ClockThứ Hai, 02/08/2021 14:23

Mở ra cơ hội cho cử nhân làm giáo viên

TTH - Sau nhiều năm tạm dừng, các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) tại Huế chuẩn bị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (NVSP) cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng trở thành giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Lặng lẽ vì sự nghiệp “trồng người”

Cử nhân có nguyện vọng trở thành giáo viên có thể học lớp về nghiệp vụ sư phạm (Ảnh minh họa)

Mở đường cho cử nhân làm giáo viên

Những ngày qua, đội ngũ giảng viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế đã và đang xây dựng bài giảng và bộ phận chức năng cũng đang thẩm định chương trình, đảm bảo đúng quy trình theo quy định của việc tổ chức bồi dưỡng NVSP cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Cùng với đó, nhà trường đã thông báo về việc tổ chức bồi dưỡng NVSP cho các đối tượng liên quan có nhu cầu. TS. Hồ Hữu Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lực Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm cho biết: “Đã có hồ sơ các thí sinh gửi đến trung tâm. Dự kiến, trong tháng 8 sẽ mở lớp đầu tiên. Sau đó tùy theo nhu cầu xã hội, lượng thí sinh để quyết định thời gian mở thêm các lớp tiếp theo”.

Không chỉ riêng Trường ĐH Sư phạm, vừa qua Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng đã có thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng chứng chỉ NVSP dành cho người có bằng cử nhân ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung). ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, dựa trên lượng thí sinh đăng ký, nhà trường sẽ sớm thông báo về thời gian nhập học.

Việc bồi dưỡng NVSP cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp được xem là cơ hội trở lại cho các cử nhân muốn trở thành giáo viên sau 7 năm tạm dừng. Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từng ban hành các thông tư về chương trình bồi dưỡng NVSP cho người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành giáo viên THPT. Tuy nhiên, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ NVSP cho những người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành giáo viên THPT. Theo lãnh đạo các trường ĐH, những năm qua nhu cầu của nhiều cử nhân muốn trở thành giáo viên khá lớn. Không ít trường hợp cử nhân đã làm gia sư, đi dạy tại các trung tâm và có mong muốn trở thành giáo viên tại các trường học nhưng lại thiếu chứng chỉ NVSP.

Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021 Ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng NVSP cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021 Ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng NVSP cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT của Bộ GD&ĐT là cơ sở để các đơn vị đào tạo trở lại và được xem là tín hiệu đáng mừng giúp đa dạng nguồn cung, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhiều bậc học.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, dựa trên Thông tư Bộ GD&ĐT ban hành, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học được thiết kế với 35 tín chỉ, trong đó 31 tín chỉ bắt buộc, 4 tự chọn. Một tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết. Một tiết lý thuyết tương đương với hai tiết thảo luận, thực hành. Riêng chương trình dành cho người có nguyện vọng làm giáo viên THCS, THPT sẽ gồm 34 tín chỉ, trong đó 17 học phần chung và 17 học phần nhánh THCS hoặc THPT. Các tín chỉ được tính tương đương như với tiểu học.

Đào tạo sát với thực tiễn

Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm, tùy vào điều kiện thực tiễn, hình thức tổ chức bồi dưỡng sẽ gồm: bồi dưỡng trực tiếp; bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến. Bộ GD&ĐT cũng quy định rất chặt chẽ thời gian thực hiện chương trình tối thiểu 1 năm để đảm bảo thời lượng và chất lượng bồi dưỡng; tối đa không quá 2 năm.

Chương trình đào tạo khá sát với chương trình của sinh viên chính quy về những nội dung cốt lõi. Tài liệu được biên soạn phải phù hợp với chương trình bồi dưỡng, đảm bảo tính khoa học, gắn lý luận với thực tiễn giáo dục phổ thông; nội dung tài liệu được biên soạn theo kết cấu mở để tạo điều kiện cho giảng viên, báo cáo viên thường xuyên bổ sung, cập nhật những nội dung và những kinh nghiệm thực tiễn từng thời điểm vào nội dung bài giảng. Tài liệu bồi dưỡng được tổ chức biên soạn, thẩm định phù hợp với hình thức tổ chức bồi dưỡng.

TS. Hồ Hữu Nhật cho biết, sinh viên theo học chương trình bồi dưỡng cũng phải trải qua 5 tuần thực tập, 5 tuần kiến tập và được gửi đến các trường học như sinh viên chính quy. Đồng thời, có những yêu cầu cụ thể đối với hoạt động thực tập, kiến tập. Quá trình đào tạo, sau mỗi học phần, học viên phải thực hiện một bài kiểm tra (viết, vấn đáp hoặc thực hành) được đánh giá bằng điểm số và theo thang điểm 10. Học viên thực hiện trên 80% số tiết trên lớp và hoàn thành các nhiệm vụ học tập thì được tham dự đánh giá học phần.

Đối tượng áp dụng với Thông tư 11 là những người có bằng cử nhân của 6 chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ). Riêng với thông tư 12 là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT, có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS/THPT đều được tham gia bồi dưỡng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng

Thừa Thiên Huế đã, đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có năng lực trong ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và lắp ráp ô tô. Các kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của những DN này sẽ trở thành cơ hội kích hoạt tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cơ hội kích hoạt tăng trưởng
Bỏ khung giá đất: Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nội dung bỏ khung giá đất (KGĐ). Đây là vấn đề khá nhiều địa phương trên cả nước mong chờ vì góp phần tháo gỡ những bất cập trong bồi thường, thu hồi đất xây dựng các công trình, dự án (DA).

Bỏ khung giá đất Cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi đơn hàng và mở rộng phát triển sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
“4 chỉ dẫn địa lý” cơ hội phát triển sản phẩm Huế

Là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành có nhiều chỉ dẫn địa lý (CDĐL) nhất cả nước, Thừa Thiên Huế hiện đã được cấp 4 văn bằng CDĐL “Huế”. Đây không chỉ khẳng định giá trị đặc trưng riêng có của các sản phẩm mà còn mang đến nhiều cơ hội để bảo tồn, phát triển, lan tỏa và thương mại hóa sản phẩm. Để hiểu rõ hơn về “giá trị” của các CDĐL “Huế”, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

“4 chỉ dẫn địa lý” cơ hội phát triển sản phẩm Huế

TIN MỚI

Return to top