ClockThứ Bảy, 08/11/2014 02:33

Mở quy hoạch cho đô thị Huế

TTH - Nhìn bản đồ TP Huế, chúng ta dễ dàng nhận thấy tuyến đường sắt ở ngay trung tâm chia cắt Huế thành 2 vùng, vùng tây nam chiếm khoảng gần 60% diện tích, vùng đông bắc là phần diện tích còn lại.

Ở Huế, hiếm có được những con đường dài hàng chục km, thẳng, rộng như ở các thành phố lớn khác. Mấu chốt của vấn đề giao thông đô thị Huế là tuyến đường sắt chạy ngang trung tâm thành phố đã ảnh hưởng đến tư duy quy hoạch đô thị Huế; xem nó giống như là “mặc định”, không thể thay đổi, nên quy hoạch hệ thống giao thông xem ra có vẻ tủn mủn.

 
Cảnh đợi tàu là nỗi ám ảnh của người dân đô thị. Ảnh: Võ Nhân
Trong tương lai, xu hướng phát triển dân cư cơ học, phát triển biệt thự, nhà vườn rõ ràng phải tập trung vào vùng tây nam, nơi đất rộng, người thưa. Về du lịch, ngoại trừ kinh thành Huế, hầu như toàn bộ lăng tẩm và các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đều nằm phía tây nam. Hệ thống các trường đại học đang dịch dần về phía tây nam; trong lúc các trường trung học phổ thông, một số trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non chất lượng cao lại ở phía đông bắc dẫn đến hằng ngày lưu lượng học sinh, sinh viên thường xuyên qua lại giữa 2 vùng liên tục... đòi hỏi phải nâng cấp, mở rộng hệ thống trục giao thông chính.
Thử đặt vấn đề quy hoạch đô thị Huế không có đường sắt đi ngang trung tâm thì dễ dàng nhìn thấy hệ thống xương sống giao thông nối liền vùng tây nam và đông bắc thành phố sẽ có các tuyến đường dài hàng chục km, có thể hình thành các đại lộ của Huế. Tuyến đường sắt chạy ngang thành phố đã chia cắt các đường chính ở trung tâm như Lê Duẩn - Kim Long, Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Trần Phú, Ngự Bình, Hồ Đắc Di. Trên các tuyến chính này, hiện nay, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông từ vùng tây nam xuống đông bắc và ngược lại chưa nhiều như ở các tuyến đường khác, nhưng do đường hẹp nên mỗi khi tàu hỏa đi ngang, nhất là vào giờ cao điểm đã gây ách tắc giao thông, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của cư dân đô thị. Trong tương lai không xa, khi đô thị phát triển, chắc khó tránh khỏi ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Nếu di chuyển tuyến đường sắt ra khỏi nội đô Huế từ ngã ba thị xã Hương Trà đi dọc theo tuyến đường tránh Huế sẽ mở ra không gian quy hoạch đô thị rộng lớn. Hơn thế, các phường vùng ven đô thị Huế thuộc thị xã Hương Trà và Hương Thủy cũng sẽ hình thành các tuyến giao thông đông - tây mở rộng không gian đô thị. Tuyến đường sắt từ ngã ba đường tránh Huế đến trung tâm thành phố sẽ giúp mở rộng đường bộ, chỉnh trang các khu dân cư “lụp xụp” dọc theo đường sắt thành đô thị khang trang.
Đáng mừng là, tại Quyết định số 86/2009/QĐ -TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 khẳng định tại phần VI, Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng “…di chuyển ga Huế ra khỏi nội đô và nâng cấp thành ga trung tâm của thành phố”. Hẳn nhiên, việc di chuyển tuyến đường sắt ra khỏi nội đô Huế cần một lộ trình. Song nếu chúng ta kiên trì theo đuổi ý tưởng chiến lược này đã được Trung ương chấp thuận thì mọi hoạt động quy hoạch đô thị Huế sẽ chảy theo một tư duy nhất quán, để khi cơ hội đến và có điều kiện thuận lợi sẽ tổ chức thực hiện, góp phần lo cho Huế vài chục năm sau xứng đáng là một đô thị văn hóa, du lịch và di sản nhân loại, một thành phố lớn của cả nước.
Vinh Dung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top