ClockThứ Ba, 18/10/2016 14:31

Miền Trung ứng phó bão số 7 và khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của bão số 7, ở Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13; sóng biển cao từ 2-4m, biển động dữ dội. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; riêng Quảng Ninh có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Bão số 7 vào ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, Đông Bắc bộ mưa lớnCông điện của UBND tỉnh về việc triển khai công tác ứng phó với bão số 7 (Bão Sarika)Công an tỉnh giúp dân phòng chống bão số 7Bão số 7 di chuyển nhanh về phía đất liền Việt Nam

Cảnh báo từ đêm nay (18/10) đến hết đêm 19/10 sẽ xuất hiện mưa vừa, mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn 200-300mm/cả đợt.

Khẩn trương ứng phó với bão số 7

Để ứng phó hiệu quả với bão số 7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 30 ngày 17/10 điều chỉnh vùng nguy hiểm của cơn bão số 7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, gửi thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Tàu cá được neo đậu tại nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tổ chức thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7. Trong đó các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đã có Công điện, chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 7. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định đã quyết định cấm biển từ 17h00’ ngày 17/10.

Theo Báo cáo số 422 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 18/10, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.739 phương tiện, tàu, thuyền/288.683 người và 3.080 lồng bè nuôi trồng thủy sản/3.678 người, biết thông tin, vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Trong đó hoạt động ở khu vực Hoàng Sa có 2 tàu của Quảng Ngãi gồm 16 người hiện đang chạy vòng tránh về phía Nam. Neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế: 35.863 tàu/129.385 người.

Về thu hoạch lúa mùa ở Đồng bằng sông Hồng: Hiện còn 250.000 ha/973.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Trong đó Quảng Ninh 18.000 ha/25.000 ha; Hải Phòng 30.000 ha/39.000 ha; Thái Bình 25.000 ha/78.000 ha; Nam Định 50.000 ha/77.000 ha; Ninh Bình 10.000 ha/37.000 ha.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kiểm đếm tàu thuyền. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi, thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Tiếp tục tổ chức cấm biển, hướng dẫn việc sắp xếp neo đật tàu thuyền tại bến kể cả tàu du lịch. Tổ chức kiểm tra, sơ tán dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, dân cư tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, cùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tùy theo diễn biến của bão, lũ để quyết định cho học sinh nghỉ học; thông báo, kiên quyết sơ tán đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Kiểm tra an toàn hồ đập (hồ thủy lợi và thủy điện), đặc biệt là các công trình đang thi công nhất là công trình trên sông suối các khu vực khai thác than, khoáng sản. Tiếp tục thực hiện Công điện số 30 ngày 17/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phóng chống thiên tai-Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 1829 ngày 16/10 của Thủ tướng Chính phủ.

Khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Tính đến sáng 18/10, mua lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 29 người chết (tăng 4 người so với con số đã thông tin vào ngày 16/10). Cụ thể Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 4 người tăng 1 người, Quảng Bình 21 người tăng 3 người, Thừa Thiên-Huế 2 người ). Người mất tích 1 người (giảm 2 người). 30 người bị thương (Quảng Bình 25 người tăng 12 người, Quảng Trị 3, Thừa Thiên-Huế 2 người).

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phương Mỹ (ảnh chụp chiều 17/10/2016). Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Có 26 nhà bị sập (tăng 2 nhà), Quảng Bình 19 nhà tăng 2 nhà, Quảng Trị 1, Huế 6); 1.015 nhà bị tốc mái, hư hỏng (tăng 66 nhà), Quảng Bình 56, Quảng Trị 625 tăng 66 nhà, Thừa Thiên-Huế 334. Có 1.786 nhà bị ngập (Quảng Bình 1.186, Hà Tĩnh 600)...

Đường Quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông 1 điểm (Quảng Bình 1 điểm tại Quốc lộ 15 chưa thông tuyến). Đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông 5 điểm (giảm 7 điểm); Hà Tĩnh 2 điểm, Quảng Bình 3 điểm. Đường sắt bị ngập ở Quảng Bình đã thông tuyến từ Đồng Hới đi ra Bắc. Từ đêm 16/10 các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã hết mưa, hiện mực nước trên các sông ở mức BĐ1, BĐ2 và đang tiếp tục xuống.

Ngày 17/10, Bộ trưởng-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, đã dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng ngày, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra và làm việc với Nhà máy thủy điện Hố Hô, liên quan đến việc xả lũ gây ngập lụt tại huyện Hương Khê và một số vùng lân cận

Văn phòng Chính phủ cũng đã có Thông báo số 335, thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong đợt kiểm tra công tác ứng phó, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các Bộ: Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đề nghị tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh). Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra hồ thủy điện Hố Hô tại Hà Tĩnh.

Bộ Y tế đã xuất cấp 400.000 viên thuốc Cloramin B cho 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, mỗi tỉnh 100.000 viên; đồng thời cấp 200 cơ số thuốc cho 04 tỉnh trên, mỗi tỉnh 50 cơ số thuốc. Hiện Bộ Công Thương đã khắc phục hoàn toàn việc cấp điện cho tỉnh Nghệ An. Đối với tỉnh Hà Tĩnh khôi phục vận hành 47/49 đường dây trung áp, 2.587/2.674 trạm biến áp phân phối, 414.257/424.757 khách hàng bị mất điện. Bố trí các tổ công tác theo dõi chặt chẽ mực nước, các điểm nguy cơ sự cố để sớm khôi phục cấp điện, chuyển hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nhân dân vùng bị ngăn cách, ngập lụt một số huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chỉ đạo các doanh nghiệp tại thành phố dự trữ hàng hoá và chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp khi có yêu cầu.

Trong ngày 17/10, nhiều địa phương cũng như các Bộ, ngành trên cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động ủng hộ bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung. Theo thông tin ban đầu, đến nay các cơ quan đoàn thể đã tổ chức quyên góp, ủng hộ được 20,6 tỷ đồng. Trong đó Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh 100 triệu, Ủy ban MTTQ Thành phố 10 tỷ; Ủy ban MTTQ Hà Nội 5 tỷ; Đài truyền hình Việt Nam 300 triệu; Tập đoàn dầu khí Việt Nam 5 tỷ; Tập đoàn hóa chất 200 triệu. Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ 1,97 tỷ đồng tiền hàng hóa cho 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiều tổ chức, địa phương đã tổ chức quyên góp và ủng hộ ước uống, hàng nghìn thùng mỳ tôm, lương khô và các nhu yếu phẩm, thuốc men cần thiết khác cho đồng bào vùng lũ.

Các địa phương hiện đang tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, đánh giá tình hình thiệt hại và tổng hợp các nhu cầu hỗ trợ. Hiện đã có 2 địa phương tổng hợp nhu cầu hỗ trợ là Quảng Bình và Nghệ An. Mặt khác các địa phương ở miền Trung tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng khắc phục hậu quả vệ sinh môi trường; thống kê đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung

Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ chiều tối 15/11 đến đêm 16/11, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 500mm.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung
Return to top