ClockThứ Năm, 04/09/2014 09:56

Mơ ước từ làng nghề

TTH - 148 tỷ đồng là số tiền sẽ được đầu tư cho một trung tâm làng nghề rộng hơn 10 héc-ta đặt tại phường Thủy Xuân, cách trung tâm T.P Huế 4km.

Thông tin trên vừa được Sở Công thương công bố, trong bối cảnh các làng nghề truyền thống Huế đang chật vật trở mình. Và đây cũng không phải là lần đầu, tỉnh đã có những động thái hỗ trợ để làng nghề phát triển.

Cách đây hơn chục năm, là dự án làng nghề đúc đồng tại Phường Đúc. Tiếp đến là trung tâm làng nghề tại 15 Lê Lợi - T.P Huế. Lúc dự án được triển khai, các làng nghề đã rất mừng bởi mục đích ban đầu của công trình là để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho làng nghề Huế đang thiếu nơi chào hàng. Thế nhưng đến nay, cả hai trung tâm làng nghề trên đều không phát huy được hiệu quả.

Ở trung tâm làng nghề Phường Đúc, do đầu tư nhỏ lẻ, công trình thiếu hoàn thiện và kết nối nên chưa trở thành điểm đến thu hút du lịch như mong muốn. Riêng trung tâm làng nghề trên đường Lê Lợi đã trở thành quán cà phê, nơi bán sách, tổ chức triển lãm…, thay vì trưng bày sản phẩm làng nghề như mục tiêu ban đầu.

Còn nhớ khi trung tâm chuẩn bị đi vào hoạt động, một doanh nghiệp du lịch được mời đến để phối hợp tổ chức khai thác. Sau buổi làm việc và xem qua trung tâm, doanh nghiệp này đành lắc dầu từ chối với chia sẻ buồn: “Giá như tôi được mời ngay từ đầu, khi tòa nhà chưa làm thì hay biết mấy”. Cũng theo vị giám đốc này thì với thiết kế hiện có, trung tâm làng nghề không phù hợp với việc tổ chức trưng bày sản phẩm làng nghề. Và đây chắc chắn phải là bài học, một kinh nghiệm được rút ra trước khi tiến hành xây dựng một trung tâm làng nghề khác đã được quyết vốn.

Cách đây khoảng 10 năm, khi lần đầu tiên đặt chân về Huế, họa sư Lê Bá Đảng đã đặt một câu hỏi. Rằng Huế có rất nhiều làng nghề, và Huế cũng có rất nhiều họa sĩ. Tại sao không kết hợp lại để phát triển?

Gần đây, một số họa sĩ Huế đã dấn thân khám phá những sản phẩm mới kết hợp giữa mỹ thuật đương đại với kỹ thuật, văn hóa truyền thống làng nghề. Nhưng cũng chỉ là sự mày mò, thử nghiệm bởi cái chính là đang thiếu một chiến lược vĩ mô cho phát triển làng nghề.

Tại các hội thảo nghề từng được tổ chức tại Huế, các chuyên gia nhận định, với hàng trăm làng nghề hiện nay, trong đó có nhiều làng nghề đã có thương hiệu, việc đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề là hướng đi cần có chiến lược lâu dài, tổng thể. Điều này đã được làm ở Thái Lan. Chỉ riêng nghề diều ở đây đã được chính phủ hỗ trợ, đầu tư, tạo ra những xưởng diều quy mô nhộn nhịp du khách. Điều mà sau chuyến liên hoan diều trở về từ Thái Lan cách đây chừng 5 năm, nghệ sĩ diều Nguyễn Đăng Hoàng cứ băn khoăn, tiếc nuối mãi khi nhìn lại cảnh đìu hiu của nghề làm diều ở Huế.

Cũng trong nhiều hội thảo tìm mô hình phát triển cho Huế, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, cái gốc (cũng là cái ngọn của Huế), chính là đi lên từ bản sắc. Và các làng nghề chính là một phần bản sắc sâu đậm, vô tận của Huế. Điều này đòi hỏi một chiến lược, một lộ trình tổng thể để khai thác bản sắc. Nhiều người lo ngại, với cách làm chắp vá, thiếu hệ thống, theo kiểu đặt nơi này một trung tâm, rồi nơi khác một trung tâm nhỏ lẻ như lâu nay, thì khó để diện mạo làng nghề Huế phát triển ra tấm, ra món.

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top