ClockChủ Nhật, 05/01/2020 10:16

Minh triết của mất mát

TTH - Chuyện xảy ra vào thời kỳ sau thế chiến thứ hai khi quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật. Từ một cô gái giải khuây, Mary (không ai biết tên Nhật của cô) có được một tình yêu say đắm với một sĩ quan Mỹ. Không giống như các pan pan (gái đứng đường) khác ăn mặc diêm dúa hở hang, cô bao giờ cũng kiêu sa trong những bộ cánh sang trọng, quý phái kiểu phương Tây, là hoa khôi xinh đẹp ở khu phố làng chơi, lại biết chơi đàn dương cầm, nói tiếng Anh và viết chữ đẹp nữa. Cô được tôn xưng là bà hoàng nơi quán bar Negishiya nổi tiếng nhất thành phố cảng Yokohama.

Dưới bóng anh đào. Ảnh: PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

Nhưng một ngày kia khi người sĩ quan Mỹ về nước, cô đã trở nên cô độc suốt phần đời còn lại trên chính quê hương mình, trên đường phố Yokohama. Cô vẫn tiếp tục công việc của mình, một kỹ nữ (geisha), ngày ngày trang điểm rực rỡ, đánh phấn trắng bệch, vẽ mắt đậm, tô son đỏ, rồi mặc vào bộ váy ren dài. Nhưng xác thân úa tàn theo năm tháng, khách làng chơi dần chối bỏ cô. Họ khinh miệt, xua đuổi cô như một thứ giẻ rách nhục nhã. Quán cà phê nào có cô bước vào thì khách dọa bỏ quán.“Thế à, tôi biết rồi”, cô xin lỗi khi nghe thế và rời đi. Chỉ có một ông chủ nhà thương tình cho cô ngủ trọ hằng đêm nơi góc hành lang. Một cô chủ quán cà phê ý tứ dành cho cô một bộ tách chén riêng vì những người khác kinh tởm những thứ cô đã đụng tay. Thật kỳ lạ, trong mất mát đớn đau, cô vẫn không ngừng trông ngóng người tình ngoại quốc xưa, chỉ vì một lời hẹn trở lại.

Rồi một ngày già nua, không thể chờ đợi nữa, cô quay trở về quê nhà, bặt tăm trên đường phố Yokohama luôn từ đó. Cô chỉ còn là những giai thoại khói sương trong một bộ phim phóng sự về chính cuộc đời mình, Yokohama Mary sản xuất năm 2006, một năm sau ngày cô, bây giờ là bà Mary qua đời ở tuổi 83, trong lời vọng thinh không của bài hát “My way” (Đường em chọn đi) mà một người bạn già từng hát cho cô nghe:

Em đã từng yêu, đã ngạo cười, khóc tủi

Đã đầy lên những mất mát đớn đau

Nhưng giờ đây lệ chùng mặn đắng

Em nhận ra đời thi vị biết bao…

Tôi lang thang trên đường phố Yokohama, những con đường sạch bong, vỉa hè rộng rãi được trang trí những bồn hoa luống hoa khoe sắc. Đâu cũng thấy hoa tươi. Kiến trúc hiện đại hài hòa với những không gian cổ kính. Những biệt thự kiến trúc phương Tây ở khu Yamate. Tòa nhà gạch đỏ, kho hải quan xưa đã trở thành trung tâm giải trí mua sắm hiện đại nhưng vẫn giữ kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ. Khu vườn cổ Sankeien rộng lớn và trầm mặc bên những hồ nước soi động bóng cây… Ở đâu, còn chỗ nào cho thấy một geisha Nhật mang tên ngoại quốc đã bày biện xác thân hỉ nộ ái ố của cả một đời người, cả một tình yêu ngọt ngào và cay đắng… Có chăng chỉ là vẻ đẹp của nỗi mất mát lớn lao trong những yêu ghét hồ đồ của lẽ đời đen bạc?

… Nơi công viên Yamashita trải dài theo cảng biển Yokohama có một bức tượng đồng nhỏ có tên “Bé gái đi giày đỏ” - tái hiện nhân vật trong bài đồng dao “Akai Kutsu” nổi tiếng của Noguchi Ujo mà trẻ em Nhật thường hay hát, tạm dịch:

Cô bé mang đôi giày đỏ

Ra đi với một người đàn ông ngoại quốc

Cô bé lên tàu nơi bến cảng Yokohama

Ra đi với một người đàn ông ngoại quốc

Giờ đây cô bé mang đôi mắt xanh

Và sống nơi xứ lạ

Mỗi lần nhìn thấy đôi giày đỏ, tôi lại nhớ đến em

Mỗi lần nhìn thấy người ngoại quốc, tôi lại nghĩ về em…

Tác giả bên tượng cô bé đi giày đỏ

Mở nghe trên Youtube, một giọng hát trong veo thơ trẻ nhưng có gì đó buồn buồn. Lời bài hát chạnh nhớ về một giai đoạn khó khăn của đất nước khi mà nhiều gia đình Nhật Bản đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài mong thoát khỏi cảnh nghèo khó, tìm kiếm một cuộc sống mới. Xưa vốn là một làng chài (thật ấn tượng với những làng chài Singapore, Thâm Quyến…), Yokohama từng phát triển vượt bậc nhưng cũng từng bị vùi dập vì sóng thần, vì thế chiến…, rồi lại đứng dậy. Giờ đây Yokohama đã là một thành phố cảng phát triển công nghiệp hàng đầu của Nhật. Có vẻ như Yokohama mang một niềm kiêu hãnh riêng ở xứ mặt trời mọc, là nơi lĩnh ấn tiên phong “mở cửa” bang giao của Nhật với các nước phương Tây thời Mạc phủ. Yokohama còn sở hữu những cái đầu tiên khác của Nhật: thành phố đầu tiên sử dụng đèn lồng đốt khí gas, nơi kem được bán đầu tiên, nơi đầu tiên sử dụng máy hút bụi, máy chiếu phim; nơi đầu tiên xuất bản các tờ nhật báo…, và rất, rất nhiều cái “đầu tiên” nữa.

Nhưng Yokohama vẫn còn đó một góc nhỏ nơi công viên Yamashita với bức tượng đồng “Bé gái đi giày đỏ” nhắc nhớ một thời khốn khó, một mất mát chay vay trong câu hát đồng dao. Đâu chỉ là một cô bé đi giày đỏ, bất kỳ sự rời bỏ nào cũng để lại những dằn vặt đau đớn, cho cả người ở lại.

“Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc.Người đẹp không tự nhiên mà có” (Elisabeth Kubler-Ross). Một câu danh ngôn tình cờ nhưng hay nhất về nỗi mất mát mà tôi từng biết. Tôi nghĩ về người đàn bà geisha hậu chiến dường như đã mất sạch cuộc đời mình nhưng vẫn kiên trì và kiêu hãnh làm người, với “đường em chọn đi”. Tôi nghĩ về cô bé với đôi hài đỏ “giờ đây mang đôi mắt xanh”, mất hết gốc gác của mình, nhưng đã chạm vào nỗi lòng tự trọng của một đất nước. Trong những ngày lang thang ở Yokohama, tôi không thôi nghĩ về nỗi mất mát, của con người và của một thành phố (kể cả Huế đầy những mất mát đau thương của tôi), và từ đó họ đứng dậy, như một người đẹp, một thành phố đẹp. Vẻ đẹp không tự nhiên mà có.

Vẻ đẹp minh triết của mất mát.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top