ClockThứ Hai, 21/04/2014 06:45

Một cuốn sách “chứa” trên 60… cuốn sách

TTH - Đó là cuốn "Trang sách – Cuộc đời – Nhà văn" (NXB Hội Nhà văn, Quý 2/2014) của nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Sách dày gần 400 trang, gồm 75 bài viết, trong đó trên 60 bài giới thiệu 63 tác phẩm đã xuất bản trong hơn 10 năm qua nên có thể gọi cuốn sách này "chứa" trên 60 cuốn sách.

Trong “lời ngỏ”, tác giả viết:

 

“…Nhiều năm qua, do “duyên may” có dịp được đọc nhiều tác phẩm và đã viết giới thiệu chúng trên các báo chí trong Nam ngoài Bắc, chủ yếu với cảm nhận của một người viết tiểu thuyết, đồng thời là một nhà báo luôn quan tâm đến thời cuộc. Cũng vì thế, các bài viết không có tính “hàn lâm”, không đi sâu vào mặt lý luận, mà chủ yếu nhấn mạnh các giá trị và đặc điểm của mỗi tác phẩm, với cách thể hiện ngắn gọn, nhằm phục vụ bạn đọc rộng rãi…Thôi nghĩ những bài viết của mình ít nhiều có ích, góp phần giúp bạn đọc chọn sách trong thị trường sách phong phú mà cũng khá là hỗn loạn hiện nay. Với các bạn ít có điều kiện (hoặc ngại) đọc sách, tôi hy vọng khi gấp cuốn sách này lại, bạn sẽ thốt lên với chút thú vị: “À, thì ra các nhà văn họ đã viết những chuyện như thế!...”.

Cũng thiết nghĩ, trong nghề phê bình, việc nghiền ngẫm đi sâu vào mọi khía cạnh của tác phẩm là rất cần thiết, nhưng tác phẩm văn nghệ cũng là một thứ hàng hóa, một “món ăn”, nên bạn đọc cũng cần sự “nóng sốt”, tươi mới. Chính vì thế, với không ít tác phẩm xuất hiện, bài viết của tôi thường xuất hiện đầu tiên trong toàn hệ thống báo chí cả nước (ví như với tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “Minh sư” của Thái Bá Lợi, “Đối chiến” của Khuất Quang Thụy, “Vùng sâu” của Tô Nhuận Vĩ, “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang...). Nói vậy, không phải để khoe, mà để mong được sự thông cảm về những hạn chế trong những bài viết đó.
Tuy vậy, tôi không chỉ “săn” những tác phẩm lớn của những tên tuổi dễ được dư luận chú ý. Thiết nghĩ, một số tác giả khác - trong đó có những cây bút trẻ, cũng cần được giới thiệu, ít ra cũng giúp vào việc đánh giá nền văn nghệ một cách toàn diện (miễn là họ không viết theo kiểu câu khách, rẻ tiền). Các bài giới thiệu bộ tiểu thuyết của Meggie Phạm hay bút ký “Về với đỉnh tuyệt mù” của Nhụy Nguyên thuộc loại đó…
Về văn học nước ngoài, mặc dù số lượng ít và một số tác giả “mới toanh” với nhiều bạn đọc (như Chimamanda Ngozi Adichie - nữ văn sĩ Nigeria, Hân Nhiên - nữ văn sĩ Trung Quốc…), các tác phẩm mà tôi đề cập đến có lẽ cũng giúp độc giả hiểu thêm vài “góc cạnh” cuộc sống muôn vẻ của “thế giới quanh ta”, đồng thời hình dung phần nào các nhà văn nước ngoài đã “phản ảnh thực tế” với nghệ thuật như thế nào…
 Với khối lượng sách đồ sộ được xuất bản những năm vừa qua, 63 cuốn sách chỉ là một phần nhỏ; tuy vậy, nhờ cách chọn lọc của tác giả, từ tác phẩm này, chúng ta có thể làm phong phú thêm kiến thức, tâm hồn của mình, nhờ có dịp “gặp gỡ” với những nhân vật có vị trí đặc biệt đối với lịch sử đất nước Việt Nam, với cuộc sống nhiều mặt qua những trang sách được tác giả giới thiệu với người đọc. Xa xưa có chúa Nguyễn Hoàng, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thời hiện đại có Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp, Luật sư Phan Anh, Đồng Sĩ Nguyên, Phạm Xuân Ẩn, Thân Trọng Một, Lê Quang Vịnh…; văn nhân có Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Phùng Quán, Thanh Hải, Hải Bằng, Hoàng Cát…; có cả những nhân vật từng ở bên kia chiến tuyến như Dương Văn Minh… Tuy chỉ qua vài trang giới thiệu tác phẩm, bạn đọc vẫn có thể hình dung được phần nào không khí sôi nổi của Cách mạng Tháng Tám, cuộc chiến đấu hào hùng trên Trường Sơn cho đến những số phận nhỏ bé, thiệt thòi trong nhiều cảnh đời ngang trái…
“…Việc đánh giá tác phẩm khác nhau là lẽ thường. Tác giả không dám cho mọi nhận định của mình là đúng, chỉ mong rằng tập sách này sẽ góp phần giúp bạn đọc biết thêm một cách nhìn, một cách đánh giá về những tác phẩm được đề cập đến. Những tác phẩm giới thiệu trong tập này - có nhiều cuốn đang “xếp hàng” trên các kệ sách chờ bạn tìm đến mua, nhưng cũng có cuốn xuất bản đã lâu hoặc đã bán hết. Nếu như do đọc tập sách này mà bạn đến thư viện tìm hỏi những tác phẩm ấy thì đó là niềm vui của tác giả.”
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết như thế trong “Lời ngỏ” của tác phẩm. Có lẽ cần phải viết thêm: Đó cũng là niềm vui của chúng ta vì cuốn sách là một cố gắng cổ động, tôn vinh “văn hoá đọc” và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam một cách thiết thực bổ ích.
Nguyễn Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top