ClockChủ Nhật, 30/11/2014 15:44

Mô hình trồng rau mới cho hải đảo

TTH - Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Văn Quy, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế đã nghiên cứu thành công mô hình trồng rau thích hợp cho vùng ven biển và hải đảo. Tiết kiệm nước, không tốn nhiều diện tích, năng suất cao và chi phí lắp đặt thấp, mô hình này một khi được ứng dụng sẽ giúp các chiến sĩ ở Trường Sa và các vùng hải đảo của đất nước cũng như người dân sống ở những vùng khan hiếm nước ngọt hoàn toàn có thể chủ động về nguồn rau cho cuộc sống hằng ngày.

Rau mùng tơi, cải, bí trồng bằng phương pháp thủy canh nhỏ giọt điều khiển tự động phát triển xanh tốt

Hệ thống thủy canh bấc đèn gồm 3 bộ phận là thùng chứa đựng nước và dinh dưỡng; bộ phận đựng giá thể trồng; hệ thống bấc kết nối giữa thùng chứa và bộ phận đựng giá thể trồng để đưa nước và dinh dưỡng lên giá thể trồng. Sợi bấc sẽ làm nhiệm vụ hút nước và dung dịch dinh dưỡng lên cung cấp cho rễ cây (tương tự như sợi bấc trong đèn dầu, hút dầu lên để duy trì sự cháy). Cây sẽ có đủ nước và chất dinh dưỡng để phát triển. Hệ thống thủy canh nhỏ giọt tự động được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế do tiết kiệm nước tưới, đã được áp dụng khá phổ biến ở một số nước, gồm ống nhỏ giọt; hệ thống lọc nhằm đảm bảo dây nhỏ giọt hoạt động tốt, nước và phân bón hoà tan sau khi đi qua hệ thống lọc sẽ được đưa vào hệ thống nhỏ giọt cung cấp cho cây trồng. Với ưu điểm đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong tầng đất, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ không khí, nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, quang hợp... cho cây trồng.

Tại vùng đất cát ven biển Phú Thuận (Phú Vang), những cây mùng tơi, rau bí, cải xanh, cải thìa, rau muống được trồng bằng phương pháp thủy canh bấc đèn và thủy canh nhỏ giọt phát triển xanh tốt, cho năng suất gấp 3 lần so với trồng bình thường. Đây là kết quả của đề tài “Khảo nghiệm tính thích nghi và hiệu quả của một số loại rau trồng bằng phương pháp thủy canh tại vùng đất cát ven biển Thừa Thiên Huế” của ThS Nguyễn Văn Quy sau gần nửa năm thiết kế, xây dựng mô hình. 

Theo ThS.Quy, hiện có 3 mô hình trồng rau chính trên các đảo là: trồng trên đất, áp dụng ở các đảo nổi; trồng trên khay nhựa, áp dụng ở các đảo chìm; trồng thủy canh trong nhà kính. Tuy nhiên mô hình trồng rau trên đất và trồng trên khay nhựa tốn nhiều nước và công chăm sóc mà năng suất và chất lượng rau chưa cao, các loại rau chưa đa dạng. Riêng mô hình thủy canh trong nhà kính thì đã thất bại do nhiệt độ trong nhà kính quá cao, mô hình trồng là thủy canh tĩnh chưa phù hợp nên cây rau không phát triển được. “Xuất phát từ đó, tôi đã nghiên cứu mô hình trồng rau sao cho thuận thiện và hiệu quả hơn, ThS.Quy nói. - Một số mô hình canh tác tiên tiến có thể áp dụng để trồng rau rất tốt tại các vùng hải đảo như mô hình thủy canh nhỏ giọt điều khiển tự động dựa vào ẩm độ đất, thích hợp để trồng rau, cây ăn quả, cây cỏ chăn nuôi quy mô vừa và lớn tại các vùng đảo nổi. Công nghệ thủy canh bấc đèn thích hợp để trồng rau tại các vùng đảo chìm. Đây là những công nghệ có khả năng tiết kiệm nước cao, khắc phục được các điều kiện thời tiết khó khăn, cây trồng có năng suất chất lượng cao và một điều quan trọng nữa là ít tốn công chăm sóc”.

Việc đưa các mô hình này vào khảo nghiệm tại các các vùng ven biển, nơi có khí hậu và đất đai tương tự như các vùng biển đảo để đánh giá tính thích nghi và hiệu quả là việc làm cần thiết trước khi đưa ra áp dụng trực tiếp trên các vùng biển đảo của Việt Nam. Đây chính là lý do ThS.Quy đã thực hiện đề tài: “Khảo nghiệm tính thích nghi và hiệu quả của một số loại rau trồng bằng phương pháp thủy canh tại vùng đất cát ven biển Thừa Thiên Huế”.

“Từ kết quả của đề tài này, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình trồng thủy canh phù hợp đối với các đối tượng cây trồng khác như cà chua, dưa leo, xà lách... Hai mô hình thủy canh bấc đèn và hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển tự động không chỉ có thể ứng dụng để đưa vào sản xuất các loại rau phục vụ cho người dân ven biển hay các vùng hải đảo, vùng khan hiếm nước ngọt mà cũng có thể ứng dụng để trồng rau trên ban công, sân thượng trên các ngôi nhà phố vì ưu điểm không cần nhiều diện tích, ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước, giúp người dân chủ động nguồn rau sạch cho gia đình mình”, ThS.Quy hào hứng.

Đề tài “Khảo nghiệm tính thích nghi và hiệu quả của một số loại rau trồng bằng phương pháp thủy canh tại vùng đất cát ven biển Thừa Thiên Huế” của ThS Nguyễn Văn Quy là đề tài tiếp nối đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời” do NGƯT.TS.Đinh Vương Hùng, Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường đại học Nông Lâm Huế chủ trì và đã nghiên cứu thành công. Mô hình trồng rau cho vùng hải đảo của ThS Nguyễn Văn Quy sẽ sử dụng chính nguồn nước ngọt được chưng lọc từ thiết bị chưng lọc nước ngọt từ nước biển sử dụng năng lượng mặt trời của NGƯT.TS.Đinh Vương Hùng sẽ đem lại lợi ích vô cùng thiết thực cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa và người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt.

 

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Return to top