ClockThứ Sáu, 17/01/2014 14:59

Miền Trung và hành trình du lịch tâm linh

TTH.VN - Du lịch văn hóa tâm linh đang phát triển mạnh trên toàn thế giới. Hội nghị quốc tế về “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tổ chức tại Ninh Bình vào cuối năm vừa qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của loại hình du lịch tâm linh với nhiều tiềm năng và đang phát triển đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Trong hành trình du lịch di sản miền Trung, du lịch tâm linh đang được lãnh đạo các địa phương quan tâm. Đây là một hướng đi đáp ứng nhu cầu của du khách và thực tế đang phát huy hiệu quả. Du lịch tâm linh có thể chia làm hai loại hình, du lịch tâm linh tôn giáo - tín ngưỡng và du lịch hoài niệm chiến trường xưa. 

Đình - chùa - đền miếu là những thiết chế văn hóa tâm linh của mỗi làng quê Việt. Đi đến bất cứ làng quê nào ta cũng dễ dàng bắt gặp những công trình phục vụ cho đời sống tâm linh gắn liền với lịch sử, con người của vùng đất ấy. Xây chùa thờ Phật, xây đình thờ Thành hoàng làng, xây miếu thờ thần… là việc làm luôn được dân cư của cả địa phương quan tâm. Những thiết chế ấy không chỉ thể hiện văn hóa, tập tục, đời sống tâm linh mà còn thể hiện về kinh tế, kiến trúc của một giai đoạn lịch sử, của mỗi vùng đất. Chính vì thế, không chỉ du khách trong nước mà du khách nước ngoài cũng hăng hái với những điểm đến này để giúp họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
 
Lợi thế của các tỉnh miền Trung là mỗi tỉnh đều có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Mỗi ngôi chùa là một câu chuyện kể, được truyền từ đời này sang đời khác, trong đó yếu tố lịch sử và truyền thuyết đan quyện vào nhau vô cùng hấp dẫn. Thử thiết kế một hành trình du lịch các ngôi chùa nổi tiếng ở miền Trung, chúng ta sẽ đi qua những ngôi cổ tự mà lịch sử xây dựng gắn liền với những chặng đường phát triển của dân tộc. Đến với Thanh Hóa, du khách sẽ được tham quan những ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc từ đời Lý hiện còn như chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Giáng, chùa Đại Bi… Thời Lý là thời “dân chúng quá nửa là sãi, chỗ nào cũng có chùa chiền” (Lê Văn Hưu), Phật giáo phát triển mạnh mẽ, trở thành quốc đạo. Cũng có những ngôi chùa gắn liền với cuộc hành quân thần tốc của Vua Quang Trung như chùa Đại Tuệ (núi Đại Huệ - Nghệ An) mà nguồn gốc có từ thời Bắc thuộc. Hay đến với Hà Tĩnh, du khách sẽ được thăm chùa Hương Tích (gốc) - ra đời từ thời nhà Trần - trước chùa Hương Tích ở Hà Tây - nay là Hà Nội), chùa Am, chùa Yên Lạc. Đến với Huế - được mệnh danh là đất thiền kinh - với hệ thống hàng trăm ngôi cổ tự, trong đó có nhiều ngôi là thắng cảnh của đất thần kinh xưa, du khách sẽ có một tour thăm chùa Huế mỹ mãn mà lịch sử của nhiều ngôi chùa gắn liền với lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân – Thừa Thiên Huế như chùa Thiên Mụ với chuyện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, chùa Từ Đàm gắn liền với lịch sử phát triển, hoằng pháp và đấu tranh Phật giáo của vùng đất Huế những năm 1963…
 
Nhiều lễ hội tín ngưỡng dân gian, nhà lưu niệm danh nhân, anh hùng dân tộc cũng đã trở thành những điểm hẹn du lịch thu hút du khách như Lễ hội Bà Thu Bồn - bà mẹ xứ sở - hay lễ hội Cộ Bà Chợ Được (Quảng Nam), Lễ hội Đền Huyền Trân (TT.Huế), Lễ hội đền thờ Nguyễn Xí, Lễ hội Đền thờ Quang Trung ở núi Dũng Quyết (Nghệ An); Lễ hội Đền thờ Lê Khôi, Đền Thánh Mẫu (Hà Tĩnh); Lễ tế Đền Lê (Thanh Hóa) - nơi thờ 21 vị vua, 25 Hoàng thái hậu, 7 vị công vương, 7 vị công chúa nhà Hậu Lê. Nhiều lễ hội tôn giáo bây giờ đã trở thành lễ hội dân gian, thu hút đông đảo du khách nhiều vùng miền về tham dự.
 
Mảng thứ hai của du lịch tâm linh là thăm lại chiến trường xưa, thăm nghĩa trang liệt sĩ, những địa chỉ đỏ trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc. Loại hình du lịch mới này phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, tri ân những anh hùng liệt sĩ có công với nước. Miền Trung - khúc ruột của cả nước, tuyến đường giao thông nối hai miền Nam - Bắc trong hai cuộc kháng chiến đã trở thành những chiến trường ác liệt. Thực tế cho thấy không phải đợi đến các ngày lễ, tết, ngày truyền thống mà hàng ngày, những điểm di tích này đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, hoài niệm… Đó là Thành cổ, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Cột cờ giới tuyến, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị), Chín Hầm, Đồi Thịt Băm (TT.Huế), Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
 
Hệ thống các nhà lưu niệm danh nhân văn hóa cũng trở thành những điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh của du khách nhà lưu niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh), nhà lưu niệm Phan Bội Châu (Nghệ An). Miền Trung cũng là mảnh đất đã sản sinh nhiều người con ưu tú xuất sắc của Đảng, của Cách mạng, điển hình nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, hệ thống di tích, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh miền Trung, nhà lưu niệm các TBT Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, (Hà Tĩnh), Lê Hồng Phong (Nghệ An) là những điểm đến được đầu tư và thu hút khách.
 
Hiện nay, các tỉnh miền Trung đều chú trọng đầu tư và phát triển du lịch tâm linh nhưng xem ra vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012, ước tính có khoảng 12% du khách đến các điểm du lịch tâm linh. Con số này hãy còn thấp. Tiềm năng là vậy nhưng thực tế cho thấy du lịch tâm linh miền Trung vẫn chưa thành câu chuyện bài bản. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An - cũng chia sẻ “Chúng ta đang làm du lịch theo từng địa phương. Du lịch đang phát triển theo kiểu mở cửa he hé, phát triển đơn lẻ, đang đóng cửa cạnh tranh. Liên kết con đường du lịch di sản miền Trung phải có nhạc trưởng”. Du lịch tâm linh ở miền Trung cũng không nằm ngoài thực tế đó.
 

Đời sống tâm linh, lòng tưởng nhớ, tri ân của người Việt cũng đang có những thích nghi với cuộc sống mới. Nếu ngày xưa, du khách chỉ biết đi chùa thắp hương lễ Phật, lễ Thánh, lễ Thần thì bây giờ du khách đã biết tìm đến những địa chỉ đỏ để tri ân những danh nhân, anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước (một số trong đó đã hiển Thánh trong lòng nhân dân). Thiết kế một tour du lịch tâm linh miền Trung - đó là nhu cầu và cũng là bài toán đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các nhà làm du lịch.

 
                                                                                                             
Nguyễn Khoa Diệu Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top