ClockThứ Năm, 01/07/2021 15:03

Mở rộng Tp. Huế, sáp nhập một số phường là tất yếu

TTH - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Thừa Thiên Huế nhân sự kiện Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Công bố điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. HuếĐẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết điều chỉnh mở rộng TP. Huế

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu. Ảnh: ANH PHONG

Thưa Bí thư Tỉnh ủy, phiên họp thứ 55, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố. Vậy, nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh?

Nghị quyết 1264 của UBTVQH về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là khắc phục tình trạng diện tích hiện hữu quá nhỏ so với quy định, là cơ sở để phát triển đô thị lõi đạt chuẩn, làm nền tảng để phát triển đô thị cả tỉnh trong tương lai.

Đồng thời, có tính chất đặc biệt, là vấn đề cốt lõi để giải quyết bài toán “đô thị có tính chất đặc thù” nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Ảnh: ANH PHONG

Những nhiệm vụ trọng tâm nào được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đặt ra nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 1264, thưa ông?

Để triển khai, thực hiện Nghị quyết 1264 nghiêm túc, đúng lộ trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 05, ngày 4/6/2021. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các đơn vị điều chỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 1264, tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm bộ máy trong hệ thống chính trị của đơn vị hành chính cấp xã mới được hình thành sau khi sắp xếp, thành lập phường đi vào hoạt động theo đúng quy định.

Trong thời gian sáp nhập không để gián đoạn hoạt động của bộ máy. Kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng tạo điểm nóng; không để bị động, bất ngờ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vậy, việc mở rộng thành phố, thành lập các phường có ảnh hưởng gì nhiều đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không, thưa ông?

Chương trình hành động 69-CTr/TU, ngày 3/2/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra 10 nhiệm vụ, với nhiều giải pháp, đề án cụ thể. Trong đó, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố là một nội dung rất quan trọng.

Không gian đô thị Huế được mở rộng hơn 3,7 lần. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Đề án đã được triển khai lấy ý kiến cử tri, HĐND các cấp bảo đảm theo đúng thời gian, trình tự và thủ tục quy định, nhận được tỷ lệ đồng thuận rất cao. Đề án được chấp nhận tại thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đây là tiền đề, là điều kiện để tính toán, sắp xếp, bố trí cán bộ, củng cố bộ máy của hệ thống chính trị khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, việc mở rộng thành phố, thành lập các phường ảnh hưởng không nhiều đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Có ý kiến cho rằng, nhiều phường gộp lại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là công tác bố trí cán bộ, Bí thư nghĩ gì về vấn đề này?

Hiện tại một số phường thuộc TP. Huế không đạt tiêu chuẩn đô thị theo quy định, nhất là tiêu chí về diện tích, dân số. Vì vậy, việc sáp nhập một số phường là tất yếu, nhưng chức năng, nhiệm vụ không có gì thay đổi, cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng vậy.

Song, phạm vi hoạt động rộng hơn, tính chất công việc có phức tạp hơn, đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức năng động, sáng tạo và tâm huyết. Đây là vấn đề đã dự báo và đã có phương án sắp xếp, bố trí phù hợp. Do đó, khi các phường sáp nhập lại không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung mở rộng TP?

Nhiệm vụ, giải pháp thì nhiều; trong đó, cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu hình thành các đô thị tương lai. Cán bộ, đảng viên cần sâu sát thực tiễn, nắm bắt, dự báo và xử lý đúng tình hình; đề cao trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành để đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Các cấp ủy viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải có chương trình công tác ở cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của đảng viên, Nhân dân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả... nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 1264 nghiêm túc, đúng lộ trình, từng bước đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy!

ANH PHONG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

Chiều 15/3, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế theo Quyết định số 147 ngày 05/2/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); đồng thời, công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế
Tạo nền tảng để bứt phá trong năm 2024

Năm 2023, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Dù vậy, để tạo bứt phá trong năm 2024, nhiều giải pháp cần được đặt ra. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Tạo nền tảng để bứt phá trong năm 2024
Tạo thế và lực khi lên thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thừa Thiên Huế đạt trên 7%, dù chưa như kỳ vọng song đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn chung...

Tạo thế và lực khi lên thành phố trực thuộc Trung ương
Đô thị cho thành phố trực thuộc Trung ương

Nhiều vấn đề về môi trường, chỉnh trang đô thị, áp lực giao thông và quy hoạch mạng lưới giao thông rất cần các giải pháp căn cơ, phù hợp. Diện mạo một đô thị văn minh, hiện đại là điều tỉnh đang hướng đến trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Đô thị cho thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top