việc một cách cụ thể, rõ ràng, người điều hành ngân sách của từng cấp, từng đơn vị thấy được đồng tiền ngân sách như đồng tiền từ túi của mình thì tình trạng lạm chi khó mà chấm dứt.

Đã là kinh tế thì phải rõ ràng, cụ thể. Mọi sự chung chung đều khó có thể đem đến hiệu quả trong sử dụng ngân sách.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top