ClockThứ Năm, 24/09/2015 18:36

Mộc bản Phật giáo Huế kho báu di sản

TTH - Tình cờ gặp tại một hội nghị, nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng đã giới thiệu với tôi về kho mộc bản kinh Phật hiện lưu trữ tại từ đường họ Đặng, số 120 Mai Thúc Loan, TP. Huế.

Kho báu của dân tộc

Nhà thờ Đào Lý Phương Viên, số 120 Mai Thúc Loan, là một trong số 13 địa chỉ ở TP. Huế mà đoàn khảo sát về mộc bản Phật giáo ở Huế thực hiện, do Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán, làm Trưởng đoàn. Một trong những mục tiêu mà đoàn khảo sát hướng đến là giới thiệu về một di sản có giá trị không chỉ riêng với Phật giáo mà còn là bảo vật quốc gia cần được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn. Đồng thời, góp tiếng nói vinh danh những giá trị nổi bật của vốn văn khắc Phật giáo Huế và gìn giữ cho mai sau một kho báu của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (phải) và ông Hoàng Công Sấm

Xã hội phát triển, kỹ thuật in ấn hiện đại xuất hiện cũng là lúc nghề in truyền thống bằng những tấm mộc bản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Năm 2009, 34.618 tấm mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Đến năm 2012, Ủy ban UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức ghi danh Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) vào danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới. Ở Huế, mộc bản Phật giáo từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu của nhiều giới, nhiều ngành nhưng do nhiều điều kiện hạn chế nên chưa thể tiếp cận một cách sâu rộng và có cái nhìn đầy đủ về di sản này.

Theo Đại đức Thích Không Nhiên, mộc bản Phật giáo ở Huế là di sản tư liệu có giá trị rất lớn, không chỉ với Phật giáo mà còn là nguồn tư liệu bổ ích về văn hóa học, sử học, ngôn ngữ học… của xã hội thời Đàng Trong, của xứ Huế qua các thời kỳ lịch sử, từ thời các chúa Nguyễn cho đến cuối thế kỷ XX.

Tư liệu mộc bản Phật Giáo sớm nhất được phát hiện ở Huế là bản khắc kinh Kim Cang, năm Chính Hòa thứ 19 (1698). Bản khắc này hiện được lưu giữ tại chùa Từ Đàm, với những dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu cùng Hòa thượng Thạch Liêm. “Mặc dù chưa phải là tất cả nhưng chúng tôi nghĩ, về cơ bản những kết quả đợt khảo sát này đạt được đã góp phần quan trọng giúp chúng ta có cái nhìn tương đối đầy đủ về diện mạo, hiện trạng cũng như số lượng mộc bản Phật giáo mà Huế đang giữ”, Đại đức Thích Không Nhiên nói.

Tính đến việc lập một bảo tàng

Tọa lạc tại số 120 Mai Thúc Loan là ngôi từ đường Đào Lý Phương Viên của họ Đặng. Người tạo dựng nên gia tộc trâm anh họ Đặng ở đây là cụ Đặng Như Bá – người mà liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm gọi là cố nội. Cụ Đặng Như Bá người gốc Thường Tín, Hà Nội, vào Huế làm quan dưới triều Nguyễn, đến khi nghỉ hưu là Hàn lâm viện Thị giảng, trật Tòng tứ phẩm. Hiện nay, Từ đường họ Đặng đang lưu giữ 183 tấm ván khắc với 314 mặt khắc, gồm 5 bộ khác nhau. Theo Đại đức Thích Không Nhiên, cùng với chùa Từ Hiếu và chùa Thiên Mụ, Đào Lý Phương Viên là một trong ba nơi tàng bản được xem là “chính chủ”, còn bảo lưu khá nguyên vẹn số lượng và chủng loại các bộ mộc bản Phật giáo Huế.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng cho biết: “Lần tìm tư liệu từ những tấm mộc bản ở đây, chúng tôi rất ngạc nhiên và xúc động khi phát hiện ra những tác phẩm kinh điển nổi tiếng hàm chứa tinh hoa Phật giáo được chạm khắc trên những tấm gỗ, như bộ Kim Cang Bát nhã Ba la mật kinh. Rất may, quý thầy chùa Hải Đức tìm được cuốn kinh giấy được in ra bằng chính những bản khắc này. Cuốn kinh đã quá cũ kỹ nhưng chữ nghĩa vẫn rất rõ ràng. Mỗi trang in trông như một trang thư pháp độc đáo. Thật xúc động khi đối chiếu từng chữ trên bản gỗ và từng chữ trên cuốn kinh được in ra từ đó. Chúng tôi lặng người tri ân nghĩa cử quá lớn lao của người xưa”.

Tôi đến Đào Lý Phương Viên khi trời cũng đã chuyển trưa, nhưng câu chuyện của ông Hoàng Công Sấm – người trông coi từ đường, với ông Thành Dũng vẫn còn khá rôm rả. Đã quá quen với địa chỉ này sau chuyến khảo sát, nhưng với ông Thành Dũng, chuyện về những con người thuộc dòng họ Đặng trâm anh liên quan với địa chỉ này dường như chưa bao giờ cũ. Ông Sấm là em cô cậu ruột với liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ông có khuôn mặt hiền và giọng nói ấm. Ông bảo, có rất nhiều đoàn đến đây để xin khảo sát về mộc bản của gia đình, ai ông cũng vui vẻ đón tiếp và giúp đỡ, như là cách chia sẻ, lan tỏa tâm nguyện của ông cha. Theo nhà nghiên cứu Thành Dũng, địa chỉ này ngày nào ông cũng đi qua, thậm chí đã rất nhiều lần vào đây để nhâm nhi ly cà phê với anh bạn trông coi từ đường, nhưng phải đến tận hôm nay, “nhờ có chữ duyên” nên mới gặp được những tấm mộc bản này. Chính chữ “duyên” khiến ông càng trân trọng hơn di sản mà người xưa đã để lại.

“Di sản tư liệu thế giới Mộc bản của triều Nguyễn đã là niềm tự hào quá lớn, song đó mới chỉ là Mộc bản do triều đình san khắc, trong khi đó loại này còn có một mảng lớn bên ngoài cung đình. Từ cái duyên gặp được điểm lưu trữ mộc bản tại Đào Lý Phương Viên, chúng tôi hy vọng rằng rất có thể có nhiều bộ mộc bản khác đang được lưu trữ đâu đó trong các tư gia, nhất là những gia đình có vị trí xã hội cao trước đây. Để bảo vệ hiệu quả những báu vật này, theo tôi được biết, những người có chức sắc trong Phật giáo Huế đang tính đến việc lập một bảo tàng có đủ điều kiện để bảo quản mộc bản Phật giáo Huế một cách bền vững. Hy vọng, kế hoạch đó sớm trở thành hiện thực”, ông Phạm Đức Thành Dũng chia sẻ. 

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top