ClockThứ Năm, 01/06/2017 16:02

Mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý phải đảm bảo khả thi

TTH.VN - Sáng 1/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Mở đầu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tiếp đến, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Tham gia đóng góp vào dự thảo luật, ông Nguyễn Chí Tài, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế tham gia góp ý một số nội dung.  

Mở rộng đối tượng được trợ giúp

Ông Nguyễn Chí Tài phát biểu góp ý về Luật trợ giúp pháp lý tại hội trường vào sáng 1/6

Đối với người được trợ giúp pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (tại điểm b, khoản 1, Điều 76) quy định về chỉ định người bào chữa đối với “Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.” Với những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa là “Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.”

Như vậy, đối tượng trên là một trong những đối tượng được ưu tiên trợ giúp pháp lý trong pháp luật về tố tụng hình sự. Ông Nguyễn Chí Tài đề nghị bổ sung vào Điều 7 một khoản có nội dung: “Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”, cũng là người được trợ giúp pháp lý, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 18), tại khoản 1 Điều này quy định: Trung tâm trợ giúp pháp lý có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, mà không quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 48 có quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm các quy định của Luật này. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.

Do vậy, ông Nguyễn Chí Tài đề nghị bổ sung vào điểm đ khoản 1 thẩm quyền giải quyết tố cáo của Trung tâm trợ giúp pháp lý, và viết lại như sau: “Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân định rõ các nội dung tại khoản 1 Điều này, theo hướng: nội dung nào thuộc quyền của Trung tâm trợ giúp pháp lý và nội dung nào thuộc nghĩa vụ mà Trung tâm bắt buộc phải thực hiện.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cần hiệu quả và thiết thực hơn

Về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng (Điều 44), theo ông Tài, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, quyền con người trong việc tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên dự thảo luật quy định vấn đề này còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thông báo, cách thức tiếp cận để nhận sự trợ giúp pháp lý giữa người yêu cầu với cơ quan trợ giúp pháp lý, nhất là đối với các đối tượng đang bị tam giam, tạm giữ hoặc bị truy tố.

Để đảm bảo tính chặt chẽ trong dự thảo, ông Tài đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung theo hướng như sau:

Thứ nhất: Quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thông báo và giải thích cho bị can, bị cáo và những người liên quan biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng và quyền được trợ giúp pháp lý; hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản tố tụng để lưu lại hồ sơ vụ án nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị can, bị cáo. Khi những người có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm cung cấp mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn để đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý được thực hiện nghiêm túc. Nếu trong trường hợp những người này không có yêu cầu trợ giúp pháp lý, cũng phải ghi vào biên bản.

Thứ 2: Quy định trách nhiệm của cơ quan tạm giam, tạm giữ, người thực hiện tạm giam, tạm giữ trong việc giải thích cho người bị tạm giam, tạm giữ biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Khi người bị tạm giam, tạm giữ có yêu cầu trợ giúp pháp lý, thì đơn vị đang tạm giam, tạm giữ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ họ trong việc viết đơn và chuyển đến cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định các đơn vị tạm giam, tạm giữ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp xúc với người bị tạm giam, tạm giữ theo đúng quy định của Luật trợ giúp pháp lý và pháp luật có liên quan.

“Việc bổ sung những quy định trên sẽ đảm bảo tính pháp lý cũng như ràng buộc đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan tạm giam, tạm giữ để hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả và thiết thực hơn”- ông Nguyễn Chí Tài khẳng định.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 48), để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, đồng thời cũng phù hợp với trình tự khiếu nại quy định tại Luật khiếu nại, ông Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo bổ sung trường hợp “quá thời hạn quy định (3 ngày đối với người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và 15 ngày đối với Giám đốc Sở Tư pháp) mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án” vào đoạn cuối của khoản 1, và viết lại như sau: “... trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”.

Thái Bình - Quốc Vương (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Return to top