ClockThứ Bảy, 03/08/2019 09:59

Mỏ đá Hương Hữu đã nộp truy thu thuế cho nhà nước hơn 700 triệu đồng

TTH.VN - Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí tuần 31 diễn ra chiều 2/8, những vấn đề dư luận quan tâm do Báo Thừa Thiên Huế phản ánh liên quan đến mỏ đá Hương Hữu (Nam Đông) và biên chế của Ban Dân tộc tỉnh đã được giải đáp thỏa đáng.

Sản xuất đá không phép, gây ô nhiễmBan Dân tộc tỉnh: Kiện toàn, sắp xếp các phòng, bộ phận chuyên môn

Cơ sở sản xuất đá Hương Hữu đã nhiều lần bị xử lý vi phạm bảo vệ môi trường

Nhiều lần vi phạm

Báo Thừa Thiên Huế có bài phản ánh về việc mỏ đá ở xã Hương Hữu (Nam Đông) do Công ty TNHH Thạch Phú Hưng làm chủ được cấp phép tận thu từ 2008 - 2011, mặc dầu đã hết thời hạn nhưng vẫn đang được tiếp tục khai thác. Tại sao việc khai thác và sản xuất trái phép xảy ra trong một thời gian dài gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, bồi lấp ruộng vườn như vậy mà không bị xử lý?

Vấn đề này, UBND huyện Nam Đông cho biết, Công ty TNHH Thạch Phú Hưng được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với thời hạn 36 tháng kể từ tháng 5/2008.

Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên phối hợp với địa phương và các đoàn kiểm tra của các sở, ban ngành tiến hành kiểm tra về việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Tháng 7/2010, đoàn kiểm tra liên ngành Sở Tài nguyên - Môi trường và Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản ngoài khu vực đã cấp phép với số tiền 6,5 triệu đồng.

Năm 2016, đoàn thanh tra huyện đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản và thực hiện các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước về thuế, phí tại công ty. UBND huyện đã có kết luận và truy thu số tiền hơn 711 triệu đồng nộp ngân sách do có hành vi sai phạm kê khai không đúng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường năm 2015, giấu số thuế GTGT đầu ra năm 2015, hạch toán không đúng thuế TNDN 2015.

Đồng thời, yêu cầu công ty chấp hành nghiêm túc việc bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải không gây ảnh hưởng môi trường tại khu vực chế biến; thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí. UBND huyện cũng thống nhất tạo điều kiện để công ty tiếp tục chế biến số nguyên liệu đá đã khai thác; khuyến khích tạo điều kiện cho công ty chuyển đổi mô hình, mở rộng sản xuất, tiến hành các thủ tục để cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Từ năm 2017 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra định kỳ theo kế hoạch kiểm tra hàng năm và đột xuất. Kết quả các đợt kiểm tra cho thấy, do kết quả phân tích mẫu có vi phạm nên UBND huyện đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng với hành vi “Xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định” và “Buộc cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại xưởng chế biến của công ty”.

Sau khi có Kết luận Thanh tra và các Quyết định xử phạt, Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đã chấp hành việc nộp thuế, phí, tiền phạt và xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng hình thức làm hồ lắng. Tuy nhiên, ngày 21/5/2019, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra thì nhận thấy việc xây dựng bể xử lý nước thải nhưng chưa đảm bảo theo quy định và đề nghị tạm đình chỉ đối với hoạt động của công ty.

Từ những căn cứ trên, UBND huyện đã thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến của công ty đảm bảo đúng quy định, đã có những hình thức xử phạt và biện pháp yêu cầu công ty xử lý vấn đề môi trường. Riêng việc công ty còn hoạt động (trước ngày 21/5/2019) là do số nguyên liệu đá đã khai thác hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn chưa chế biến hết.

Sẽ giảm trưởng, phó phòng ở Ban Dân tộc

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh. ảnh: HN

Vừa qua, nhiều tờ báo trong đó có Báo Thừa Thiên Huế phản ánh tại Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo nhiều gấp đôi nhân viên. Xin hỏi quan điểm của tỉnh về vụ việc này như thế nào? Vì sao lại có tình trạng này?

Vấn đề này, Sở Nội vụ thông tin, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV ngày 22/12/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (sau đây gọi tắt là Thông tư 07), ngày 20/4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh.

Theo đó, quy định Ban Dân tộc có Trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban; số lượng phòng tổng hợp và chuyên môn gồm 5 phòng: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc; Phòng Kế hoạch Tổng hợp; Phòng Tuyên truyền và Địa bàn theo đúng quy định của Thông tư 07. Do Thông tư 07 không quy định cụ thể số lượng cấp phó các phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ của Ban Dân tộc tỉnh nên UBND tỉnh không có cơ sở để quy định số lượng cấp phó các phòng này.

Hiện nay, biên chế giao cho Ban Dân tộc là 19, có mặt 17 người (1 trưởng ban, 1 phó trưởng ban, 3 trưởng phòng, 5 phó trưởng phòng, 7 chuyên viên và nhân viên).

Nguyên nhân chính của tồn tại trên do chỉ tiêu biên chế ít nhưng quy định có nhiều phòng ban chuyên môn. Ngoài ra, do thực hiện Nghị định số 108/NĐ/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, Ban Dân tộc đã tinh giản biên chế giai đoạn năm 2015 đến năm 2019 đạt tỷ lệ 12,5%, nên tổng số lượng công chức giảm.

Thực hiện Chương trình hành động số 100/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Dân tộc đã xây dựng phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế các phòng, bộ phận chuyên môn thuộc đơn vị.

Ngày 18/7/2019, Sở Nội vụ đã có Tờ trình số 896/TTr-SNV trình UBND tỉnh ban hành Quyết định tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc. Sau khi tổ chức lại, Ban Dân tộc sẽ giảm 2 phòng và số lãnh đạo cấp Trưởng, Phó Trưởng phòng sẽ giảm tương ứng.

Sẽ trồng cây muối trên đường Hùng Vương

Đường Hùng Vương hiện nay vẫn chưa được trồng cây xanh

Một vấn đề Báo Thừa Thiên Huế từng nêu đó là đường Hùng Vương đã hoàn thành lâu nhưng chưa triển khai trồng cây xanh. UBND tỉnh có chỉ đạo gì về trồng cây ở tuyến đường này?

Theo UBND TP. Huế, hiện tại, đường Hùng Vương (đoạn từ cầu An Cựu đến ngã sáu) đã trồng cây nhội (muối). Để đảm bảo tính đồng bộ trên tuyến đường, UBND TP. Huế thống nhất theo đề xuất của Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và các đơn vị liên quan, chọn phương án trồng cây xanh đường Hùng Vương đoạn còn lại từ ngã sáu đến đường Lê Lợi là cây nhội. Hiện, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đang triển khai trồng cây trên tuyến này.

Bài, ảnh: Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

TIN MỚI

Return to top